Tin mới

Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc và Philippines "bắt tay nhau" khai thác dầu khí trên biển Đông

Thứ sáu, 23/11/2018, 08:58 (GMT+7)

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Việt Nam cho rằng Trung Quốc và Philippines chỉ có thể hợp tác khai thác dầu khí tại các khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Việt Nam cho rằng Trung Quốc và Philippines chỉ có thể hợp tác khai thác dầu khí tại các khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền.

 

 

 

 

Báo Tri thức trực tuyến thông tin, trong cuộc họp báo ngày 22/11, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc và Philippines ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao - bà Nguyễn Phương Trà. Ảnh: Internet

Bà Nguyễn Phương Trà nói: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông bao gồm vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền và lợi ích hợp pháp trên biển rất rõ ràng, nhất quán và đã được nêu nhiều lần”.

“Hợp tác khai thác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông chỉ có thể tiến hành tại các khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982”, bà Nguyễn Phương Trà nói.

Trả lời câu hỏi về việc phía Trung Quốc phát ra mục tiêu 3 năm tới sẽ đàm phán xong Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà cho biết, về phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường liên quan đến hoàn tất đàm phán COC trong 3 năm tới, chúng tôi cho rằng duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và nghĩa vụ của tất cả các nước trong khu vực, trong đó có ASEAN và Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Duterte đồng ý hợp tác phát triển nguồn năng lượng ở Biển Đông. Nguồn: Philstar

Theo đó, trước những diễn biến phức tạp trong thời gian qua, ASEAN đã nhiều lần khẳng định mong muốn sớm có COC. Quan trọng là bộ quy tắc đó phải là một bộ quy tắc thực chất, hiệu lực, hiệu quả và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và có đóng góp thực chất vào việc đảm bảo hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông và khu vực.

Về việc Trung Quốc công bố hình ảnh cho thấy nước này đã lắp đặt một số cấu trúc mới trên đá Bông Bay của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bà Nguyễn Phương Trà khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, theo báo Thanh Niên.

Philippines và Trung Quốc hôm 20/11 đồng ý hợp tác phát triển nguồn năng lượng ở Biển Đông, với cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ làm việc với Manila để “xử lý các vấn đề bất đồng” tại vùng biển tranh chấp.

Hai nước đã ký kết 29 thỏa thuận vào tối 20/11, bao gồm bản ghi nhớ về việc hợp tác khai thác dầu khí. Theo nguồn thạo tin, thỏa thuận này chứa đựng “các nguyên tắc cơ bản” và không chỉ ra vị trí mà hai nước dự định hợp tác khai thác chung ở Biển Đông.

Hai bên đã ký các thỏa thuận trị giá  24 tỷ USD  nhân chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Philippines tháng 10/2016. Tuy nhiên đến nay, chỉ một phần nhỏ (khoảng 140 triệu USD) trong  24 tỷ USD  này được triển khai.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Rodrigo Duterte