Bé gái hơn 3 tuổi ở Lai Châu mắc căn bệnh hiếm gặp dẫn đến bị hoại tử tứ chi, hiện tại bé gái được tiến hành phẫu thuật tháo khớp.
Cháu bé đáng thương là Đèo Anh Thư hơn 3 tuổi (quê ở Khổng Lào, Phong Thổ, Lai Châu).
Đèo Anh Thư mắc căn bệnh hiếm – bệnh than (bệnh nhiễm khuẩn cấp tính) trong tình trạng máu mắt cháu bé bị chảy liên tục, các chi nổi nốt dạng bọng nước, bị ở giữa, rồi khô đi để lại một vảy mục màu đen đặc trưng kèm phù chung quanh với những bọng nước đỏ tím.
Bé gái mắc căn bệnh than hiếm gặp khiến tay bị hoại tử.
Chia sẻ với PV VTC News, mẹ cháu Thư – chị Tẩn Thị Hồng - cho biết: “Hiện tại, bé nhà tôi đang điều trị tại Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tối 11/4, cháu thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một nửa bàn tay do bị hoại tử quá nặng. Sau đó, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật thứ hai cắt bỏ phần bị hoại tử ở chân.
Bế con từ phòng phẫu thuật ra mà tôi nặng người đi.
Giờ hai bàn tay đã bị cắt cụt, rồi đến chân nữa nhìn con mà tôi xót xa. Sau phẫu thuật, bé nhà tôi quấy khóc do đau đớn. Bác sĩ đã thay kim vết cắm truyền trên cổ con do bị loét sau 12 ngày cắm”.
Bác sĩ tiến hành phẫu thuật tháo khớp tay, phần bị hoại tử.
Theo thông tin gia đình cung cấp, đêm 30/3, bé Đèo Anh Thư lên cơn sốt nặng, chân tay xuất hiện những vết bọng nước đỏ tím, có chỗ đã chuyển sang màu đen. Trước đó, bé Thư bị sốt, sau khi được gia đình cho uống thuốc cơn sốt hạ.
Ngay trong đêm 30/3, gia đình đưa bé Thư tới trung tâm y tế của xã Khổng Lào. Sáng sớm 31/3, bé Thư được chuyển tới bệnh viện tỉnh Lai Châu.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé Thư bị mắc căn bệnh than rất hiếm gặp. Đến ngày 1/4, bệnh viện chuyển bệnh nhi Đèo Anh Thư lên Bệnh viện Nhi trung ương – Khoa chỉnh hình.
Tại đây, các bác sĩ cho biết, tình hình của bệnh nhi Thư đã quá nặng, tứ chi bị hoại tử. Các bác sĩ sẽ thực hiện hai cuộc phẫu thuật tháo khớp chân và tay.
Chị Tẩn Thị Hồng cho biết: “Hai vợ chồng tôi vội vàng đưa con lên Hà Nội chữa trị có vay mượn được chút tiền của họ hàng.
Đến hôm nay, tiền đã hết mà chi phí sinh hoạt ở Hà Nội cao quá. Vợ chồng tôi là người dân tộc lên trên này cả hai vợ chồng không biết gì.
Con gái tôi còn phải thực hiện tiếp một ca phẫu thuật tháo khớp chân, cắt bỏ phần hoại tử. Vậy mà, hai vợ chồng giờ không còn đồng nào trong túi, không biết tương lai sẽ ra sao, tiền đâu để đóng viện phí và mua thuốc cho con”.
Bệnh than là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do một loại vi khuẩn gam dương, hình que gọi là Bacillus anthracis gây ra.
Mầm bệnh than theo tự nhiên có ở trong đất và thường ảnh hưởng đến các động vật nuôi và động vật hoang dã.
Đường lây chủ yếu là đường da-niêm mạc (da sây sát và niêm mạc), do tiếp xúc với mầm bệnh từ các động vật bị bệnh, chết hoặc các sản phẩm từ các động vật này (da, lông...) hoặc nha bào ở đất (lây gián tiếp).
Lây qua đường hô hấp do hít phải bụi có nha bào than (gặp trong xưởng thuộc da, chế biến lông động vật...). Lây qua đường tiêu hóa: do ăn thịt nhiễm mầm bệnh.
Bệnh than ngoài da chiếm 95% các trường hợp nhiễm bệnh than, thường do tiếp xúc với động vật mắc bệnh. Vị trí tổn thương thường ở đầu cổ, các chi.
Tổn thương ban đầu trên da có dạng sẩn ngứa, không đau, xuất hiện sau khi nhiễm bào tử 3-5 ngày.
Trong vòng 24-36 giờ, sẽ trở thành dạng bọng nước, bị hoại tử ở giữa, rồi khô đi để lại một vảy mục màu đen đặc trưng kèm phù chung quanh với những bọng nước đỏ tím.
Nếu loét hoại tử có mủ, đau và bệnh nhân bị sốt chứng tỏ có bội nhiễm, thường là do tụ cầu hoặc liên cầu khuẩn (Edwards MS, 1992). Phù ở mặt, cổ thường lan rộng hơn so với phù ở thân hoặc các chi.
Ngoài ra, bệnh than còn xuất hiện ở đường tiêu hóa, họng – thanh quản, hố hấp và màng não.