Tin mới

Vụ thai phụ tử vong sau khi nâng ngực: Công bố nguyên nhân

Thứ năm, 31/08/2017, 13:43 (GMT+7)

Liên quan đến vụ thai phụ tử vong sau khi nâng ngực, Sở Y tế TP.HCM đã họp Hội đồng chuyên môn để xem xét, làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân.

Liên quan đến vụ thai phụ tử vong sau khi nâng ngực, Sở Y tế TP.HCM đã họp Hội đồng chuyên môn để xem xét, làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân.

Thai phụ S.B.T. tử vong do đợt bùng phát cấp tính của bệnh lupus ban đỏ. Ảnh: FB

Theo thông tin trên Pháp luật TP.HCM, Trí thức trẻ, ngày 29/8, Sở Y tế đã họp Hội đồng chuyên môn (HĐCM) để xem xét, làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân S.B.T (22 tuổi, trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM).

Chủ tịch Hội đồng là PGS Lê Hành - Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thành viên Hội đồng là các PGS, BS chuyên gia đầu ngành về nội khoa, ngoại khoa, gây mê hồi sức, Phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) thuộc các Hội PTTM, Cơ xương khớp, Sản Phụ khoa và các Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, BV Trưng vương, Viện tim.

Sau khi phân tích hồ sơ bệnh án, HĐCM có kết luận như sau:

- Về nguyên nhân tử vong, đợt bùng phát cấp tính của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống tiềm ẩn trên bệnh nhân có thai 17 tuần không đáp ứng điều trị. Yếu tố góp phần thúc đẩy đợt bùng phát cấp tính của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống là có thai, phẫu thuật, sử dụng kháng sinh.

- Về sai sót trong quá trình điều trị, BV Hóc Môn là nơi tiếp nhận và điều trị ban đầu khi bệnh nhân đến khám vì mệt, khó thở sau uống lv Zinnat, đã xác định tình trạng bệnh nhân nặng, xử trí và chuyển viện kịp thời.

- BV Nhân dân 115 là nơi bệnh nhân tiếp nhận và điều trị bệnh nhân do BV Hóc Môn chuyển đến, đã chẩn đoán đúng, xử trí tích cực nhưng bệnh diễn tiến nặng, không đáp ứng điều trị.

- BV Đa khoa Vạn Hạnh là nơi điều trị PTTM nâng ngực, phẫu thuật viên không có sai sót trong kỹ thuật đặt túi ngực. Tuy nhiên đã không phát hiện bệnh nhân có thai mặc dù trong quá trình khai thác bệnh sử, khám thấy ngực hơi căng, bác sĩ có hỏi bệnh nhân nhưng bệnh nhân và người nhà khẳng định chưa có chồng, kinh nguyệt đều và sắp đến ngày có kinh nên bác sĩ đã loại trừ khả năng có thai.

Bên cạnh đó, các thành viên của Hội đồng cho rằng về mặt chuyên môn, lời khai của bệnh nhân là để bác sĩ tham khảo, nhưng yêu cầu bác sĩ vẫn cần phải khám toàn diện bệnh nhân trước khi ra y lệnh điều trị, bổ sung phiếu checklist trong phẫu thuật nội dung “kỳ kinh cuối”.

Qua kết luận của HĐCM, Sở Y tế yêu cầu BV Vạn Hạnh phải rà soát, củng cố các quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình liên quan đến phâu thuật, đặc biệt quy trình tư vấn và thăm khám trước phẫu thuật.

Đề nghị Hội PTTM định kỳ phổ biến rút kinh nghiệm cho các Hội viên về những sai sót chuyên môn để tránh lặp lại và phổ biến về các qui định của pháp luật trong khám chữa bệnh và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của hội viên và cơ sở để kiến nghị để xuất hỗ trợ,…

Liên quan đến người trực tiếp điều trị cho thai phụ T. là BS Lê Tấn Hùng, thông qua kiểm tra, Thanh tra Sở cho biết, bác sĩ này được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh năm 2012, với phạm vi hoạt động chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ, được thực hiện tất cả các phẫu thuật thẩm mỹ.

Bác sĩ này cũng có phòng khám riêng và được cấp phép hoạt động với phạm vi chuyên môn là tạo má lúm đồng tiền, xăm chân mày, tạo hình gò má, tạo hình mí mắt, mũi... Do bác sĩ có hợp đồng với BV Vạn Hạnh, nơi đủ điều kiện phẫu thuật từ năm 2014 nên được phép thực hiện phẫu thực nâng ngực.

Đức Hòa (tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news