Tin mới

Vụ nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn: Sinh mạng của người dân, trách nhiệm của ai?

Thứ năm, 17/10/2019, 07:10 (GMT+7)

Liên quan vụ nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn, Đại biểu Quốc hội và nhiều cử tri cho rằng, cần phải xem xét lại về an ninh nguồn nước.

Xung quanh vụ việc nước sạch do công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp cho hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội đã bị nhiễm bẩn, mấy ngày qua, dư luận Thủ đô đặc biệt quan tâm.

Nhiều gia đình lo lắng, cuộc sống bị xáo trộn. Từ vụ việc này, rất nhiều ý kiến của cử tri cho rằng, cần phải xem xét lại về an ninh nguồn nước, bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của người dân.

PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi và ghi nhận ý kiến của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xung quanh câu chuyện này.

Theo đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết: “Các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét đánh giá về tính chất, mức độ vi phạm của pháp nhân công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà .

Nếu thấy có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân này thì phải khởi tố vụ án để xử lý. Trong quá trình khởi tố vụ án, cơ quan tố tụng sẽ xem xét trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan.

Trong đó, có trách nhiệm của giám đốc – người đứng đầu công ty, trách nhiệm của các bộ phận phụ trách vấn đề sản xuất, cung ứng sản phẩm nước sạch cho người tiêu dùng và cho xã hội”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra tại Hà Nội. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng chia sẻ thêm: “Mấy ngày qua, có rất nhiều cử tri bức xúc và đề nghị phải xem xét một cách nghiêm túc vụ việc nước sạch của công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà bị nhiễm bẩn. Cử tri cho rằng, đây là vụ việc rất nghiêm trọng.

Thứ nhất là ở khía cạnh an ninh nguồn nước. Nhiều cử tri đã lên tiếng về vấn đề này. Họ cho rằng, lần này mới chỉ là nước nhiễm dầu, vậy nếu là nhiễm các vi khuẩn, các chất vô cùng độc hại khác thì phải giải quyết làm sao…

Như vậy, quá trình quản lý đầu vào và đầu ra của nguồn nước cho người dân là “có vấn đề”.

Thứ hai, cử tri đánh giá chất lượng dịch vụ do công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp. Đây là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống xã hội, cho nên nếu chỉ sơ sẩy thì nó sẽ tạo ra hậu quả vô cùng to lớn.

Trên thực tế, những ngày vừa qua, người dân đã bị sử dụng nước không đảm bảo chất lượng, chứ chưa nói đến độc hại.

Thứ ba, cử tri quan tâm đến vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Trong đó, UBND TP.Hà Nội là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất đối với người dân ở Hà Nội cũng như những người khách vãng lai đã sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn này.

Từ 3 khía cạnh trên, rất nhiều cử tri đề nghị, cần phải xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện vụ việc, để xác định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan".

Khe nước đầu nguồn của nhà máy nước sạch Sông Đà nhiễm nhiều dầu nhớt thải.

Cũng bày tỏ quan điểm của mình, ĐBQH  - Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng: “Về mặt nguyên tắc, ngay từ đầu khi thiết kế lấy nguồn nước đầu vào để cung cấp cho người dân sử dụng thì phải tính toán lấy nguồn rất an toàn. Nếu nguồn nước này gặp vấn đề thì phải có nguồn khác thay thế ngay”.

Vị Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đánh giá: “Nếu phía doanh nghiệp cung cấp nước sạch mà chỉ trông ngóng vào 1 nguồn nước, giả thiết nguồn nước nhiễm độc thì quá nguy hiểm. Vì vậy, đúng ra, khi hệ thống phát hiện nguồn nước không đảm bảo thì phải có cảnh báo và khóa van ngắt nguồn.

Tôi cho rằng, phải kiểm soát rất tốt nguồn nước đầu vào và phải có định kỳ kiểm tra vùng nước đó. Số liệu phân tích kỹ, thậm chí phân tích tự động, nếu có vấn đề thì hệ thống sẽ báo động và dừng ngay nguồn đó để lấy nguồn khác. Đó mới là khoa học và bảo đảm sức khỏe, sinh mạng của người dân.

Việc đi lấy mẫu bằng cơ học thì không được, phải kiểm tra, phân tích nguồn nước bằng hệ thống tự động. Bao nhiêu mạng sống của con người, không thể thiếu trách nhiệm được".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news