Theo báo VnExpress, Tổng cục Thống kê mới đây đã đưa ra báo cáo chỉ số về phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020. Chỉ số này dựa trên các yếu tố như sức khỏe, giáo dục và thu nhập. Để tính chỉ số thu nhập bình quân đầu người của các địa phương, Tổng cục Thống kê đã dựa trên tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo sức mua tương đương (PPP) và quy đổi về USD.
Kết quả, 10 tỉnh, thành đang có thu nhập bình quân cao nhất cả nước (theo sức mua) bao gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, TP.HCM, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên.
Nơi đứng đầu với chỉ số GNI cao vượt trội là Bà Rịa – Vũng Tàu, ở mức 34.580 USD (hơn 795 triệu đồng). Tỉnh xếp thứ 2 là Quảng Ninh, với chỉ số GNI ở mức 21.500 USD (hơn 490 triệu đồng). TP.HCM lại đứng cuối top 5, với chỉ số GNI ở mức 18.920 USD (khoảng 435 triệu đồng).
Bên cạnh đó, 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất đa phần nằm ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Lạng Sơn, Bến Tre, Lai Châu, Bắc Kạn, Sơn La, Gia Lai, Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng và Hà Giang xếp cuối cùng.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng của một số địa phương sau luôn duy trì ở mức cao: Hải Phòng tăng gấp 1,74 lần; Thanh Hóa gấp 1,66 lần; Ninh Thuận gấp 1,7 lần; Quảng Ninh gấp 1,61 lần; Lào Cai gấp 1,57 lần.
Dù tỉ lệ tăng trưởng cao là vậy nhưng GNI bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước trong khu vực chỉ nhỉnh hơn Timor Leste, Myanmar và Campuchia, bằng 30 – 35% mức bình quân chung của Đông Nam Á. Các nước còn lại có chỉ số này lớn hơn từ 1,2 đến hơn 10 lần so với Việt Nam.