Liên quan tới vụ việc 7 bệnh nhân tử vong trong quá trình điều trị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngày 30/5, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình đã niêm phong máy và làm việc với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.
Tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ khi đang chạy thận, trong đó 7 người đã tử vong. Ảnh: VnExpress. |
Theo thông tin trên Tuổi trẻ, VOV, ngày 30/5, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình đã niêm phong máy và làm việc với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.
Hồ sơ của bệnh viện tỉnh Hòa Bình cho biết, ngày 28/5, một ngày trước khi xảy ra vụ tai biến y khoa nghiêm trọng, Công ty Thiên Sơn đã tiến hành bảo trì, sửa chữa hệ thống lọc nước tinh khiết liên quan đến các thiết bị lọc máu để phục vụ bệnh nhân tại Khoa điều trị lọc máu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Ngay sau quá trình bảo trì, sửa chữa, sáng 29/5, khi bệnh viện tiến hành lọc máu theo chu kỳ cho 18 bệnh nhân đầu tiên thì cả 18 người đều có dấu hiệu sốc phản vệ, trong đó có 7 người tử vong và 1 người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. 10 người khác phải chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Được biết, Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn có trụ sở tại đường Trung Yên 3, phường Trung Hòa, (Cầu Giấy, Hà Nội) là đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó có các thiết bị lọc máu chạy thận.
Cũng trong ngày hôm nay, Sở Y tế Hà Nội có văn bản gửi các bệnh viện trong và ngoài công lập về việc tiếp nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình chuyển về sau tai biến y khoa khiến 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ khi đang chạy thận, trong đó 7 người đã tử vong.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Bệnh viện Thận Hà Nội là nơi thường trực tiếp nhận bệnh nhân chạy thận nhân tạo được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về và điều phối người bệnh đến các đơn vị mạng lưới, nếu cần. Bệnh viện cần xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình lọc máu tại tất cả các đơn vị mạng lưới; tổ chức tập huấn quy trình chuyên môn cho các đơn vị trong mạng lưới.
Ngoài ra, 4 bệnh viện khác là Hòe Nhai, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, sẵn sàng tiếp nhận điều trị người chạy thận nhân tạo từ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình chuyển về.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo cần rà soát lại quy trình chuyên môn, kỹ thuật, kiểm tra lại máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thực hiện đúng hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận trước khi sử dụng cho người bệnh, tránh để xảy ra các tai biến y khoa.
Tại buổi họp báo thông tin về sự cố y khoa khiến hàng loạt bệnh nhân tử vong trong quá trình điều trị lọc máu chu kỳ, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình vào chiều 29/5.
Bác sĩ Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đã đứng lên xin nhận trách nhiệm về sự cố y khoa nghiêm trọng. Thay mặt cán bộ công nhân viên bệnh viện, ông Dương gửi lời xin lỗi chân thành đến gia đình và các bệnh nhân gặp tai nạn. Ông cũng gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân các bệnh nhân đã qua đời.
Theo ông Dương, khoa Thận Nhân tạo của bệnh viện đã thành lập được hàng chục năm nay, làm hàng trăm nghìn ca đều rất an toàn, nên sự cố xảy ra rất bất ngờ. Theo ông Dương, ngoài 7 trường hợp tử vong, hiện 10 bệnh nhân đang điều trị ở Bạch Mai, cơ bản đang hy vọng sẽ ổn định.
Đức Hòa (tổng hợp)