Kết quả xét nghiệm tuy chỉ trong phạm vi nhóm 67 người nhưng là lời cảnh báo cần thiết về tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan ngay tại Hà Nội.
Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu
Đầu năm nay, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã tổ chức một buổi kiểm tra, xét nghiệm máu nhanh đối với các đại biểu tham dự hội nghị triển khai một dự án vào ngày 19/1/2018.
Bao bì thuốc BVTV lẫn rác sinh hoạt nổi lềnh bềnh trên mặt kênh tại thôn Ghép, xã Thái Đào (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Báo Bắc Giang
Buổi xét nghiệm được tiến hành trên các học viên thuộc Trung tâm Học tập cộng đồng các xã, thị trấn của 4 huyện ngoại thành Hà Nội gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Hoài Đức và Mê Linh.
Theo Báo Nông nghiệp VN đưa tin, cách thức xét nghiệm là: Lấy kim chích vào đầu ngón tay, giọt máu đầu tiên rỉ ra bị lau bỏ, những giọt tiếp theo bị hút vào một ống thủy tinh đem ly tâm, tách lấy huyết tương, nhỏ trên giấy thử.
Kết quả: Trong tổng số 67 người tham gia chỉ có 35 người ở mức an toàn; 31 người ở mức nguy cơ (tức là đang có thuốc bảo vệ thực vật lưu tồn trong máu); 1 người ở mức rủi ro (nguy hiểm hơn mức nguy cơ).
Đáng nói là, hầu hết là cán bộ từ lãnh đạo xã, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm học tập cộng đồng xã, thị trấn, nhân viên bảo vệ thực vật, văn hóa, giáo dục… không trực tiếp tham gia vào sản xuất trên ruộng đồng như nông dân.
Kết quả xét nghiệm
Tuy chỉ bằng dụng cụ test kit nhanh tại hiện trường chứ không phải kiểm tra sâu các chỉ tiêu trong phòng thí nghiệm nhưng nó lại mang tính cảnh báo rất cao.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Viện trưởng viện Công nghệ và thực phẩm, Đại học BK Hà Nội - cho biết hiện nay ở nước ta tình trạng người dân lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất phổ biến, từ thành phố đến vùng núi cũng có thể dễ dàng mua các loại thuốc này.
Các hóa chất bảo vệ thực vật hiện nay có một số nhóm chính như phospho hữu cơ, chlor hữu cơ, carbamat, pyrethroid và một số chất khác như aldicarb, camphechlor, thuốc diệt cỏ… với hàng trăm tên thương mại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn trong việc xác định ngộ độc chất gì.
Nhiều trường hợp ung thư, mắc bệnh viêm phổi hay ngộ độc thực phẩm, hóa chất độc hại thời gian qua đã cho thấy mức độ nguy hại nếu như người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Với việc xét nghiệm test nhanh trên, PGS Thịnh cho rằng đây là một cảnh báo lớn mà chúng ta cần xem xét kỹ.
Ngộ độc mạn nguy hiểm
Theo GS Nguyễn Thị Dụ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, với lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong máu khi test nhanh cũng khó không thể biết rõ được những học viên trên ngộ độc loại thuốc thực vật nào. Trong khi đó, ở nước ta có hàng trăm loại thuốc bảo vệ thực vật với các hoạt chất khác nhau.
Bình thường, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư ở thực phẩm, do người dân sử dụng, làm đồng, phun thuốc bảo vệ thực vật. Những người sống chung trong gia đình có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật có thể xảy ra.
Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hiện nay rất nguy hiểm
PGS Dụ cho biết nhiễm thuốc bảo vệ thực vật trong máu không chỉ với người làm nông, gia đình ở nông thôn mà những người ở thành phố cũng có nguy cơ nhiễm bởi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm như rau, quả. Khi ăn thực phẩm còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì nguy cơ nhiễm độc rất lớn.
Có nhiều trường hợp mệt mỏi, suy nhược cơ thể không rõ nguyên nhân khi đi khám thì kết quả xét nghiệm máu cho thấy men cholinesterase trong máu giảm nặng. Chẩn đoán xác định nhiễm độc mạn tính thuốc trừ sâu loại phospho hữu cơ. Trường hợp này gặp nhiều ở những người dân làm nông nghiệp thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật.
Khác với ngộ độc cấp tính là một lượng lớn chất độc vào cơ thể nên triệu chứng thường rầm rộ và dễ xác định căn nguyên, còn ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật mạn tính thường do lượng chất độc vào cơ thể lâu dài, ít một nên triệu chứng biểu hiện kín đáo người bệnh không biết được, một số người thì có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt ù tai, nôn mửa, ăn uống khó tiêu.
Khi thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong thực phẩm vào cơ thể chúng có thể đào thải qua hệ bài tiết, một phần có thể chuyển hóa ở trong gan.
Một số thuốc bảo vệ thực vật chuyển hóa thành những sản phẩm ít độc hơn, dễ hòa tan trong nước hơn thì sẽ dễ dàng bị loại bỏ nhưng cũng có những loại hóa chất lại tạo thành những chất trao đổi trung gian độc hơn (như paration chuyển thành paraoxon), tích lũy trong một số cơ quan hoặc mô mỡ gây tổn thương và kèm theo các triệu chứng ngộ độc nguy hiểm.
Tiểu Nhã