Không nên để bác sỹ làm việc dưới "thanh gươm Damocles", hành nghề dưới áp lực của sự trừng phạt từ dư luận bởi bản thân nghề nghiệp mà họ chọn lựa đã tồn tại áp lực quá nhiều!
Từ trung thực trong phát ngôn...
Vừa qua, vụ nữ sinh lớp 10 (tên Lê Thị Hà Vi) ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk phải cắt bỏ một phần chân phải do các bác sỹ chẩn đoán và đánh giá tình sai trạng bệnh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Hàng nghìn lượt bình luận về vụ việc được đăng tải thường xuyên trên các diễn đàn, mạng xã hội đã bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với nỗi đau của nữ sinh và gia đình; đồng thời lên án sự tắc trách thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận y, bác sỹ bệnh viện tuyến huyện trong công tác thăm khám, điều trị bệnh.
Giữa tâm bão của "sự cố y tế" này, phát biểu của Giám đốc Bệnh viện Cư Kuin lại một lần nữa khiến dư luận "dậy sóng". Cụ thể, theo lời của lãnh đạo bệnh viện, nguyên nhân để xảy ra sự việc đáng tiếc đối với nữ sinh Vi là do "hôm đó vào ngày nghỉ, thiếu bác sĩ, có mình bác sĩ bên khoa ngoại làm, công việc lu bu, khám chữa hàng trăm bệnh nhân nên mới không kiểm soát được hết tình trạng bệnh của Vi".
Khi được chuyển lên bệnh viện tuyến trên, các bác sỹ buộc phải cưa bỏ một phần chân phải của nữ sinh vì đã bị hoại tử gần hết. Ảnh: Dân trí |
Thiết nghĩ, trong vụ việc này, với cương vị là người đứng đầu, giám đốc bệnh viện phải là người đầu tiên nhận trách nhiệm vì để xảy ra sự cố ngay tại cơ sở mình quản lý. Còn chịu trách nhiệm tới đâu (trực tiếp hay bị liên đới) lại tùy vào kết luận thanh kiểm tra của các bên có thẩm quyền. Thế nhưng, vị lãnh đạo này đã không làm điều đó. Hơn nữa, hiện nay, tình trạng chung của các bệnh viện tuyến huyện được đánh giá là không ở mức quá tải, thậm chí nhiều nơi, các hoạt động thăm khám, chữa bệnh còn diễn ra khá "đìu hiu". Do đó, với một bệnh viện thuộc địa bàn không đông dân cư như Cư Kuin, Giám đốc bệnh viện lại khẳng định nữ sinh bị cưa chân là do các bác sỹ bận "công việc lu bu, khám chữa bệnh cho hàng trăm bệnh nhân" đã khiến nhiều người thắc mắc.
Đến những tắc trách thuộc về y đức
Sự cố phải phẫu thuật cắt bỏ một bên chân xảy ra đối với nữ sinh Vi có thể nhìn nhận là sự tắc trách thuộc về phạm trù y đức. Đối với nhiều trường hợp, việc phạm vào y đức, gây chết người hoặc để lại hậu quả nghiêm trọng khác thường có những hình thức xử phạt tương ứng. Tuy nhiên, hình phạt không phải lúc nào cũng nhất thiết gắn với Hình sự.
Liên quan vụ nữ sinh bị cưa chân, không nên để bác sỹ hành nghề dưới áp lực bị trừng phạt từ dư luận. Ảnh minh họa |
Đối với đội ngũ y - bác sỹ, họ thực hiện nghĩa vụ chữa bệnh - cứu người. Do đó, đối với đa phần trong số họ, việc chữa không khỏi được bệnh, cứu không được tính mạng của bệnh nhân... được coi là những điều đáng tiếc nhất khi hành nghề. Và liên quan tới vụ việc của nữ sinh Vi, không ít độc giả vội vã đưa ra những đánh giá "mạnh bạo" về trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ, trong đó, có những độc giả hoàn toàn không hề công tác trong nghề y.
Các ý kiến bình luận về vụ việc đa phần đều chĩa mũi nhọn vào các y - bác sỹ, trong khi đó, có thể độc giả đã quên mất rằng, ngoài đội ngũ cán bộ này, vẫn còn hàng trăm nguyên do khác chung quanh họ. Và thay vì lên tiếng chỉ trích, quy kết để buộc tội y bác sỹ, thiết nghĩ việc cần làm hơn là tập trung vào các vấn đề liên quan tới quy trình làm việc tại bệnh viện; các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng cũng như hiệu quả công tác có được tiến hành thường xuyên hay không. Bên cạnh đó, khâu kiểm soát chất lượng nhân sự đầu vào của bệnh viện cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm.
Trong quá trình hành nghề, khi xảy ra rủi ro, các y - bác sỹ đã phải chịu không ít trách nhiệm nặng nề trong "nội quy" nghề nghiệp mà mình theo đuổi trước khi chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó, trước khi đưa ra đánh giá, bình luận, độc giả hãy thử một lần đặt bản thân mình vào trong hoàn cảnh của họ để hiểu được họ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn như thế nào. Khi họ thực hiện chữa bệnh cứu người thành công, nhiều người nói đó chỉ là nghĩa vụ của y - bác sỹ. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố thì có vô vàn lý do để họ bị buộc tội, bị lên án.
Bất kỳ một nghề nghiệp nào cũng tồn tại thứ gọi là sự cố. Và đối với nghề y, mặc dù đã được hạn chế sự cố bằng rất nhiều biện pháp khác nhau (cải tiến kỹ thuật điều trị, nâng cao chất lượng đào tạo, thường xuyên đánh giá chuyên môn y bác sỹ...) nhưng cũng không thể hạn chế rủi ro ở mức tuyệt đối. Do đó, nếu có thể thì không nên để bác sỹ làm việc dưới "thanh gươm Damocles", hành nghề dưới áp lực của sự trừng phạt từ dư luận bởi bản thân nghề nghiệp mà họ chọn lựa đã tồn tại áp lực quá nhiều.
Trước đó, như đã đưa tin, vào trưa ngày 06/3, nữ sinh lớp 10 Lê Thị Hà Vi (ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bị Tai nạn giao thông trên đường đi học về và được người dân đưa vào bệnh viện Đa khoa Cư Kuin cấp cứu. Tại bệnh viện, nữ sinh được chẩn đoán vỡ mâm chày chân phải và được y, bác sỹ tiến hành bó bột. Tuy nhiên, sau khi bó bột, nữ sinh liên tục kêu đau nhưng bác sỹ vẫn không tháo bột để kiểm tra. Đến ngày 08/3, khi gia đình tiếp tục xin thì bác sỹ mới tiến hành tháo bột ra. Lúc đó, phần chân bị thương của nữ sinh xuất hiện mủ và nhiều vết phồng rộp lớn, gia đình lo lắng xin cho nữ sinh được chuyển viện nhưng nhưng các bác sỹ bảo tình trạng bị nhẹ và cần để theo dõi thêm. Trong 5 ngày nữ sinh nằm viện, các bác sỹ tại bệnh viện Cư Kuin cho rằng tình trạng bệnh nhẹ nên chưa tiến hành phẫu thuật. Trước sự bức xúc của gia đình nữ sinh, ngày 11/3, bệnh viện mới cho nữ sinh Vi chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh. Qua kiểm tra ban đầu, các bác sỹ tại bệnh viện tỉnh thông báo chân của Vi đã bị hoại tử cơ. Gia đình lo lắng chuyển nữ sinh xuống bệnh viện Chợ Rẫy (tp. Hồ Chí Minh) để điều trị. Tại đây, các bác sỹ buộc phải cưa bỏ một phần chân phải của nữ sinh vì đã bị hoại tử gần hết. |
Vũ Đậu