Nếu Metro vẫn chuyển giá được trong điều kiện tuân thủ các quy định, Việt Nam cần phải xem xét lại để lấp các khe hở trong luật pháp.
PGS TS Phạm Tất Thắng -Nghiên cứu viên Cao cấp Bộ Công thương nêu quan điểm trước việc 12 năm hoạt động tại Việt Nam nhưng Metro chưa từng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và liên tục báo lỗ song vẫn liên tục mở rộng trung tâm trên cả nước.
Lỗi của cơ quan chức năng
PV:- Hoạt động 12 năm tại Việt Nam nhưng chỉ duy nhất vào năm 2010 Metro báo lãi còn lại đều liên tục báo lỗ, tính đến năm 2012 Metro lỗ lũy kế lên đến 598 tỷ đồng và chưa từng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Song đơn vị này lại liên tục mở rộng hệ thống phân phối của mình lên đến 19 trung tâm trên cả nước. Trong năm 2012 - 2013, Doanh thu hoạt động của Công ty Metro tại Việt Nam đạt 516 triệu Euro. Theo ông có nghi án chuyển giá, trốn thuế từ doanh nghiệp này hay không?
PGS.TS Phạm Tất Thắng:- Kể từ khi vào Việt Nam Metro đã phát triển tốt và đã là một trong những hệ thống phân phối có uy tín. Cũng cần nhớ rằng đối tượng mà Metro nhắm tới là phân khúc khách hàng lớn.
Phải nói rằng môi trường của Việt Nam cũng đã tạo điều kiện cho Metro phát triển. Trong vòng 12 năm xây dựng và phát triển tại Việt Nam, từ thời điểm ban đầu Metro chỉ có 1 cơ sở tại TPHCM nay đã có 19 cơ sở ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, ngoài ra còn có 5 kho trung chuyển. Như vậy, Metro đã có sự phát triển tốt, đầy ấn tượng. Tuy nhiên, đáng tiếc rằng trong suốt 12 năm qua chỉ có 1 năm duy nhất Metro báo lãi.
Từ đây, trong dư luận có đặt ra nghi vấn rằng Metro đã chuyển giá, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Liệu lỗ thật do đầu tư ban đầu quá lớn hay là lỗ giả? Trong suốt 12 năm qua tại sao khi Metro xin mở thêm cơ sở mới trong điều kiện báo lỗ các cơ quan chức năng lại không có thanh tra kiểm tra cụ thể để trả lời dứt khoát là họ lỗ thật hay có chuyển giá? Tôi cho rằng việc không có câu trả lời rõ ràng cũng phần nào có lỗi của các nhà quản lý Việt Nam chứ không phải riêng Metro.
Được biết, Cục Thuế TP HCM sau khi đặt câu hỏi về vấn đề này, phía Metro giải thích rằng chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn. Trong khi những năm gần đây số lượng siêu thị mở mới nhiều, doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt nên phải mất trung bình ba năm kể từ khi Khai trương mới có lãi.
Các trung tâm lại mở liên tiếp nhau, hoạt động chưa ổn định ngay nên công ty bị lỗ kéo dài. Tôi cho rằng lý do đó cũng có phần hợp lý, tuy nhiên đó mới là giải thích của Metro. Ở đây cần phải có sự vào cuộc của các nhà quản lý Việt Nam. Nếu để bán tín bán nghi thì vừa khó cho Metro vừa không giải thích thỏa đáng cho dư luận.
Nếu Metro vẫn chuyển giá được trong điều kiện tuân thủ các quy định của Việt Nam, Việt Nam cần phải xem xét lại để lấp các khe hở trong luật pháp.
PV:- Theo đánh giá của ông, từ khi có mặt tại Việt Nam hoạt động kinh doanh của Metro đã ảnh hưởng như thế nào đến các siêu thị của doanh nghiệp trong nước?
PGS.TS Phạm Tất Thắng:- Không xét đến việc Metro có thực hiện hành vi chuyển giá hay không, tính đến thời điểm hiện taị, Metro là một trong những điển hình mang phong thái kinh doanh hiện đại đến Việt Nam. Trong quá trình kinh doanh họ hướng tới những khách hàng lớn và luôn đảm bảo nguồn hàng cung cấp ổn định có chất lượng tốt cho khách hàng của mình.
12 năm qua không có nhiều phàn nàn về phong cách phục vụ, chất lượng hàng hóa cũng như giá cả của Metro. Hơn nữa, Metro còn có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cơ sở sản xuất để có được sản phẩm phù hợp với nhu cầu, cách đóng gói, vận chuyển phù hợp với tiêu chuẩn của Metro.
Kinh doanh thì phải săn lùng lợi nhuận nhưng trong việc săn lùng lợi nhuận của Metro, họ cũng đã hỗ trợ các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ của Việt Nam nâng cao chất lượng hoạt động của mính. Trên thực tế một điều rất mừng 90% hàng hóa kinh doanh của Metro trong những năm gần đây là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Còn vấn đề với hoạt động của Metro ảnh hưởng như thế nào đến thị phần kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước thì cần phải có sự nghiên cứu nghiêm túc. Tuy nhiên, cần phải nói rằng việc mở cửa cho Metro vào thị trường Việt Nam đã được cân nhắc một cách kỹ lưỡng và có sự đồng ý của Nhà nước Việt Nam.
Khi tiếp cận thị trường Việt Nam Metro cũng đã chọn phân khúc rất phù hợp là các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể lớn và cả hệ thống bán lẻ. Theo tôi họ đã làm tốt trong phân khúc thị trường của mình.
Cũng phải nói thêm rằng có hoạt động của Metro chúng ta có được sự cạnh tranh quốc tế ngay trên sân nhà. Từ đây làm cho các doanh nghiệp, hệ thống phân phối của Việt Nam học hỏi và phát triển theo hướng của một thị trường hiện đại, đó là điều rất tốt. Sự có mặt của các nhà phân phối quốc tế không có nghĩa là thủ tiêu các nhà phân phối trong nước.
Trên thực tế chúng ta cũng đã có những nhà phân phối rất có uy tín và đang có chiều hướng phát triển tốt, thí dụ như: Sai Gon Co.op Mart hoạt động rất tốt trong lĩnh vực bán lẻ, chiếm được tình cảm của đại đa số người tiêu dùng ở các thành phố, thị xã, thị trấn.
Trong cuộc cạnh tranh này nếu Metro tuân thủ pháp luật thì đó là điều rất đáng hoan nghênh, khuyến khích, còn nghi vấn chuyển giá hay không thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc và có ý kiến.
PV:- Trên thực tế loại hình hoạt động của Metro là bánbuôn nhưng vẫn có hoạt động bán lẻ diễn ra ở Metro, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Phạm Tất Thắng:- Bán buôn và bán lẻ hiện không phân biệt một cách rạch ròi, một cơ sở bán lẻ có thể thực hiện việc bán buôn và ngược lại một cơ sở bán buôn vẫn có thể bán lẻ. Vấn đề họ đăng ký bán buôn là chủ yếu thì tỷ trọng bán buôn chiếm phần lớn còn cũng bán lẻ nhưng bán với lô lớn cũng không sai luật.
Đứng về mặt kinh tế học, hiện nay sự phân biệt rạch ròi giữa bán buôn và bán lẻ là không còn. Thậm chí thương mại và dịch vụ còn đan xen nhau là xu hướng tất yếu của thị trường hiện nay. Nếu Metro sai các cơ quan nhà nước đã "thổi còi". Cạnh tranh miễn là làm đúng luật, ai có cách đi phù hợp chiếm lĩnh thị trường thì thắng và là chuyện công bằng trong cạnh tranh. Ở đây Metro không sai. Đây là cách kinh doanh của họ khi chuyển sang cho Tập đoàn Thái Lan thì chắc chắn tỷ trọng bán lẻ sẽ còn tăng thêm.
Quay trở lại vấn đề của Việt Nam, ví dụ chợ Đồng Xuân bán buôn là chủ yếu nhưng họ vẫn bán lẻ, vẫn lôi kéo người bán lẻ.
Metro tìm kiếm lợi nhuận, doanh nghiệp nội làm gì?
PV:- Được biết, Metro khi gia nhập thị trường Việt Nam đã từng được giảm 50% thuế thu nhập trong 2 năm. Metro cũng như Big C được sở hữu những vị trí “đắc địa” không chỉ ở Hà Nội mà cả ở TP. Hải Phòng, Đà Nẵng... trong khi các doanh nghiệp trong nước phải chật vật lắm mới có được một vị trí xứng đáng. Ví dụ trên cho thấy Việt Nam đang quá ưu đãi với doanh nghiệp nước ngoài và "bỏ rơi" doanh nghiệp trong nước. Liệu việc ưu đãi quá nhiều này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp trong nước?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: -Ưu đãi cho Metro nằm trong Chính sách chung của Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việc ưu đãi cả về mặt đất đai, thuế… để thu hút sự đầu tư của nước ngoài là cần thiết.
Tôi cho rằng, nếu không có những ưu đãi đó chẳng ai đến và bây giờ chúng ta cũng đang điều chỉnh lại tất cả những chính sách để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài và cả đầu tư trong nước ở nhiều lĩnh vực.
Trong khuôn khổ đó chúng ta không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá như: gây ô nhiễm môi trường, gây cạn kiệt tài nguyên hoặc đơn thuần chỉ tận dụng lao động rẻ… Gần đây có hiện tượng các địa phương đua nhau “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư nước ngoài bất chấp hậu quả xấu, điều đó là không nên và cần phải điều chỉnh.
PV:-Đối mặt với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài các doanh nghiệp trong nước cần làm gì để khắc phục những yếu điểm và tăng sức cạnh tranh?
PGS.TS Phạm Tất Thắng:- Vừa qua có hiện tượng ở một số địa phương, doanh nghiệp phàn nàn rằng các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận nguồn đất đai, những vị trí đắc địa dễ dàng hơn so với doanh nghiệp trong nước nhưng cụ thể có đúng như thế hay không thì các cơ quan chức năng chưa có câu trả lời chính thức.
Hơn nữa chúng ta cũng phải thấy các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn bài bản hơn. Họ dựa trên tiềm lực về nguồn vốn, công nghệ và những ý tưởng độc đáo để cạnh tranh trong nền thị trường hiện đại.
Qua đó, người tiêu dùng là người được hưởng lợi, đồng thời cũng tạo ra một hình mẫu để doanh nghiệp trong nước vươn lên học hỏi. Chỉ có thông qua cọ sát, cạnh tranh quốc tế thì doanh nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển lên được. Nếu như các doanh nghiệp Việt Nam lúc nào cũng chỉ chờ đợi Nhà nước cấm cái này, trao cái nọ thì không bao giờ khá lên được.
Thực tế đã có hiện tượng một số doanh nghiệp Việt Nam khi được Nhà nước ưu tiên những mảnh đất tốt ở những vị trí đắc địa nhưng trong quá trình đầu tư hệ thống phân phối, các cơ sở logistic lại xẻo ra bán căn hộ, bán đất nền… tôi cho rằng điều này cũng cần lên án. Cần phải loại trừ tư tưởng phân biệt giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nào làm ăn bài bản thì ủng hộ.
Cũng cần phải nói thêm rằng các doanh nghiệp nước ngoài cũng là thành phần kinh tế của Việt Nam và chúng ta vẫn còn đang tiếp tục có cải thiện ở tầm chính sách và chỉ đạo thực hiện chính sách để tiếp tục thu hút hơn nữa đầu tư của nước ngoài.
Tôi cho rằng nếu cải thiện được điều này thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển và qua đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ học được nhiều điều hay từ các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng chúng ta có học được hay không thì còn phụ thuộc vào thái độ của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế rõ ràng chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh quốc tế ngay trên thị trường nội địa. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài họ tuân thủ theo luật pháp Việt Nam thì rất đáng hoan nghênh.
Doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng thị phần, nhà nước không thu được thuế không phải lỗi của doanh nghiệp nước ngoài vì họ đến Việt Nam để săn lùng lợi nhuận, không đến để xóa đói giảm nghèo. Nếu họ vẫn chuyển giá được trong điều kiện tuân thủ các quy định của Việt Nam thì chúng ta cần phải xem xét lại để lấp các khe hở trong luật pháp. Đây cũng là một bài học trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian vừa qua có những doanh nghiệp Nhà nước không được đặt trong môi trường cạnh tranh đã gây thiệt hại cho kinh tế, tiêu tốn vốn Nhà nước, làm hại nhiều hơn là đóng góp cho sự nghiệp chung. Trong khi đó những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài mang lại lợi ích cho sự nghiệp chung thì chúng ta cần phải hoan nghênh.
Theo tôi, cần có thái độ và cách nhìn nhận khác, không thể tìm cách hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài để cho doanh nghiệp Việt Nam lớn lên, mà cần lớn lên từ trong canh tranh quốc tế, từ những ý tưởng độc đáo, từ tầm nhìn chiến lược và cách làm ăn bài bản. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có được những doanh nghiệp Việt Nam mạnh, đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!