Việt Nam và Thái Lan nhất trí tăng cường hợp tác, phối hợp ở các cấp để ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là phòng chống vận chuyển chất ma túy, di cư bất hợp pháp.
Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Thái Lan.
Sau lễ đón trọng thể tại Tòa nhà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm hẹp với Thủ tướng Prayut Chan-ocha; cùng các thành viên Chính phủ hai nước tiến hành Cuộc họp Nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ 3, kỳ họp Nội các chung đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 6 năm 2013.
Thành viên nội các hai nước Việt Nam - Thái Lan. Ảnh VGP |
Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển của mỗi nước cũng như đánh giá cao về mối quan hệ của hai nước trong thời gian qua.
Về hợp tác an ninh, quốc phòng
Hai bên nhất trí hợp tác trong các lĩnh vực này ngày càng gần gũi và sâu sắc, giúp tăng cường sự tin cậy chiến lược giữa hai nước.
Thành công của hợp tác quốc phòng song phương trong việc triển khai Bản ghi nhớ về Quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Thái Lan và Bộ Quốc phòng Việt Nam (ký năm 2012); trong các cuộc đối thoại và tham vấn giữa hai Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang của hai nước; Các sáng kiến hợp tác mới như lập Ủy ban chung về an ninh Việt Nam-Thái Lan giữa Bộ Quốc phòng Thái Lan và Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Trên cơ sở các thành tựu đã đạt được và với quyết tâm không ngừng mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa trụ cột hợp tác về chính trị, an ninh, quốc phòng trong quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan, hai bên đã trao đổi và thống nhất các định hướng lớn như sau:
Hai bên nhất trí sớm lập Ủy ban chung Việt Nam-Thái Lan về An ninh giữa Bộ Quốc phòng Thái Lan và Bộ Quốc phòng Việt Nam và đưa cơ chế này vào hoạt động.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, phối hợp ở các cấp để ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là phòng chống vận chuyển chất ma túy, di cư bất hợp pháp và buôn người, buôn lậu vũ khí, khủng bố, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm mạng, tội phạm môi trường.
Hai bên hoan nghênh khả năng tổ chức đối thoại an ninh thường niên giữa Bộ Công an của Việt Nam và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan.
Hai bên nhất trí tăng cường phòng chống tội phạm buôn người và tạo thuận lợi cho việc nhận trở lại và tái hòa nhập cho các nạn nhân của nạn buôn bán người, tuân thủ Quy trình tiêu chuẩn (SOPs) cho việc xác định và tái hòa nhập nạn nhân bị buôn bán người giữa Thái Lan và Việt Nam;
Hai bên khẳng định cam kết không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia.
Hai bên nhất trí tổ chức các hoạt động trong cả năm 2016 ở Việt Nam và Thái Lan để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan; đồng thời tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước; bao bao gồm trao đổi các đoàn cấp cao, các hoạt động văn hóa, tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư.
Đối với khu vực
Hai Thủ tướng cũng trao đổi sâu rộng các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên khẳng định lại quan điểm đã được nêu trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 26 tại Kuala Lumpur, Malaysia (tháng 4/2015); khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác nhằm thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và giai đoạn tiếp theo; đồng thời duy trì vai trò lãnh đạo và trung tâm của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực.
Hai bên cũng chia sẻ quan ngại về diễn biến gần đây tại Biển Đông làm ảnh hưởng đến sự tin cậy và lòng tin cũng như hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực; đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc các bên liên quan đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); xây dựng, duy trì và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); tăng cường đối thoại và tham vấn để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
K. Duy