Mười chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 916, Bộ Tư lệnh thủ đô gặp nạn trong chuyến bay sáng 7.7, giờ chỉ còn 3 người bị thương còn trụ lại.
Cùng với các bác sĩ điều dưỡng Viện bỏng quốc gia, họ cũng đang từng ngày, từng giờ kiên cường “chiến đấu” với số phận. Ba gia đình chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Văn Tuấn và Đinh Văn Dương, ở ba phương trời xa lạ, gặp nhau nơi này, trở thành những người thân, cùng sẻ chia và ngóng chờ những thông tin lạc quan về sức khỏe của con em mình.
10 chiến sĩ..thân nhau như anh em ruột
Anh Nguyễn Văn Đính, anh trai cả của chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn có thể nhớ được từng người trong 10 chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 18.
“Chín anh em của Tiểu đoàn Đặc công 18 có mặt trên máy bay hôm ấy đều đã lên gia đình tôi năm ngoái. Cả em tôi là chú Tuấn nữa là 10, tất cả thân nhau như ruột thịt, chú Tuấn năm nay 33 tuổi là nhiều tuổi nhất. Nghe tên 7 người trong tiểu đoàn một từng người đã tử nạn, chú Tuấn với chú Dương, chú Hoàng Anh cũng còn đang rất nguy kịch, gia đình tôi ai cũng bàng hoàng không thể tin được. Mới 2 tuần trước đây, chúng tôi còn cùng nhau ăn bữa cơm gia đình ngày giỗ đầu mẹ tôi…” Anh Nguyễn Văn Đính, anh trai cả của chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (quê tại thôn Núi Cá, xã Tân Quang, Lục Ngạn, Bắc Giang) nghẹn ngào.
Cha mẹ đều đã qua đời nên khi nghe hung tin về em trai, thay mặt gia đình anh Đính là người đầu tiên trong gia đình lên viện nhận dạng em. Bị bỏng rộng, anh Tuấn đã băng kín người, nhưng anh Đính chỉ nhìn ngón chân cái to như là bản sao ngón chân cái của mình của chiến sĩ ở buồng số 8 đã nhận ra ngay em trai. Các bác sĩ đã hỏi anh có thêm đặc điểm nhận dạng thêm nào không, anh Đính chợt nhớ ra khi nhỏ, em trai mình đã bị gãy xương đòn ở ngực, phải mổ nên có một vết sẹo. Xem trên người chiến sĩ số 8 đúng là như thế, anh Đính rơi nước mắt.
Bên ngoài bệnh phòng chờ tin tức về sức khỏe của các chiến sĩ, những câu chuyện kể về họ cũng làm cho người thân vơi bớt nỗi đau mất mát, đằng đẵng chờ đợi.
Ai ngờ đâu cả mười anh em trong Tiểu đoàn 18 đặc công mà anh Đính đều biết mặt, đều lại gặp nạn? Họ đều còn rất trẻ, có người vợ mới mang thai 3 tháng, người thì vài tuần nữa cũng sẽ được làm bố, hoặc mới có con được 3 tháng, 6 tháng. Anh Tuấn sinh năm 1981 là nhiều tuổi nhất.
Học xong bậc THPT, Tuấn đã vào bộ đội ngay. Ai cũng biết đến sự hiền lành, thật thà nhưng cũng rất vui tính của Tuấn. Mỗi lần đi, Tuấn chỉ nói với gia đình là đi huấn luyện. Thế rồi, năm 2012, Tuấn mang về tấm huân chương chứng nhận tài năng bắn súng của mình. Lúc ấy mọi người mới vỡ lẽ, nhiều năm qua, Tuấn đã là tay súng cừ, được cử đi tham gia nhiều cuộc thi bắn súng của quân khu. Mười lăm năm qua, Tuấn đã được luôn được các bạn bè, anh em đồng đội yêu mến.
Chiến sĩ Hoàng Anh: Người con trai hiếu thuận
Bác Nguyễn Minh Ngoãn, bố của chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh: Tôi đã nhận ra con ngay lúc vào buồng bệnh
Bác Nguyễn Minh Ngoãn, bố của chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh (33 tuổi) từ quê ở thôn Minh Đức, xã Lôi Giang, huyện Đông Hưng, Thái Bình đã lên đến Viện bỏng quốc gia lúc 2h chiều hôm xảy ra tai nạn. Vì các bệnh nhân đều được chăm sóc trong điều kiện vô trùng để chống nhiễm khuẩn nên hôm đó bác Ngoãn chưa được vào thăm. Thế nhưng, rạng sáng ngày 8.7, bác Ngoãn được mời đến bệnh phòng nhận dạng một chiến sĩ vừa mất lúc 4h sáng. Thế nhưng vừa nhìn thấy mái tóc của chiến sĩ đã mất là đầu cắt tóc cao, tai nhỏ, bác biết ngay đó không phải là con mình. Chỉ là một người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng, nhưng đã có 6 năm tham gia ở chiến trường Campuchia, người lính già đã tưởng mình có đủ cứng rắn khi lên đây, đối diện với sự khắc nghiệt của số phận này, nhưng nhìn con, ông cũng không cầm được nước mắt.
Mười lăm năm trong môi trường quân đội đã rèn cho con trai bác Ngoãn trưởng thành. Bác kể, trong nhà chỉ treo duy nhất Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 2012 tặng Hoàng Anh vì đã có thành tích huấn luyện kỹ chiến thuật giỏi. Còn nhiều giấy khen lắm, nhưng Hoàng Anh bảo cất đi, dành chỗ trên tường treo những tấm ảnh chụp chung gia đình. Đi huấn luyện thì chớ, mỗi lần được về phép, Hoàng Anh lại cố gắng sắm mới cho gia đình một vật dụng tiện nghi. Khi là nồi cơm điện mới thay cho cái nồi cũ dùng lâu khi cầm quai nồi nhấc lên nắp cứ chực rơi ra, ổ cắm điện mấy lần bị chập nên phải quấn băng dính tạm. Lúc lại là chiếc ấm điện cũ cũng đóng váng dưới đáy. Biết con đã có lần phải vay tiền để mua, bác Ngoãn bảo đừng thì anh Hoàng Anh lại thuyết phục “Bố mẹ chưa già, nhưng đi làm về rửa chân tay, nhỡ đâu nồi cơm mà hở điện, bố mẹ có làm sao thì con có tiền cũng chẳng mua lại cuộc sống cho bố mẹ được”.
Tám năm xây dựng gia đình, có với nhau một con trai đã 6 tuổi nhưng vợ chồng anh Hoàng Anh vẫn ở nhà ngoại. Bác Ngoãn đã dành dụm được ít tiền mua cho con mảnh đất. Anh Hoàng Anh cũng đã nói sau đợt huấn luyện này sẽ bắt đầu mua nguyên vật liệu để từ nay đến cuối năm làm ngôi nhà nhỏ ở riêng. Nghĩ đến điều đó, bác Ngoãn lại nghẹn ngào.