Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây không phải là phương pháp mới. Từ năm 2015, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ chẩn đoán và xử trí ngộ độc, trong đó có ngộ độc rượu methanol.
Mới đây, BV đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa xử trí cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật bị ngộ độc rượu công nghiệp methanol. Trong quá trình cấp cứu, bác sĩ truyền tới 15 lon bia vào đường tiêu hoá để giải rượu khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Tờ Vnexpress thông tin, các chuyên gia về cấp cứu chống độc cho rằng dùng bia (có ethanol) để giải ngộ độc rượu methanol là có cơ sở, tuy nhiên không được tự ý truyền mà phải do bác sĩ quyết định và thực hiện. Bác sĩ tùy theo tình trạng bệnh nhân để quyết định truyền bia lượng bao nhiêu, mấy lần và khi nào cần truyền... tùy tình trạng người bệnh để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Tiến sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết có thể hiểu hai loại rượu ethanol và methanol này có tác dụng hóa giải lẫn nhau. Khi cho người bệnh uống ethanol (truyền bia vào dạ dày) sẽ làm mất tác dụng của methanol có trong cơ thể (máu). Bác sĩ Chính nhấn mạnh, nếu ngộ độc methanol (rượu công nghiệp) mà cho người bệnh uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc. Tuy nhiên nếu ngộ độc ethanol mà vẫn tiếp tục uống ethanol thì người bệnh sẽ càng trầm trọng.
Bệnh nhân Nhật trong bệnh viện. Ảnh: Vnexpress |
Trên Vietnamnet, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây không phải là phương pháp mới. Từ năm 2015, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ chẩn đoán và xử trí ngộ độc, trong đó có ngộ độc rượu methanol.
Trong đó ngoài lọc máu, tăng thải trừ chất độc, dùng thuốc vận mạch, truyền dịch... phác đồ chỉ rõ cần dùng thuốc giải độc đặc hiệu gồm ethanol và fomepizole. Khi truyền 2 chất này sẽ cản methanol chuyển hoá thành các chất độc axit formic và format, methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu.
Trên tờ Soha/Trí thức trẻ, theo Giáo sư Nguyễn Gia Bình – nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai việc truyền bia cho bệnh nhân ngộ độc rượu methanol có thể tạm chấp nhận được nhưng không khuyến khích.
Giáo sư Bình cho biết cách tốt nhất chữa ngộ độc rượu vẫn là lọc máu thải methanol.
Trước đó, Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Nhật trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch. Đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt và dựa vào biểu hiện lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu.
Sau đó, bệnh viện này đã dùng 3 lon bia (990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Sau đó, cứ một giờ đồng hồ truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, đến sáng 26.12 (sau 24 giờ) bệnh nhân Nhật tỉnh, nay đã xuất viện, sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Lâm giải thích, rượu có hai loại cơ bản là Etylic và Metylic (Methanol). Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa Etylic trước, sau đó đến Metylic. Trong đó, Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng Metylic được chuyển hóa thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.
Trong bia có Etylic, vì vậy để ngăn chặn quá trình chuyển hóa Metylic, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã truyền bia cho bệnh nhân. Khi truyền bia cho bệnh nhân Nhật, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu. Hơn nữa, Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đó là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.
Giang Trần (tổng hợp)