Tin mới

Vụ 20 nam sinh hỗn chiến như giang hồ: Xác định nguyên nhân chính

Thứ tư, 18/03/2015, 08:59 (GMT+7)

Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung đưa ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh "hỗn chiến" hội đồng xảy ra liên tục thời gian gần đây.

Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung đưa ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh "hỗn chiến" hội đồng xảy ra liên tục thời gian gần đây.

Liên quan đến clip 20 nam sinh đánh nhau ... như giang hồ khiến dư luận bàng hoàng, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Nhà báo - Tiến sĩ - Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung – Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng:

 

“Bạo lực học đường không phải bây giờ mới xuất hiện, mà xuất hiện từ lâu rồi, nhưng hiện nay truyền thông báo chí rất mạnh và dư luận xã hội hiện nay cũng bảo vệ các em học sinh rất nhiều cho nên chúng ta lên án rất mạnh mẽ những hành động bạo lực học đường”.

Ông Phạm Ngọc Trung cũng đưa ra biểu hiện của bạo lực học đường: “Chính là học sinh, sinh viên đánh đập nhau, xúc phạm nhau về thể xác, về nhân phẩm. Ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ dẫn đến bất an trong trường học, nhiều em không dám đi học hoặc đi học trong tâm trạng hoảng loạn”.

Vụ 20 nam sinh hỗn chiến như giang hồ: Xác định nguyên nhân chính - Ảnh 1

20 nam sinh hỗn chiến như … giang hồ là học sinh trường THCS Phúc Diễn (huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh chụp từ clip

 

Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung đưa ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh đánh nhau:

Một là, giáo dục hiện nay cần phải xem xét lại đúng như Nghị quyết Trung ương đã nói phải cải cách căn bản và toàn diện nền giáo dục. Vì hiện nay, một đứa trẻ vài tháng tuổi đã được đưa đi nhà trẻ rồi, nếu may mắn được học ở nhà trẻ cô giáo thương yêu thì tốt nhưng nếu không may vào một số trung tâm cô giáo, bảo mẫu hành hạ, đánh đập, cấu véo các cháu như báo chí đã đưa thì sẽ khiến các bé phải chịu bạo lực đồng thời các em nhỏ cũng học bạo lực từ đấy.

Tiếp đó, mạng internet phát triển mạnh mẽ, cháu bé 3, 4 tuổi được bố mẹ cho xem phim hoạt hình, tuy nhiên những bộ phim hoạt hình như người máy, người nhện đều là phim bạo lực.

Thứ ba, xuất hiện quá nhiều trung tâm học võ, bản chất học võ là rất tốt nhưng không phải em nào cũng tiếp thu được điều đó. Từ biết võ rồi thì các em ngứa chân, ngứa tay muốn thực hiện.

Nguyên nhân thứ tư chính là giáo dục của nhà trường đôi lúc quá tải, đôi khi nhiều thầy cô không chú ý đến việc giáo dục đạo đức mà chỉ chú ý đến việc giáo dục kiến thức, dạy thêm để kiếm tiền mà quên mất việc giáo dục đạo đức mới là nền tảng.

Cũng theo ông Trung, việc giáo dục đạo đức cần phải chiếm phần lớn.

Nguyên nhân thứ 5 đó là bản thân các em không chịu rèn luyện, có những em có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ chia tay hoặc không có người thân kèm cặp đã dẫn đến bị sa ngã khi gặp những người bạn không tốt lôi kéo.

Về quản lý của nhà trường, hiện nay có một số trường thầy cô giao cho cán bộ lớp, lớp trưởng lớp phó, tổ trưởng quá nhiều quyền lực, không chỉ hò hét mà các cán bộ lớp còn duy trì trật tự bằng cách dùng thước để quật hoặc đánh bạn, mắng mỏ, xúc phạm các bạn thay cho cô giáo.

Vì vậy, các em chưa thể kiểm soát được và có những suy nghĩ, hành vi quá trớn như trường hợp của nhóm học sinh ở Trà Vinh vừa qua.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi trên Dân trí, lãnh đạo trường THCS Phúc Diễn (huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã xác nhận nhóm học sinh trong clip ẩu đả đang học lớp 9 tại trường này. Nhà trường đã nắm bắt tình hình ngay sau khi vụ việc xảy ra và yêu cầu các học sinh tham gia ẩu đả làm bản kiểm điểm, tường trình. 

“Chiều 10/3 sự việc xảy ra, đến ngày hôm sau giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu đã nắm được tình hình. Trường đã cho các em viết bản tường trình và cam kết không tái diễn sự việc”, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.

Theo tường trình của các nam sinh, nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa hai bạn học sinh lớp 9. Các em nhờ bạn lớp bên can thiệp rồi lời qua tiếng lại, kết hợp với sự kích động của hai cựu học sinh cá biệt nên dẫn đến xô xát tập thể mặc dù hai cá nhân chính trong vụ mâu thuẫn đã làm hòa với nhau. Người quay và tung clip lên mạng không phải học sinh trong trường.

Cũng theo bản tường trình, vụ ẩu đả có dấu hiệu bị kích động của người ngoài, bởi thế trong clip mới có những tiếng hô hào, cười đùa, xúi giục "đánh tiếp đi, anh đang quay".

Theo ông Tuấn, trong tuần này trường sẽ họp hội đồng kỷ luật và đưa ra kết quả xử lí cuối cùng.

“Nhà trường sẽ xử lí phải trên tinh thần nghiêm khắc, răn đe nhưng cũng phải có tính giáo dục để cả người đánh và bị đánh biết nhận ra sai sót và sửa chữa”, Hiệu trưởng trường có nhóm học sinh đánh nhau cho biết.

Theo các giáo viên chủ nhiệm, những em tham gia ẩu đả đều là những trò ngoan, có học lực trung bình và khá.

Như tin tức đã đưa, mới đây, một đoạn clip dài hơn 1 phút đang lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh khoảng 20 nam sinh chia thành 2 phe đánh nhau. Sau khi gặp mặt, đôi bên đã có những lời lẽ qua lại, khích bác rồi dẫn tới ẩu đả.

Theo nội dung đoạn video, một nhóm thanh niên mặc đồng phục học sinh chia thành hai phe đã tham gia hỗn chiến. Ban đầu hai bên đã có những lời qua lẽ lại, rồi khích bác nhau và dẫn tới ẩu đả.Hai bên đã không ngần ngại lao vào đấm, đá nhau. Bên ngoài là tiếng cổ vũ đánh nhau của nhiều người, trong đó có một số người mặc đồng phục học sinh.

Theo Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news