Tin mới

Vụ "quên" bản án 6 năm tù sau 11 năm: Ai chịu trách nhiệm?

Thứ hai, 17/10/2016, 19:16 (GMT+7)

Liên quan đến vụ “bỏ quên bản án 6 năm tù sau 11 năm”, theo luật sư, quá thời hạn thi hành án mà người bị kết án không đến và cơ quan thi hành án không áp dụng các biện pháp dẫn giải, xác minh thì cần xác định nguyên nhân thuộc về cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

Liên quan đến vụ “bỏ quên bản án 6 năm tù sau 11 năm”, theo luật sư, quá thời hạn thi hành án mà người bị kết án không đến và cơ quan thi hành án không áp dụng các biện pháp dẫn giải, xác minh thì cần xác định nguyên nhân thuộc về cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

Vụ việc hy hữu “bỏ quên bản án 6 năm tù sau 11 năm” xảy ra tại Bình Định đang khiến dư luận xôn xao.

Theo thông tin đăng tải trên báo Công an nhân dân, TAND tỉnh Bình Định đã ra quyết định thi hành án 6 năm tù đối với Nguyễn Duy Linh (31 tuổi, trú tại thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) và 2 bị án khác trong cùng vụ án. Hiện 2 bị án cùng vụ với Linh đã chấp hành án xong, riêng Linh chưa đi chấp hành án...

Dư luận nêu thắc mắc, vậy ai là người chịu trách nhiệm  trong việc bỏ quên bản án 6 năm tù sau 11 năm?

Ai là người chịu trách nhiệm trong việc bỏ quên bản án 6 năm tù sau 11 năm? - Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực - Công ty luật Hà Nội tinh hoa, Đoàn luật sư TP Hà Nội dẫn quy định Pháp lệnh thi hành án hình sự năm 1993, được sửa đổi bổ sung năm 2007 và biểu mẫu tố tụng trong thi hành án hình sự ban hành kèm theo Công văn số 34/KHXX ngày 23/4/1997 của Toà án nhân dân tối cao số 34/KHXX ngày 23/4/1997 “Về việc hướng dẫn áp dụng biểu mẫu thi hành bản án hình sự”; có thể xác đinh trình tự thi hành án như sau: Khi bản án có hiệu lực pháp luật có quyết định hình phạt tù thì Tòa án tuyên bản bản án đi ra Quyết định thi hành án. Quyết định này được gửi đến cho người thi hành án, cơ quan thi hành án có thẩm quyền. Trong quyết định đối với trường hợp người bị kết án tại ngoại ghi rõ trong 07 ngày người này phải có mặt tại cơ quan thi hành án để chấp hành hình phạt. Trường hợp họ không đến sẽ bị cơ quan thi hành án quyết định việc áp giải đến trại tạm giam.

Từ quy định trên và thông tin vụ việc theo báo chí đăng tải, ông Lực cho rằng, ban đầu có thể xác định rằng Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã thực hiện ra Quyết định thi hành án đối với người bị kết án đang tại ngoại. Tuy nhiên hiện vấn đề ở đây cần xác định nguyên nhân Quyết định thi hành án hình sự không được gửi đến tay của người bị kết án. Nguyên nhân chủ quan hay khách quan, người phụ trách khâu này là ai.

Ngoài ra cũng cần phải tìm hiểu, xác định xem Quyết định thi hành án đã được gửi cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền hay chưa? Nếu chưa được gửi thì xác định lỗi chưa gửi Quyết định thi hành án thuộc về Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng.

Nếu cơ quan thi hành án đã nhận được Quyết định thi hành án, quá thời hạn người bị kết án không đến mà cơ quan thi hành án không áp dụng các biện pháp dẫn giải, xác minh thì việc Bản án không thi hành được cần xác định nguyên nhân thuộc về cơ quan thi hành án có thẩm quyền”. – luật sư Lực nhận định.

Luật sư Lực cũng nhấn mạnh, cá nhân có thẩm quyền trong trường hợp này nếu cố ý không thi hành án thì có căn cứ để xem xét xử lý hình về tội Không thi hành án theo điều 305 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009.

1. Người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Toà án gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”, Luật sư Lực dẫn điều luật quy định. 

Tờ Công an nhân dân dẫn nguồn tin từ cơ quan tố tụng ngày 14/10 cho biết, trước đó qua công tác tổng hợp kiểm tra rà soát các trường hợp chưa đi chấp hành án, Viện KSND tỉnh Bình Định đã phát hiện trường hợp bị án Nguyễn Duy Linh cùng đồng bọn phạm tội cố ý gây thương tích bị bắt giam từ ngày 22/4/2004.

Theo bản án số 105/HSST ngày 24/9/2004 của TAND tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Linh 7 năm tù, sau đó Linh kháng cáo.

Đến ngày 4/1/2005, Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Nguyễn Duy Linh (cho tại ngoại).

Theo đó, bản án phúc thẩm hình sự số 321 ngày 11/5/2005 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã xử và tuyên phạt Linh 6 năm tù. Ngày 28/6/2005, TAND tỉnh Bình Định đã ra quyết định thi hành án đối với Nguyễn Duy Linh và 2 bị án khác trong cùng vụ án (hiện 2 bị án cùng vụ với Linh đã chấp hành án xong, riêng bị án Linh chưa đi chấp hành án).

Tại biên bản làm việc của Công an huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cũng như bản tường trình của bị án Linh đều xác định sau khi xét xử phúc thẩm, bị án Linh chưa nhận được quyết định thi hành án, vẫn làm ăn sinh sống bình thường tại địa phương và không có biểu hiện trốn tránh (theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009 thì thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định: 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 3 năm đến 15 năm). 

Xem thêm video:

[mecloud]zHSWJHDjMU[/mecloud]

Tiểu Phương (ghi)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news