Việc giám định ADN để "tìm ra" nạn nhân vụ án "Thẩm mỹ viện Cát Tường" là một trong những chiến công thầm lặng mà còn ít người biết và hiểu thực sự.
Ngày 4/8 vừa qua, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã có kết luận giám định gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, kết luận: Người nữ giới trôi trên sông Hồng, đoạn bến đò xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội phát hiện ngày 18/7/2014 có đoạn xương gửi giám định có quan hệ là mẹ đẻ cháu Nguyễn Hữu Hoàng (SN 2000) ở số 36 phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm và là con ruột của ông Lê Văn Viễn (SN 1936) và bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1947) ở 14E ngách 121/82 Kim Ngưu, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Với sự thận trọng và đảm bảo nguyên tắc điều tra, kết quả giám định trên đã được giữ bí mật đến phút chót để trao cho Cơ quan điều tra vào chiều 4/8. Tiếp theo, gia đình chị Huyền đã được Cơ quan điều tra Công an Hà Nội thông báo kết luận giám định trên.
Trao đổi với báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Hiền (mẹ đẻ chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân bị Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường thả trôi sông) cho biết: Kết quả giám định ADN mẫu vật gia đình và thi thể tìm thấy ở bến Văn Đức sau đó xác định là chị Huyền trùng khớp gần như 100%, không phải 95% như một số tờ báo thông tin.
Bà Hiền bên di ảnh con gái xấu số.
“Cơ quan giám định công bố kết quả giám định ADN mẫu vật của gia đình và thi thể Huyền trùng khớp gần như là 100%, chính xác là 99,99%. Tỷ lệ giám định như thế thì không tin tưởng sao được. Gia đình tôi đã nói nhiều lần là hoàn toàn tin tưởng vào kết quả giám định ADN của cơ quan giám định. Tôi cũng không hiểu vì sao lại có thông tin tin trùng khớp chỉ 95% trên báo chí”, bà Hiền bức xúc.
Theo mẹ nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, ngay từ lúc nhìn thấy thi thể ở bến Văn Đức, bà đã có linh cảm rằng đây là con gái mình.
“Ngay từ lúc nhìn thấy thi thể ở bến Văn Đức hôm 18/7, cả tôi và Huy (anh Nguyễn Hữu Huy, chồng chị Huyền - PV) đều có linh cảm đó là thi thể của Huyền. Lúc đó chân tay tôi tự nhiên bủn rủn khi tiếp xúc với thi thể. Tôi tiếp xúc với nhiều thi thể nghi là con tôi, nhưng đây là lần tôi thấy người có cảm giác lạ thế.
Tôi thấy thi thể giống con gái mình quá, chỉ riêng cái áo cháu mặc hơi lạ, nhưng tôi nghĩ là có thể người ta mặc áo khác cho con tôi. Với linh cảm của một người mẹ, tôi có niềm tin thi thể là con mình nên đã đề nghị được xét nghiệm ADN.
Khi biết được kết quả xét nghiệm ADN xác định thi thể đó đúng là con tôi, chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào kết quả giám định của Viện Giám định pháp y (Bộ Công an). Tôi không tin tưởng thì tôi làm cầu siêu cho con tôi làm gì”, bà Hiền cho biết.
Hành trình giải mã ADN
Theo Anh ninh Thế giới đưa, Đại tá Nguyễn Văn Hà cho biết, buổi chiều 18/7 vừa qua, khi phát hiện một tử thi nổi tại bến đò Văn Đức, huyện Gia Lâm, Tiến sĩ - bác sĩ pháp y Nguyễn Quốc Hải, cán bộ Phòng PC54 Công an Hà Nội, người trực tiếp làm công tác khám nghiệm tử thi đã điện thoại cho anh. Lúc đó, qua điện thoại, bác sĩ Nguyễn Quốc Hải chỉ nói đang khám nghiệm một tử thi nổi trên sông chưa rõ tung tích, nếu giám định ADN thì cần lấy mẫu ở những chỗ nào?
Sau khi biết thi thể đã bị phân hủy hết phần mềm, lại mất đầu, Đại tá Nguyễn Văn Hà hướng dẫn đồng chí Hải lấy phần xương tốt nhất trên cơ thể, tốt nhất là phần xương đùi. Sở dĩ chọn phần xương này vì theo Đại tá Nguyễn Văn Hà, đối với hài cốt thì răng là nơi bảo vệ ADN tốt nhất. Nhưng vì thi thể không có đầu nên xương đùi sẽ là phần xương bảo vệ ADN tốt nhất trong các bộ phận còn lại.
Đại tá Hà (ngoài cùng phía bên phải), đối với hài cốt thì răng là nơi bảo vệ ADN tốt nhất. Nhưng vì thi thể không có đầu nên xương đùi sẽ là phần xương bảo vệ ADN tốt nhất trong các bộ phận còn lại.
Ngày 29/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm gửi yêu cầu trưng cầu giám định ADN tới Viện C54 Bộ Công an. Quyết định trưng cầu chỉ ghi mẫu xương của người chưa rõ tung tích được phát hiện tại bến đò Văn Đức. Cùng với việc gửi mẫu xương. Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã mời bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ đẻ nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đến để lấy mẫu so sánh. Bà Hiền đã được giám định viên thu mẫu ADN trực tiếp tại Trung tâm Giám định sinh học pháp lý.
Đối với bà Nguyễn Thị Hiền, giám định viên quyết định lấy mẫu ADN từ tế bào niêm mạc miệng. Việc lấy mẫu khá đơn giản, chỉ cần dùng tăm bông chuyên dụng đưa vào khoang miệng, xoay nhiều lần để lấy tế bào niêm mạc. Tăm bông này sẽ được để khô tự nhiên trong môi trường vô trùng, sau đó tiến hành quy trình tách chiết ADN từ tế bào niêm mạc miệng.
Xác định kết quả giám định sẽ góp phần quan trọng giải mã vụ án đang được dư luận quan tâm đặc biệt này, một tổ giám định được thành lập gồm 5 giám định viên và trợ lý giám định, do PGS.TS Nguyễn Văn Hà trực tiếp chỉ đạo, khẩn trương bắt tay ngay vào việc giám định 2 mẫu ADN từ mẫu xương và ADN của bà Nguyễn Thị Hiền. Yêu cầu đặt ra là làm sao đạt kết quả chính xác nhất trong thời gian nhanh nhất.
Những giám định viên dày dạn kinh nghiệm được yêu cầu tham gia giám định với những thiết bị tối tân nhất hiện có và những loại hóa chất tốt nhất. Trực tiếp đồng chí Viện trưởng và Ban lãnh đạo Viện luôn sát cánh thăm hỏi, động viên anh em.
Sau 3 ngày tập trung cao độ cho công tác giám định, chiều tối 1/8/2014, kết quả giám định cho thấy 2 mẫu giám định có quan hệ huyết thống mẹ - con với xác suất 99,99%. Anh em trong tổ giám định mừng đến run người. Dường như không tin nổi đó là sự thật, trực tiếp Đại tá Nguyễn Văn Hà vào máy để kiểm tra một lần nữa. Những thông số về kiểu gen của 2 mẫu giám định hiển thị trên màn hình đều trùng khớp một cách thần kỳ. Mắt Đại tá Hà nhòe đi vì xúc động.
Mặc dù chỉ với kết quả giám định ADN của bà Hiền thôi cũng đủ để kết luận giám định. Nhưng về mặt khoa học, để đảm bảo kết quả chính xác tuyệt đối, Đại tá Nguyễn Văn Hà quyết định chậm lại một bước, chưa trả lời ngay kết quả cho Cơ quan điều tra mà tiếp tục lấy thêm mẫu ADN của ông Lê Văn Viễn (bố đẻ chị Huyền) để trả lời câu hỏi: Thi thể đó có phải là con đẻ của ông Viễn - bà Hiền hay không?
Nhưng kể cả cho kết quả đúng là con đẻ ông Viễn - bà Hiền thì vẫn còn một câu hỏi phải giải đáp: Liệu đó là người con nào trong số những người con của ông bà? Do đó, Đại tá Hà quyết định lấy thêm mẫu ADN của con đẻ của chị Huyền. Nếu mẫu này cho kết quả huyết thống mẹ - con thì sẽ chứng minh rằng thi thể đó chính xác là chị Huyền.
Chính vì vậy, Đại tá Nguyễn Văn Hà đề nghị Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội tiếp tục cung cấp thêm 2 mẫu ADN như trên. Sáng thứ bảy ngày 2/8, anh Nguyễn Hữu Huy, chồng chị Lê Thị Thanh Huyền đã đưa ông Lê Văn Viễn và cháu Nguyễn Hữu Hoàng (SN 2000), con trai đầu của chị Huyền và anh Huy tới Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, C54.
Đại tá Nguyễn Văn Hà nói rằng, khi tiếp chuyện thân nhân của chị Huyền, trong lòng anh trào dâng những cảm xúc khó tả. Vừa xót xa cho họ trong 9 tháng qua không một ngày yên lòng khi thi thể của con, của vợ, của mẹ vẫn bặt vô âm tín. Vừa phấn khởi vì cuối cùng, họ cũng đã tìm được người thân. Xét về mặt tâm linh của người Việt Nam thì có tìm được chị Huyền, những người thân của chị mới có thể thanh thản trở lại cuộc sống thường nhật.
Đại tá Hà bảo rằng, lúc đó, anh chỉ muốn ôm ông Viễn, anh Huy và cháu Hoàng để chia sẻ niềm vui với họ. Thế nhưng, niềm vui của anh cũng chỉ dám thể hiện qua ánh mắt. Anh động viên họ rồi giải thích rằng cần thêm mẫu ADN của 2 người để phục vụ điều tra và sẽ cố gắng có kết quả sớm nhất vào sáng thứ hai.
Ngay sau khi lấy mẫu tóc của ông Viễn và cháu Hoàng, các giám định viên lại khẩn trương vào việc. Cả đêm hôm đó, tổ giám định thức trắng. Để sáng hôm sau, chủ nhật ngày 3/8, niềm vui như vỡ òa khi kết quả kiểu gen của từng người được lấy mẫu đã khẳng định có quan hệ huyết thống với mẫu xương của thi thể được phát hiện.
Suốt đêm đó, anh em mừng không ngủ được. Những nỗ lực, những đêm trắng của các cán bộ công an làm công tác giám định gen những ngày qua đã được đền đáp.
Vụ án chưa khép lại. Trên cơ sở đã xác định được tung tích nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, Cơ quan điều tra sẽ có phương hướng cho các bước điều tra tiếp theo. Việc xác định được tung tích nạn nhân còn giúp cho Cơ quan điều tra xác định được nhiều vấn đề khác như: định danh được tội mà thủ phạm gây ra, kiểm chứng được những lời khai của thủ phạm. Với nỗ lực của CBCS Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, Viện C54 Bộ Công an, đã góp phần xoa dịu nỗi đau của gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.
Với tổng số 26 CBCS, Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an trong năm 2013 đã giải quyết 413 vụ việc giám định ADN và 250 vụ việc trong 6 tháng đầu năm 2014. Theo Đại tá Trương Đức Khải, Giám đốc Trung tâm, đơn vị đang xây dựng tàng thư gen tội phạm quốc gia, đã thu và phân tích 30.000 mẫu; theo tiến độ đến năm 2015 sẽ hoàn thành với 50.000 mẫu gen. Đồng thời, Trung tâm cũng đang xây dựng đề án giám định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo Quyết định 150 của Thủ tướng Chính phủ. Với bề dày hàng chục năm trong lĩnh vực giám định ADN, Trung tâm Giám định sinh học pháp lý với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, hóa chất đồng bộ, sử dụng quy trình giám định chặt chẽ, đảm bảo tính chính xác, khách quan, đã kết luận hàng chục nghìn vụ việc giám định ADN như xác định quan hệ huyết thống cha con, danh tính đối tượng, nạn nhân trong các vụ án, các vụ việc tòa án trưng cầu, các xét nghiệm ADN ngoài tố tụng, phục vụ nhu cầu xét nghiệm ADN của nhân dân. |
Theo Gia Huy - Người đưa tin (Tổng hợp)