Dù Bộ Công an khẳng định Trịnh Xuân Thanh thuộc trường hợp ra đầu thú nhưng trong đơn gửi Cơ quan An ninh điều tra, Trịnh Xuân Thanh viết là “Đơn xin tự thú”. Vậy ông Thanh đã “đầu thú” hay “tự thú” là điều dư luận đặt câu hỏi.
Đơn của tự thú của Trịnh Xuân Thanh. Ảnh cắt từ chương trình Thời sự của VTV |
Ngay sau khi bản tin thời sự phát lúc 19h trên kênh VTV1 ngày 3/8 phản ánh việc ông Trịnh Xuân Thanh- nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) – viết “Đơn xin tự thú”, vấn đề này đã gây băn khoăn, thắc mắc trong dư luận. Vì trước đó Bộ Công an đã thông tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh ra “đầu thú”.
Vậy ông Thanh đã “đầu thú” hay “tự thú”, 2 trường hợp này khác nhau như thế nào, và liệu có được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này?
Trả lời câu hỏi này, trên Dân trí dẫn lời ông Nguyễn Sơn - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết: Trường hợp Trịnh Xuân Thanh đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, truy nã toàn quốc và quốc tế từ tháng 9/2016. Đến thời điểm 31/7/2017, đối tượng ra trình diện Cơ quan An ninh điều tra, nên có thể khẳng định Trịnh Xuân Thanh thuộc trường hợp ra đầu thú.
Theo ông Sơn, “đầu thú” nghĩa là khi đã biết mình phạm tội, biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện. Còn “tự thú” nghĩa là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội.
Ngoài ra, người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú.
“Tự thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 điều 46 của Bộ luật hình sự hiện hành. Còn đầu thú, theo hướng dẫn của TAND Tối cao và các cơ quan tiến hành tố tụng, là tình tiết giảm nhẹ thuộc khoản 2 điều 46. Tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 và khoản 2 của điều 46 có ý nghĩa và giá trị khác nhau trong việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Tóm lại tự thú có giá trị hơn so với đầu thú khi xem xét tình tiết giảm nhẹ”, ông Nguyễn Sơn cho biết.
Dù thực tiễn có sự phân biệt sự khác nhau giữa tự thú với đầu thú. Tuy nhiên, nếu theo Thông tư liên ngành số 05 thì việc nói Trịnh Xuân Thanh tự thú cũng không có gì sai.
Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ, phải xem xét cụ thể hành vi của ông Thanh như thế nào để được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại Khoản 1 hay Khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự 1999 (theo hướng dẫn tại Công văn 81/2002/TANDTC).
Tại Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 02/6/1990 (của Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp) hướng dẫn thi hành Chính sách đối với người phạm tội ra tự thú, thì các trường hợp nêu trên đều được coi là tự thú. Các trường hợp này đều được coi là tự thú để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng không hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nào áp dụng Khoản 1, trong trường hợp nào áp dụng Khoản 2 Điều 38 Bộ luật hình sự 1985.
Trước đó, trả lời phỏng vấn trên chương trình thời sự VTV1 tối 3/8, Trịnh Xuân Thanh cho biết lý do quay về Việt Nam đầu thú là để đối diện với sự thật, để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật.
Theo VTV, trong đơn ra đầu thú, ông Trịnh Xuân Thanh viết: "Tôi phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong việc thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn ở lại Đức.
Trong thời gian này cuộc sống chốn tránh, bấp bênh, luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình và bạn bè tôi đã ra về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật".
"Tôi thấy cần phải về đối diện với sự thật. Thứ hai là cần về gặp lại mọi người đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi. Gia đình động viên tôi đã xin về tự thú", Trịnh Xuân Thanh nói trên VTV.
Đức Hòa (tổng hợp)