Những ngày gần đây, danh sách những thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đăng tải trên báo chí đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Danh sách 9 thí sinh Hoà Bình bị học viện An ninh trả về.
Mới đây nhất, danh sách công bố phụ huynh là cán bộ có con được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua gây xôn xao. Trong bảng danh sách được đăng tải trên báo chí, hầu hết phụ huynh đều là những cán bộ có chức vụ, vị trí trong xã hội. Điều này, khiến cho người dân đặt ra nhiều dấu hỏi, thậm chí cho rằng việc này sẽ làm giảm niềm tin của người dân đối với những cán bộ.
Trước những vấn đề này, PV đã lắng nghe ý kiến từ ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Về việc làm của những phụ huynh trong danh sách nâng điểm cho con, đây có phải là hành vi tham ô, tham nhũng hay không? ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ: “Phải chiểu theo quy định của pháp luật, nhưng đây là hành vi sai trái, không phải tự nhiên một người dân bình thường không có chức vụ, quyền hạn, không có tiền bạc thì làm sao cho con vào được nếu con họ không đủ điểm. Vậy nên, tùy theo từng tính chất vụ việc, điều tra làm rõ, nếu họ có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn đó, bắt cấp dưới phải thực hiện theo ý chí của mình thì đây là một hành vi vi phạm pháp luật; Tiếp nữa, cũng có thể phụ huynh không phải có chức vụ quyền hạn cao nhưng có nhiều tiền, dùng tiền đó để mua chuộc, hối lộ để nâng điểm cho con thì đây là hành vi đưa hối lộ.
Việc phát hiện ra như vậy thì phải xử lý nghiêm, đồng thời để răn đe cho những năm sau không bao giờ để chuyện đó xảy ra, còn nếu để xảy ra thì càng phải xử lý nặng hơn như vậy mới mang tính phòng ngừa”.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý cho rằng càng là những người có chức vụ, quyền hạn thì càng phải xử lý nghiêm.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy phân tích thêm: “Học sinh như tờ giấy trắng, chính phụ huynh làm hư hỏng các em. Vấn đề hiện nay, biết được em A, B, C… từ không đủ điểm mà thành đủ điểm. Bây giờ, đưa về vị trí ban đầu là chuyện bình thường, là đúng. Thế nhưng, đáng lý ra suất của A, B, C không đủ điểm đó là cho những em khác nhưng giờ thì các em khác đã mất cơ hội chỉ vì gian lận.
Theo tôi, cần xử lý thật nghiêm sao cho xã hội tâm phục khẩu phục. Đối với những người có chức vụ, quyền hạn thì càng phải xử lý nghiêm, nặng hơn. Đảng viên thì phải xử lý về mặt đảng, chính quyền, thậm chí đủ yếu tố hình sự thì đưa ra toà”.
Tuy nhiên, khi nhìn lại danh tính các thí sinh được nâng điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng: “Làm như vậy có thể sẽ làm tổn thương các em, có em không phải là người trực tiếp làm mà bố mẹ các em muốn vậy. Vấn đề bây giờ giải quyết thế nào? Về phía phụ huynh, cán bộ nâng điểm thì công khai danh tính là điều tất nhiên, nhưng về phần các em cũng cần xem xét. Tránh tình trạng, các em đang ở độ tuổi “nổi loạn”, nhiều khi cái tôi cá nhân rất cao, bây giờ cánh cửa đại học mở rộng nhờ bố mẹ mà vào được, nhưng nay cũng vì chuyện này lật lại khiến cánh cổng đại học đóng lại, nên phải làm việc với những em này, chuẩn bị tư tưởng, tâm lý tránh những cú sốc, những hành vi tiêu cực đáng tiếc xảy ra”.