Trước thông tin thiếu chính xác về đề thi trong kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo nhà trường đã lên tiếng xác thực thông tin.
[mecloud]yZKUxe8xkP[/mecloud]
ĐH Quốc gia Hà Nội phủ nhận việc ra đề thi có câu hỏi "méo mó"
Hôm qua, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện văn bản được cho là "trích trong đề thi vào ĐH Quốc gia Hà Nội 2015" với nhiều câu hỏi kỳ lạ như "Thạch Sanh quê ở đâu?", "Đường Tăng có thật hay không?", “Cây xà nu cao tối thiểu bao nhiêu mét?”, “Lào có đường bờ biển dài bao nhiêu km?”
Những câu hỏi "lạ" được cho là của ĐH Quốc gia xuất hiện trên mạng xã hội |
Ngay sau khi nhận được thông tin những câu hỏi "lạ" này được phát tán công khai trên Facebook, trưa ngày 8/6, Phó Giám đốc, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học ĐHQG Hà Nội năm 2015 Nguyễn Kim Sơn khẳng định với báo chí đó là “đề thi” giả mạo.
"Các thông tin được ghi là “Trích đề thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015” mà nhiều trang báo điện tử, mạng xã hội đưa ngày 8/6/2015 là hoàn toàn bịa đặt, không có thật, không có trong bộ đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội", ông Sơn đã khẳng định trên Vietnamnet.
Ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “đề thi” có câu Thạch Sanh quê ở đâu là giả mạo. |
Trước một số ý kiến thắc mắc vì sao ĐH QGHN không công bố đề thi Đánh giá năng lực?, trên Dân trí, ông Sơn cho biết: "Đề thi Đánh giá năng lực là bộ đề nguồn không phải sử dụng cho một ca thi, một đợt thi. Đề này phải xây dựng trong nhiều năm. Sau mỗi đợt thi có sàng lọc thay thế, bổ sung câu hỏi nhưng chỉ thay thế từng bộ phận. Các tổ chức kiểm tra đánh giá như SAT, ACT của Mỹ còn cấm thí sinh tiết lộ câu hỏi đề, nếu thí sinh tiết lộ đề là vi phạm quy định của trường và hủy kết quả thi. Hiện nay, ĐH QGHN không có lệnh cấm thí sinh tiết lộ đề thi nhưng về phía ĐHQGHN, chúng tôi không công bố".
Thông tin sai lệch về đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội được nhiều độc giả quan tâm với những những nỗi băn khoăn.
"Thi kiểu này có nhiều ưu điểm nhưng tôi vẫn băn khoăn một số điểm: - Giữa các đề thi có công bằng về kiến thức hay không? - Thời gian làm bài quá dài, trong phòng máy đông thế có đảm bảo không ảnh hưởng đến thần kinh các em không? - Việc thi trên máy có vô tình loại hẳn các em học sinh nghèo vùng hẻo lánh, sâu xa, không được tiếp xúc nhiều máy tính hay không? Sau cuộc thi này ĐHQG nên có thống kê tổng kết học sinh đỗ vào trường theo vùng miền. - Liệu có nhiều thí sinh chỉ thi để thử sức thôi chứ không có nguyện vọng vào học ĐHQG? Trường cũng nên thống kê? - Nếu ĐHQG tổ chức thi sau cuộc thi chung (thi cùng thì không thể rồi) thì số thí sinh đăng kí có xấp xỉ 45.000 hay không? Thời gian thi có ảnh hưởng đến lựa chọn thi tại ĐHQG hay không?", bạn đọc Lã Thị Kim Thoa chia sẻ.
Một số ý kiến khác cho rằng, việc ĐH Quốc gia Hà Nội không công bố đề thi chính là nguyên nhân dẫn đến những phát tán lệch lạc về đề thi như trên. Ngoài ra nó khiến nhiều thí sinh, phụ huynh băn khoăn về tính minh bạch của đáp án.
"Không công bố đề thi, liệu đáp án của trường có đúng không? Cả nước thi một đề mà đáp án đôi khi còn sai huống chi đây chỉ do một nhóm người phụ trách?", bạn Huy Hoàng nghi ngại.
Lê Vy (Tổng hợp)