Thời gian qua, dư luận xôn xao trước danh sách 44 thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La. Trong 44 thí sinh thì có tới 10 trường hợp là con em cán bộ đang làm việc trong ngành giáo dục và quan chức nắm giữ chức vụ quan trọng ở tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD&ĐT Sơn La (mặc áo trắng bên phải), nghe tống đạt quyết định khởi tố bị can hồi tháng 7/2018. Ảnh: C.A.
Nhìn qua danh sách được báo chí đăng tải có thể thấy, hầu hết các thí sinh được nâng điểm toàn con em lãnh đạo, từ tỉnh đến các sở ban ngành, lĩnh vực như công an, biên phòng, giáo dục, kiểm lâm, thuế...
Có thể kể đến 2 vị Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La; Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy Sơn La; 1 số cán bộ công an tỉnh Sơn La; Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai...
Nhiều phụ huynh làm ở lĩnh vực giáo dục, có con gian lận điểm như: Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La; Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Phù Yên; Chánh thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT; Giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn, TP Sơn La; Giáo viên trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La...
Hôm qua (18/4), trả lời Lao động về việc con nằm trong diện được nâng điểm, ông Nguyễn Duy Hoàng (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La) cho hay đang đợi kết luận điều tra của công an nên chưa thể nói được gì thêm. Song ông khẳng định: "Tôi quá tự tin về sức học của con ấy chứ, có vấn đề gì đâu, việc gì phải làm chuyện để mất uy tín như thế".
Một phụ huynh khác là ông H. (Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, Sơn La) cũng chia sẻ, thông tin con mình được nâng khống điểm thi. Nhưng khi được hỏi gia đình có tác động gì để nâng điểm cho con không thì ông H. lảng tránh rồi từ chối trả lời về sự việc.
Khi trả báo chí khoảng giữa tháng 4/2019, ông Q. (Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La), đã bày tỏ sự bất ngờ và bức xúc về thông tin con được nâng khống điểm thi, đồng thời khẳng định "không có tác động ở đâu, không có chuyện đó".
"Tôi đang làm thủ tục để gửi Sở GD-ĐT Sơn La phúc khảo lại điểm cho con. Hôm qua, tôi gọi điện hỏi con, con nói rất bức xúc và muốn phúc khảo lại điểm này. Tôi không nhờ vả ai để nâng điểm cho con cả", trên Lao động dẫn lời Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La nói.
Còn ông D. (Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, có con trong danh sách được nâng khống điểm thi) lý giải, con ông được nâng điểm môn tự nhiên nhưng không dùng tổ hợp này để xét tuyển đại học mà dùng tổ hợp xã hội xét tuyển.
Ông D. khẳng định gia đình mình không hề có sự tác động nào để con được nâng điểm. Theo vị này, con ông học giỏi ở trường chuyên và hiện học trường luật ở Hà Nội.
Về phía tỉnh Hà Giang, thông tin báo Tuổi trẻ đưa sáng nay (19/4) cho hay, trong danh sách nâng điểm thi còn có con của một Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang được nâng khống hơn 10 điểm. Con của một lãnh đạo Phòng GD&ĐT Vị Xuyên cũng được nâng 8-9 điểm ở các tổ hợp xét tuyển.
Ngoài ra, cháu ruột của vợ ông Vũ Trọng Lương (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT Hà Giang - đã bị khởi tố) cũng giảm 9-10 điểm sau chấm thẩm định ở khối A, B.
Trong danh sách thí sinh bị thay đổi điểm có M.V.B.N., con của một phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. Ngay thời điểm xảy ra vụ tiêu cực thi cử vào giữa tháng 7/2018, Tuổi trẻ đã có trao đổi qua điện thoại với phụ huynh của N. thì vị này nói không muốn sự việc đăng lên phương tiện thông tin đại chúng vì "con đang tuổi nhạy cảm".
Vị này khẳng định không có chuyện can thiệp nâng điểm vì N. là học sinh giỏi nhưng... "điểm chấm lại bị sai sót": sau thẩm định tổng 6 môn của N. tăng lên, trong 3 môn xét tuyển thì có một môn "bị sai sót điểm", còn 2 môn khác tăng điểm lên.
Trước đó, con gái của ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng nằm trong danh sách nâng điểm. Trả lời báo chí hồi tháng 7/2018, ông Triệu Tài Vinh thừa nhận con gái mình có tên trong danh sách thí sinh bị thay đổi điểm, nhưng khẳng định ông "không biết, không chỉ đạo gì cả".
"Con gái tôi học tốt, giỏi liên tục 3 năm phổ thông, học giỏi từ cấp 2, làm lớp trưởng thì không việc gì tôi phải đi xin điểm và không bao giờ tôi làm như thế", ông Vinh nói.