Vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh diễn ra suốt 3 ngày 2 đêm đã khiến người dân cả nước hoang mang. Ngọn lửa bùng phát từ hôm 28/6 đã nhanh chóng lan rộng dữ dội khiến nhiều héc-ta rừng phòng hộ quý giá bị thiêu rụi. Hàng nghìn người đã phải dầm mình trong biển lửa và phải mất tới 72 giờ chiến đấu mới có thể khống chế được vụ cháy rừng kinh hoàng này.
Vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh diễn ra suốt 3 ngày 2 đêm. Ảnh internet
Để có được chiến tích như vậy, ngoài sự nỗ lực không biết mệt mỏi của những chiến sĩ PCCC, không thể không kể đến người đàn ông không màng đến nguy hiểm của bản thân, tiên phong mang cây cưa lao vào biển lửa cưa hàng ngàn gốc cây để bộ đội dọn đường băng cản lửa. Ông chính là người hùng thầm lặng Đặng Văn Tiến (SN 1966, trú tại thôn 8, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Trả lời phỏng vấn báo Dân Việt, Thanh Niên, ông Tiến nhớ lại thời điểm xảy ra vụ cháy rừng đúng lúc ông đang chuẩn bị nghỉ trưa. Khi nhận được cuộc điện thoại nhờ hỗ trợ chữa cháy rừng, ông lập tức mang cây cưa và đi ngay. Khi đến địa điểm xảy ra cháy, ông thấy bộ đội đang đứng dưới chân núi và chưa thể tiếp cận đám cháy vì chưa có đường lên.
Ông Đặng Văn Tiến bị thương khi giúp bộ đội khống chế vụ cháy
Ông xung phong lên cắt cây để bộ đội dọn đường băng và tiếp cận với đám cháy. Cứ thế suốt 3 ngày, 2 đêm ông cùng với các cán bộ, chiến sĩ dầm mình trong biển lửa, chỉ xuống nuối tranh thủ ăn ít cơm, uống nước rồi lại leo lên núi. Mặc cho bản thân bị thương, ông cũng không hề cảm thấy đau đớn.
“Lúc đó tôi đang cưa cây thì phần xích bị đứt cắt vào chân. Vết cắt dài khoảng 7-8 cm nhưng khá sâu khiến máu chảy đầm đìa. Tôi vội xé túi áo, một anh bộ đội đưa cho tôi một chiếc khăn để buộc tạm lại. Cầm máu xong tôi lại nối xích tiếp tục cưa vì sợ chậm chút nữa lửa bén đến càng nguy hiểm”, ông Tiến kể lại với phóng viên Saostar.
Ông bị thương khi tham gia chống chọi đám cháy
Ròng rã suốt 3 ngày trắng đêm với giặc lửa, ông Tiến đã cưa được hàng ngàn gốc cây, tạo được hàng trăm mét đường băng cản lửa. Chính nhờ phương pháp này, mà trong thời gian vụ cháy diễn ra, địa bàn huyện Nghi Xuân đã bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Dù sau vụ cháy, chính quyền địa phương mong muốn gửi chút quà động viên nhưng ông đều từ chối. Bởi vậy, người dân nơi đây vẫn gọi ông là “người hùng trong bão lửa”.