Tin mới

Xót thương những bé bệnh tim đến viện rồi về chờ chết

Thứ hai, 27/10/2014, 13:57 (GMT+7)

Từ khi có quyết định mới, quy định về mức chi trả bảo hiểm tối đa 60 triệu/ca cho một trường hợp mổ tim thì nhiều gia đình nghèo, không có tiền đã mang con về nhà “chờ chết”.

 

 

Từ khi có quyết định mới, quy định về mức chi trả bảo hiểm tối đa 60 triệu/ca cho một trường hợp mổ tim thì nhiều gia đình nghèo, không có tiền đã mang con về nhà “chờ chết”.

Chết dần vì quy định mới

Trong một lần đến bệnh viện ghi nhận về trường hợp bệnh nhân Phàn Mẩy Phàn (6 tuổi, người Dao, trú tại xã Sủng Máng, Mèo Vạc, Hà Giang) đang trong tình trạng sức khỏe yếu, nhịp tim chậm, cần phẫu thuật gấp để đặt máy tạo nhịp tim gấp. Nhưng với một gia đình dân tộc Dao, quanh năm ăn cơm độn ngô thì số tiền hơn 200 triệu đồng cho ca phẫu thuật là điều quá xa vời. Tại đây, nhóm PV đã có buổi trao đổi với một bác sĩ Khoa tim mạch – Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ này tiết lộ: “Trường hợp sau khi mổ bệnh nhận xảy ra biến chứng rối loạn nhịp tim, nhịp tim chậm rất hay gặp. Trước đó, những trường hợp như bé Phàn được bảo hiểm chi trả 100% chi phí. Nhưng từ tháng 12/2013, có quy định về mức chi trả bảo hiểm mới, hỗ trợ tối đa 60 triệu/ca thì số ca mổ tim để gắn máy tạo nhịp giảm đi 30-40% so với năm trước (2013)”.

Cần ghép một máy tạo nhịp tim hơn 200 triệu để tiếp tục sống nhưng gia đình nghèo, bé Phàn đang nằm "chờ chết".

Chưa kịp mừng với những con số giảm, chúng tôi được vị bác sĩ này giải thích, con số giảm đi không phải tín hiệu đáng mừng mà đáng lo. Bởi, năm 2012, số ca phẫu thuật gắn máy tạo nhịp tại BV là 50 cháu. Càng ngày, số lượng trẻ cần phẫu thuật gắn máy càng tăng. Thế nhưng, vì quy định mới về việc chi trả của bảo hiểm mà số ca phẫu thuật giảm đi. Nguyên nhân, do gia đình bệnh nhân không có tiền nên bỏ cuộc.

PV: Vậy họ chọn cách về để chết?

Bác sĩ: “Họ về không quay lại theo dõi nên không biết sống chết như thế nào. Nhưng chắc chắn nguy cơ đột tử cao”.

“Phải hành động gấp để cứu các cháu”

Việc thay đổi trong Chính sách chi trả của bảo hiểm đối với trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, khi phải tiến hành phẫu thuật đã gây ảnh hưởng đến một loạt kỹ thuật chuyên môn. Trong quy định hướng dẫn mới, một số kỹ thuật bị ảnh hưởng như kỹ thuật cấy máy tạo nhịp phá rung, cấy máy tái đồng bộ để tạo nhịp suy tim… Theo vị bác sĩ kể trên thì 2 kỹ thuật này gần như không thực hiện được vì chi phí lớn quá mức bảo hiểm chi trả.

Sau khi quyết định này được đưa ra, những bác sĩ hằng ngày đang trị bệnh cứu người bị vướng bởi thông tư đó. Thấy bất cập, khoa tim mạch bệnh viện Nhi đã làm đề nghị gửi lên ban giám đốc đề nghị có ý kiến trình lên cơ quan chức năng nhưng chưa thấy hồi đáp.

Trở lại với trường hợp của cháu Phàn, Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Thanh Hải (đang điều trị cho bệnh nhân) cho biết: “Do bệnh lý bệnh tim bẩm sinh của cháu phức tạp nên nếu phẫu thuật gắn máy thì phải mổ lại lần 2, cấy máy với điện cực là điện cực bên ngoài tim. Máy dùng điện cực ngoài tim đắt hơn so với bên trong. Giờ dùng 1 máy tạo nhịp 2 buồng với 2 cái điện cực nữa thì chi phí vào khoảng 200 triệu.

Theo Công văn 5127/BHXH-DVT năm 2013 hướng dẫn thanh toán chi phí vật tư y tế theo Thông tư 27/2013/TT-BYT do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành thì mức độ chi trả bảo hiểm chỉ không quá 60 triệu đồng/cháu (dưới 6 tuổi), còn nếu trên 6 tuổi bảo hiểm chỉ chi trả 40 triệu”.

Vừa nói, bác sĩ Hải vừa chỉ tay vào tờ văn bản: “Máy rẻ nhất là 68 triệu nhưng chưa có phụ kiện, nếu cấy máy cần điện cực và các phụ kiện khác chi phí cũng lên đến 90 triệu là ít. Máy có nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào kích thước cơ thể để hội chẩn lựa chọn máy phù hợp bệnh nhân. Có nhiều loại, nhiều giá, máy thấp nhất 90 triệu – cao 250 triệu đồng/bộ, thậm chí giá cao hơn nữa cũng có. Làm gì có máy nào 60 triệu mà cứu được cháu Phàn và nhiều cháu bé khác nữa. Không có máy bệnh nhân sẽ tử vong”.

Bác sĩ Hải đang chăm sóc cho những bệnh nhi mắc bệnh tim, sự sống các cháu phụ thuộc vào hàng tá máy móc quấn quanh người.

Chung hoàn cảnh với bé Phàn, bé Thuyết, bé Hương nhỏ tuổi hơn cũng đang thoi thóp sự sống.

Bác sĩ Hải cho biết thêm, với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi bác sĩ chỉ định phải mổ để gắn máy tạo nhịp, BV sẽ căn cứ trên điều kiện hoàn cảnh của gia đình để kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ. Trong nhiều năm qua, BV cũng đã giúp được nhiều bệnh nhân được phẫu thuật, giành lại sự sống.

Tuy nhiên, từ khi có quy định mới, vì số tiền bảo hiểm chi trả cho mỗi ca quá nhỏ, việc kêu gọi nhà hảo tâm cần phải có thời gian. Bệnh nhân đa phần là người tỉnh lẻ, thậm chí ở vùng núi cao xuống Hà Nội chữa trị, không có tiền phẫu thuật nên bỏ về.

Nhiều gia đình không có tiền phẫu thuật cho con nên bỏ về "chờ chết".

Những trường hợp bỏ về không được phẫu thuật gắn máy sẽ phải sống chung với chứng Rối loạn nhịp tim (nhịp chậm) có thể gây đột tử, chết hoặc suy giảm cuộc sống không học tập sinh hoạt được bình thường. “Phẫu thuật gắn máy tạo nhịp là phương pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân, không có phương pháp nào thay thế”, bác sĩ Hải nói.

Tiễn chúng tôi ra về, bác sĩ Hải nói như khẩn cầu: “Cần phải hành động ngay để cứu những cháu bé đang thoi thóp nằm kia, quy định đó quá bất cập”. Sự sống của bé Phàn, bé Thuyết, bé Hương và rất nhiều bệnh nhân bị tim bẩm sinh đang phụ thuộc vào quy định “bất hợp lý” của Thông tư 27/2013/TT-BYT. Thiết nghĩ, để cứu những sinh linh bé nhỏ đang thoi thóp nằm kia, nên chăng, cần sớm có sự điều chỉnh?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin…

Video: Bé gái 6 tuổi bệnh tim bẩm sinh đang "cận kề" cái chết

 

 

Theo Đức Thuận – Ngươi đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news