Tin mới

Vụ lãnh đạo tỉnh đi xe DN tặng: Cục trưởng Chống tham nhũng lên tiếng

Thứ hai, 27/02/2017, 09:50 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng cần làm rõ động cơ, mục đích của doanh nghiệp khi tặng quà cho UBND tỉnh là gì.

Trước việc doanh nghiệp tặng cho tỉnh Cà Mau 2 ô tô hiệu Lexus (có giá hơn 6 tỷ đồng). Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng cần làm rõ động cơ, mục đích của doanh nghiệp khi tặng quà cho UBND tỉnh là gì.

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). Ảnh: Việt Đức

Trả lời phỏng vấn trên Tri thức trực tuyến, Infonet, Báo Giao thông, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng Chính phủ đã quy định về giá trị xe của lãnh đạo cấp tỉnh rõ ràng mà lãnh đạo tỉnh lại đi xe cao hơn tiêu chuẩn khiến dư luận thắc mắc là đương nhiên.

"Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2007 quy định nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân nhận quà có giá trị lớn liên quan đến hoạt động công vụ. Nhưng thực chất doanh nghiệp liên quan đến địa bàn, như chuyện tặng xe của doanh nghiệp, cái đó trong thực tế vẫn diễn ra, cho nên phải xem xét trên các khía cạnh", Cục trưởng Chống tham nhũng nói và đưa ra quan điểm: “Tôi chưa kết luận cái đó đúng hay sai, mà phải xem xét trên nhiều khía cạnh cho toàn diện và đầy đủ”.

Theo quy định mới nhất của Bộ Tài chính, chủ tịch tỉnh, thành phố chỉ được đi ô tô có giá trị không quá 920 triệu đồng. Bí thư cấp tỉnh nếu là Ủy viên Bộ Chính trị thì được đi xe giá trị tối đa 1,1 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Đạt cho rằng cần có một cơ quan xác minh lại thông tin Thành ủy Đà Nẵng tiếp nhận và sử dụng xe trị giá lên đến 1,3 tỷ đồng từ doanh nghiệp. Bởi Bộ Tài chính đã có quy định rất rõ về từng chức vụ được sử dụng xe trị giá như thế nào.

Trước việc doanh nghiệp tặng cho tỉnh Cà Mau 2 ô tô hiệu Lexus (có giá hơn 6 tỷ đồng), ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) khẳng định việc doanh nghiệp tặng quà sau đó được ứng 25 tỷ đồng chắc chắn sẽ khiến người dân và các doanh nghiệp khác đặt nghi vấn. Vì thế, cần làm rõ động cơ, mục đích của doanh nghiệp khi tặng quà cho UBND tỉnh là gì.

Theo Cục trưởng Đạt, việc doanh nghiệp tặng 2 chiếc xe hay 5 chiếc xe tiền tỷ cho cơ quan nhất định nào đó để phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, phục vụ mục đích chung cho sự phát triển một bàn tỉnh nhất thì điều này là quá tốt rồi, đó được xem như là xã hội hóa.

Nếu xe tặng đó chỉ phục vụ riêng cho một cá nhân là sai quy định pháp luật. Còn phục vụ cho mục đích hoạt động chung của một tỉnh thì điều này không sai về quy định tặng quà, biếu quà.

Việc doanh nghiệp tặng 2 chiếc xe trị giá lớn như vậy để nhằm mục đích gì chưa thể đưa ra kết luận. Nhưng theo quy định pháp luật việc nhận quà phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục.

Đơn vị nhận quà với giá trị cao như vậy phải lập phương án báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính để ban hành quyết định về việc xác lập quyền sở hữu nhà nước.

Sau khi đã xác lập quyền sở hữu nhà nước, tài sản đó phải đưa vào tài sản công, phục vụ cho lợi ích chung, chứ không phải làm phương tiện phục vụ cá nhân. Tôi chưa biết về vấn đề này, khi nhận quà, UBND tỉnh Cà Mau đã báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính để xác lập quyền sở hữu nhà nước hay chưa.

Cũng theo lời ông Đạt, cần xem xét động cơ, mục đích, của việc tặng như thế, nhận quà như thế có trong sáng không. Doanh nghiệp tặng số tiền, quà có giá trị lớn như vậy thì làm ăn tốt như thế nào? Doanh nghiệp hoạt động tốt, làm ăn có lãi tặng là một chuyện. Nếu doanh nghiệp làm ăn không có lãi mà tặng thế thì động cơ, mục đích là cái gì?

Ngoài ra cần xem tỉnh đó đối xử với lĩnh vực đầu tư liên quan đến doanh nghiệp này, các doanh nghiệp khác có được ưu ái không? Hay chỉ ưu ái doanh nghiệp có tặng quà. ể xem xét động cơ mục đích của việc tặng quà này, xe này xem có trong sáng hay không.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news