Theo ghi nhận của báo chí, tối 6/1, hàng trăm người dân vẫn ra sân bay Đà Nẵng đón ông Nguyễn Bá thanh dù gia đình ông đã hoãn chuyến bay vì điều kiện thời tiết.
Trên báo Vnxpress cho biết, từ 20h tối 6/1, nhiều người dân Đà Nẵng đổ về sân bay Đà Nẵng. Họ gửi xe trong bãi hoặc dựng tạm phương tiện vào bên đường, trật tự dõi mắt nhìn vào khu vực dành cho chuyên cơ, hy vọng đón chuyến bay chở ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, điều trị bệnh từ Mỹ về. Đến 23h, nhiều người đã ra về nhưng vẫn còn một số người lán lại.
Những người dân tập trung ở đây đều cho biết, họ đến đón ông Nguyễn Bá Thanh vì sự tôn trọng, yêu mến, biết ơn. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nói về ông với những đóng góp đã làm thành phố sông Hàn lột xác.
"Không chỉ tôi, mà từ người đạp xích lô đến đi xe thồ, trẻ em đến người già ai cũng yêu mến ông Thanh. Hai đêm rồi ngày nào tôi cũng đến chùa cầu an, mong ông mau lành bệnh", ni cô Diệu Nghĩa (chùa Thái Bình, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) nói và ánh mắt không rời cửa ra sân bay.
22 giờ ngày 6/1, rất nhiều người dân vẫn tụ tập trước cổng sân bay, tiếp tục chờ đợi Ảnh: Người lao động
Cùng chia sẻ, bà Nguyễn Thị Miên (42 tuổi) cho biết, ông Thanh làm nhiều việc cho thành phố, ai ai cũng biết nên mấy hôm nay người dân quanh thôn xóm lúc nào cũn bàn tán, lo lắng về sức khỏe của ông. Bản thân bà làm nghề giúp việc với thu nhập bấp bênh nhưng nhờ được hưởng Chính sách hộ nghèo của thành phố mà gia đình bà bớt khổ. Chính vì thế, khi hay tin ông Thanh sắp về nước để tiếp tục điều trị bệnh bà đã chạy xe máy hơn 20 km từ xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) để có mặt tại sân bay Đà Nẵng tối qua.
"Biết là khi ông ấy về cũng không được vào thăm, nhưng đến đây mong được nhìn thấy ông ấy", bà Miên chia sẻ.
Trong số những người đến sân bay đón ông Nguyễn Bá Thanh tối qua còn có những gia đình gồm 4-5 thành viên. Trong số đó có gia đình bà Trần Thị Mai Hoa, 47 tuổi, trú đường Huỳnh Ngọc Huệ, quận Thanh Khê. Bà cho biết, từ hôm nghe ông Nguyễn Bá Thanh bị bệnh, đầu óc không lúc nào cũng nghĩ đến ông.
"Mình biết ông ấy, nhưng chắc ông ấy không biết mình là ai. Đến đây vì cái tâm và mong ông ấy mạnh giỏi để còn làm nhiều việc nghĩa", bà nói với đôi mắt ngấn nước.
Trên báo Thanh niên cũng ghi nhận nhiều ý kiến của người dân chia sẻ “chỉ mong ông Thanh về để đến thăm.
“Tụi tui chỉ mong ổng về để đến thăm mà. Chỉ sợ lúc đó đông quá tụi tui chen không nổi thôi”, ông Bùi Khoái – một người dân ở Đà Nẵng chia sẻ.
Ông Trần Văn Long, một người dân ở Đà Nẵng cho biết, ở đây, ông Thanh được quý mến lắm, nhất là dân xe thồ, xích lô, xe ôm, thợ hồ vì trước đó họ được nhờ ông nhiều.
Đây cũng là ý kiến của nhiều người dân khác. Họ cho biết, với lực lượng này, ông Thanh rất gần gũi, tổ chức, tạo công ăn việc làm một cách nề nếp cho mọi người, thậm chí xe ôm còn nhận được tiền Tết mỗi khi xuân về.
Ông Bùi Khoái cũng Khi được hỏi liệu có tới thăm khi ông Thanh về hay không, quay qua ông bạn già gần đó, ông Khoái nói: “Thăm chứ sao không. Tụi tui chỉ mong ổng về để đến thăm mà. Chỉ sợ lúc đó đông quá tụi tui chen không nổi thôi”.
Trên báo Người lao động cũng phản ánh cảnh người dân tập trung ở sân bay Đà Nẵng tối qua và “dõi theo sức khỏe ông hằng giờ”.
Anh Nguyễn Thanh Khoa (ngụ quận Cẩm Lệ) ngồi chờ đón ông Thanh tại sân bay chia sẻ: “Nghe tin chú bệnh nặng trở về, ngồi đây đón chú tôi chỉ cầu mong chú mau khỏi bệnh và có sức lực để tiếp tục lo cho dân lành...”.
Anh Khoa cũng chia sẻ với phóng viên Người lao động câu chuyện gia đình anh mang ơn ông Thanh.
“Vào khoảng năm 2005, nhà tôi cũng như hàng chục vạn hộ dân nằm trong diện giải tỏa, đền bù một phần. Sau khi được bố trí tái định cư một lô đất phía Nam cầu Cẩm Lệ, ba tôi ký nhận. Lúc đó, tôi mới cưới vợ và vẫn còn ở chung với ba mẹ. Tôi xin lô đất tái định cư của ba mẹ và trong nhà đã đồng ý nhường cho tôi. Lúc ấy, khu dân cư còn thưa thớt nên tôi mạo muội gặp chú để xin được chuyển về phường Khuê Trung ở cho tiện và gần ba mẹ. Tôi đưa ba đi gặp chú. Sau khi nghe trình bày, chú giải quyết nhanh chóng đến bất ngờ. Giải quyết cho tôi xong, chú nhìn ba tôi rồi hỏi “Ông già đó hả?” và nói luôn: “Ông cụ già yếu rồi, dẫn ổng theo chi cho cực ổng rứa?”, anh Khoa kể.
H.Minh (tổng hợp)