Tin mới

Vụ lật thuyền chở ngao, 6 người chết: Chính quyền không quản lý thuyền cào ngao của dân

Thứ tư, 17/12/2014, 11:04 (GMT+7)

Phần vì cuộc sống còn khó khăn, phần vì chủ quan nên người dân chưa chú trọng tới việc trang bị các thiết bị phòng hộ trên những chiếc thuyền mà họ tự sắm để đi cào ngao.

 

 

 

Phần vì cuộc sống còn khó khăn, phần vì chủ quan nên người dân chưa chú trọng tới việc trang bị các thiết bị phòng hộ trên những chiếc thuyền mà họ tự sắm để đi cào ngao.

Thông tin về vụ lật thuyền chở ngao làm 6 người chết tại bờ biển xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), ông Trần Mạnh Dũng – Bí thư xã này cho biết, chiều qua (16/12), mọi công tác cứu hộ đã được hoàn tất. Theo đó, các nạn nhân tử vong đã được bàn giao cho gì đình tổ chức lễ an táng.

Là một trong những người trực tiếp xuống hiện trường tìm kiếm các nạn nhân vụ lật thuyền, ông Dũng cho hay, ở vị trí cách bờ đầm 60 - 70m, mực nước khoảng gần 2 mét, thuyền câu rà xung quanh khu vực thuyền đắm, phát hiện áo mưa của người còn sống cởi ra để thoát thân. Sau hơn 1,5 giờ đồng hồ, đoàn cứu nạn đã tìm thấy tất cả các nạn nhân.

Được biết, trong số các nạn nhân tử vong, có 2 chị em dâu trong gia đình anh Trương Văn Trực và 2 anh em ruột trong gia đình anh Đinh Văn Tiến. Những người may mắn sống sót trong vụ lật thuyền kể lại, khi thấy các nạn nhân bị chìm xuống nước, anh Đinh Văn Sĩ (con trai ông Đinh Văn Tiến) cứu vớt được 2 người, đến người thứ 3 thì anh kiệt sức, bị gục. Anh Sĩ tử vong trong vụ chìm thuyền cùng chị gái là Đinh Thị Miền.

Trên các thuyền nhỏ người dân tự đóng hoặc tự sắm để đi cào ngao thường không được trang bị phao cứu hộ

 

Được biết, sau khi tiếp nhận thông tin về vụ tai nạn, Ủy ban Nhân dân huyện Tiền Hải đã xuống động viên, chia buồn với gia đình các nạn nhân và hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong 3 triệu đồng.

 

Theo các đánh giá ban đầu, thuyền chở ngao bị lật chìm do đã quá cũ mà còn chở khối lượng hàng hóa rất lớn và số người quá đông.

A Tuấn (32 tuổi), một người dân sống tại xã Nam Thịnh cho biết, các thuyền thu hoạch ngao trên địa bàn xã đều do người dân tự sắm. Đây là những thuyền cỡ nhỏ, đan bằng tre và được hàn kín bằng hắc ín chứ không phải các loại thuyền gỗ chắc chắn. Trên thuyền, các hộ đều lắp thêm máy để chạy. Hầu như không thuyền nào được trang bị phao cứu hộ đề phòng những trường hợp khẩn cấp. Số thuyền này thuộc sở hữu của các hộ gia đình; chính quyền xã không đứng ra quản lý.

“Thường thường, vào vụ thu hoạch chính, các thương lái sẽ cho tàu lớn vào và đến trực tiếp bãi ngao để nhận hàng. Còn trong chuyến cào ngao bị lật thuyền vừa qua, người dân tự đánh bắt rồi mang về bến bán chứ không phải nhập cho thương lái. Phần do chở số lượng ngao quá lớn, phần vì người lao động chủ quan không lưu ý các vấn đề về an toàn nên tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.” – anh Tuấn cho hay.

Cũng theo anh Tuấn, cuộc sống của các hộ dân khu vực này hiện còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, trong điều kiện lao động còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như thuyền cũ, không đảm bảo an toàn, không có các thiết bị phòng hộ nhưng họ vẫn phải chấp nhận vì gánh nặng của cuộc sống mưu sinh.

Vào hồi 4h sáng ngày 16/12, 13 người dân (chủ yếu ở xã Nam Thịnh, Tiền Hải, Thái Bình) đi trên chiếc thuyền chở ngao trên đường về cảng Nam Thịnh (Tiền Hải) thì thuyền bất ngờ bị lật, cách bờ khoảng 500m.

Sự việc xảy ra khiến 6 người trên thuyền tử nạn, còn lại 7 người đã được cứu sống.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news