Sau khi lên tiếng về việc “SGK cũng vi phạm tác quyền” thì các cơ quan thông tin báo chí đồng loạt vào cuộc để phản ánh về vấn đề này.
Loạt bài về bản quyền Sách giáo khoa trên báo chí
Đã gặp nhưng chưa thống nhất
Ngày 6/10. đại diện NXB Giáo dục là ông Lê Hoàng Hải - Phó TGĐ NXB Giáo dục, ông Nguyễn Minh Khang - nguyên phó TGĐ - đã có cuộc làm việc trực tiếp với Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả văn học. Được biết trong cuộc họp này, hai bên đã thống nhất là NXB Giáo dục sẽ thực hiện việc trả tác quyền ngay trong tháng 10 này, nhưng về con số cụ thể thì vẫn còn phải bàn bạc thêm trong những cuộc họp tới giữa hai bên.
Hiện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả văn học vẫn đang chờ sự tham vấn của Cục Bản quyền (Bộ VHTTDL), và Cục Xuất bản (Bộ TTTT) về cách tính nhuận bút. Được biết, phía NXB Giáo dục chưa đồng ý với con số mà Trung tâm đưa ra, và chỉ có thể chấp nhận nếu con số đó giảm 2/3.
Ngày 6/10, NXB Giáo dục cũng đã có công văn số 1547/CV-NXBGD do Tổng giám đốc Vũ Văn Hùng ký, gửi một số cơ quan báo chí để giải thích về vấn đề bản quyền đối với những tác giả có tác phẩm in trong SGK. Nội dung công văn không có gì khác nhiều so với báo cáo của NXB Giáo dục gửi Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận trước đó.
Trong công văn, NXB Giáo dục nhấn mạnh hai vấn đề. Thứ nhất, đã trả khoản tiền từ 100.000 - 250.000 đồng cho mỗi tác phẩm hoặc đoạn trích, cùng gửi sách biếu. Mức nhuận bút không vượt quá tiền công biên soạn cho bài học đó.
Thứ hai, NXB Giáo dục tiếp tục “than”: SGK là xuất bản phẩm đặc biệt, giá sách do Ban vật giá Chính phủ (trước đây) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thẩm định chặt chẽ. Với giá bán sách hiện nay, NXB Giáo dục vẫn bù lỗ từ 70 tới 100 tỉ mỗi năm.
Đừng trả kiểu… ban ơn
Trao đổi với các tác giả về vấn đề bản quyền trong Sách giáo khoa, hầu hết đều cho rằng họ không đặt nặng vấn đề “bao nhiêu”, mà điều họ coi trọng nhất chính là cách ứng xử của những người sử dụng tác tác phẩm (ở đây là NXB Giáo dục).
Được biết, sau khi câu chuyện bản quyền được báo chí nhắc đến, một số nhà văn, nhà thơ đã “bất ngờ” nhận được điện thoại của đại diện NXB Giáo dục với mục đích mong các tác giả “thông cảm” không đòi tiền bản quyền từ 2013 về trước và hứa sẽ tính từ năm 2014.
Con số ước tính của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả văn học thì căn cứ vào Nghị định 18/2014/NĐ-CP về nhuận bút, áp dụng khoản 12 điều 13 của Nghị định, chỉ tính riêng trong năm 2014, số tiền bản quyền mà NXB Giáo dục phải trả cho các tác giả là khoảng 1 tỉ đồng. Nếu tính theo khoản 1, khoản 3 điều 13 thì con số sẽ lớn hơn rất nhiều, hơn 20 tỉ - theo một thống kê không chính thức.
Thực tế, hiện nay, NXB Giáo dục vẫn trả cho những người biên soạn SGK mức từ 300.000 - 500.000 đồng/ tiết. Con số này nếu nhân với số tiết, thì thù lao cho người biên soạn không nhỏ. Chẳng hạn như cuốn Tiếng Việt 5, có tới 170 tiết học thì thù lao cho người biên soạn khoảng 70 triệu/ cuốn. Nếu lấy trung bình là 50 triệu tiền thù lao cho người biên soạn mỗi cuốn sách, thì chỉ riêng sách tiếng Việt, từ lớp 1 đến lớp 12, NXB Giáo dục phải chi hơn 1 tỉ cho các nhà biên soạn. Trong khi những tác giả có tác phẩm thì vẫn… bị làm ngơ!
Một con tính khác, theo thống kê từ Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả văn học, thì trong bộ sách tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12 có 648 tác phẩm văn học của những tác giả đang ủy quyền cho trung tâm. Bởi thế, ngay cả ở mức “cực rẻ” như NXB giáo dục đã thông tin (từ 100.000 - 250.000/tác phẩm) thì NXB cũng chỉ phải trả khoản tiền từ 64,8 triệu tới 162 triệu cho cả bộ SGK tiếng Việt.
Sự chênh lệch quá lớn giữa tiền công trả cho những người biên soạn sách giáo khoa, và số tiền nhuận bút cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong sách (chênh đến 10 lần) là một bất cập! Để chốt lại vấn đề này, các tác giả cũng cho rằng, họ cần được trả bản quyền theo luật định, chứ không phải trả theo kiểu ban ơn, Từ thiện.
Video bạn có thể quan tâm: