Liên quan vụ xả thải khiến cá chết dọc 4 tỉnh miền Trung, PGS.TS Trần Hồn Côn nhận định, với quá trình xử lý hậu quả từ vài chục năm đến cả trăm năm thì hàng tỷ đô có thể vẫn còn chưa đủ.
Tại buổi họp báo công bố thông tin về nguyên nhân và thủ phạm gây nên hiện tượng cá chết dọc các tỉnh ven biển miền Trung được tổ chức vào chiều ngày 30/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành, thử nghiệm của nhà máy Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường.
Nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng nói trên, đại diện Formosa cam kết sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân cũng như khắc phục hậu quả môi trường với số tiền 500 triệu đô.
Khi được hỏi về vấn đề 500 triệu đô bồi thường mà phía Formosa đưa ra dựa trên cơ sở nào, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đây là mức giá đưa ra dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như môi trường.
“Những tổn thương về tâm lý, chúng tôi thấy rằng không cần thiết là bao nhiêu mà yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ, không bao giờ xảy ra sự cố tương tự. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành phục hồi môi trường đã bị ô nhiễm” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Đại diện Formosa cúi đầu nhận lỗi vì đã gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng, đồng thời cam kết bồi thường 500 triệu đô để khắc phục hậu quả. |
Tuy nhiên, theo nhận định của GS.TS Mai Đình Yên (Hội sinh thái học Việt Nam) thì tại thời điểm này, việc kết luận số tiền bồi thường 500 triệu đô là lớn hay không, thỏa đáng hoặc chưa thỏa đáng thì sẽ có phần hơi vội vàng bởi chúng ta chưa có được thống kê chính xác về những thiệt hại do sự cố môi trường trên gây ra.
“Việc tính toán hậu quả thiệt hại tổng thể đối với dân sinh cũng như về môi trường cần sự vào cuộc của cả một hệ thống với rất nhiều các Bộ, ban, ngành và cần phải được tiến hành nghiên cứu, phân tích một cách chi tiết, nghiêm túc. Và từ thống kê thiệt hại đó mới có thể đưa ra phương án để xử lý, khắc phục hậu quả. Đó là cả một quá trình “dài hơi” nên ở thời điểm hiện tại, số tiền bồi thường trên chưa thể nói lên bất cứ điều gì” – GS.TS Mai Đình Yên nêu nhận định.
Còn theo ý kiến của PGS.TS Trần Hồng Côn (Trường Đại học khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội), với hệ quả của sự cố môi trường do Formosa gây nên thì 50 triệu đô có thể chỉ đủ để đền bù cho thiệt hại của nhân dân các tỉnh ven biển bị ảnh hưởng. Còn đối với môi trường sinh thái, hàng tỷ đô để khắc phục hậu quả có khi vẫn bị coi là thiếu.
PGS.TS Trần Hồng Côn phân tích, sau sự cố xả thải nói trên, cả một hệ sinh thái biển bị hủy diệt. Vì vậy, cũng cần phải nghiên cứu, phân tích xem tình trạng hủy diệt đó đang tồn tại ở mức nào thì mới có thể đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể.
“Sau sự cố xả thải khiến cá chết hàng loạt, cần phải khảo sát cụ thể xem lượng san hô bị chết là bao nhiêu, mật độ thủy sinh tại khu vực đó hiện tại như thế nào, có ít hay đang là con số 0… Việc khảo sát này rất quan trọng vì khi rạn san hô bị hủy diệt, cá gần bờ sẽ không còn tồn tại ở khu vực đó nữa vì chúng đã bị tận diệt nguồn thức ăn là sinh vật thủy sinh. Theo đó, sinh kế của ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung cũng bị ảnh hưởng nặng nề” – PGS.TS Trần Hồng Côn phân tích.
Theo ông Côn, không giống như việc khắc phục hậu quả trực tiếp đối với ngư dân ven biển là có thể chỉ cần hỗ trợ về tài chính để bồi thường thiệt hại về kinh tế, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; việc khắc phục hậu quả đối với môi trường sinh thái biển là chuyện không hề đơn giản, và để thực hiện được cũng không phải là điều dễ dàng.
“Để làm sạch độc tố trong lòng biển, gây dựng lại các rạn san hô thì nếu ít có thể phải mất vài chục năm, nhiều có thể tới hàng trăm năm và chi phí cũng không phải là con số nhỏ. Với cả một quá trình khắc phục hậu quả có tính chất dài hơi và đầy khó khăn như vậy, chi phí có thể lên tới hàng tỷ đô chứ không chỉ dừng ở con số triệu đô” – PGS.TS Trần Hồng Côn nhận định.
Vũ Đậu