Theo WHO, nhóm làm việc trên đã thực hiện các cuộc thảo luận qua trực tuyến với những nhà khoa học, nhà virus học ở Vũ Hán, Trung Quốc, cũng như giới chức ở Bắc Kinh.
Ngày 2/8 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra thông báo kết thúc chuyến làm việc kéo dài 3 tuần ở Trung Quốc của nhóm các chuyên gia điều tra nguồn gốc của virus corona chủng mới. WHO đưa ra thông báo chuyến nguyên cứu này đã "đặt nền móng cho những nỗ lực chung tiếp theo để xác định nguồn gốc của virus corona chủng mới".
WHO thông báo đã hoàn tất quá trình điều tra sơ bộ về nguồn gốc của virus corona chủng mới tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Nhóm nghiên cứu đã “tích cực thảo luận với các đối tác Trung Quốc, cập nhật nhiều nghiên cứu dịch tễ học, phân tích sinh học và di truyền cùng các nghiên cứu về sức khoẻ động vật”, WHO cho biết.
Nhóm chuyên gia này cũng đã thực hiện nhiều cuộc thảo luận trực tuyến với các nhà khoa học, virus học ở Vũ Hán cũng như giới chức ở Bắc Kinh.
Trước đó vào ngày 9/7, WHO cho biết đã cử một nhóm chuyên gia gồm 2 người đến Bắc kinh từ ngày 11-12/7 để tìm hiểu cách thức virus SARS- CoV-2 lây từ động vật sang người.
Theo Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan, sẽ phải mất hàng tuần, đội đầy đủ các chuyên gia mới có thể đặt chân đến Trung Quốc. Đội này sẽ phải tuân thủ các quy định cách ly của Trung Quốc trước khi bắt đầu công việc.
Thông tin về kết quả điều tra sơ bộ nguồn gốc nCoV được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp của WHO nhằm xem xét kết quả sau 6 tháng dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, đồng thời kêu gọi tổ chức này đẩy nhanh cuộc điều tra dịch bệnh này.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 31/7, nhóm chuyên gia thuộc ủy ban khẩn cấp về Covid-19 của WHO đã kêu gọi tổ chức này thúc đẩy tiến độ của cuộc điều tra, vốn được khởi động từ cuối tháng 6.
Nhóm này kêu gọi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sớm tìm ra “những ẩn số quan trọng còn lại của SARS-CoV-2, ví dụ như nguồn gốc động vật và vật chủ trung gian”.
Tổng giám đốc WHO cảnh báo COVID-19 có thể gây khủng hoảng sâu rộng trong nhiều thập kỷ tới. Ảnh: Internet
Cũng trong cuộc họp này, ông Tedros khẳng định Covid-19 vẫn ở mức báo động cao nhất. “Đại dịch là cuộc khủng hoảng y tế của thế kỷ, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều thập kỷ tới”, ông nhận định.
Tính đến sáng ngày 3/8, thế giới ghi nhận hơn 18,2 triệu ca nhiễm và gần 700.000 ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers.