Tin mới

3 nhà máy điện hạt nhân TQ nằm sát Việt Nam: Bộ KH&CN vào cuộc

Thứ sáu, 07/10/2016, 16:15 (GMT+7)

Trước lo ngại, 3 nhà máy điện hạt nhân phía nam Trung Quốc nằm sát biên giới nước ta có thể ảnh hưởng phóng xạ đến Việt Nam, đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN) cho hay sẽ sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận về an toàn bức xạ với Trung Quốc.

Trước lo ngại, 3 nhà máy điện hạt nhân phía nam Trung Quốc nằm sát biên giới nước ta có thể ảnh hưởng phóng xạ đến Việt Nam, đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN) cho hay sẽ sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận về an toàn bức xạ với Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc lo ngại nếu sự cố phóng xạ xảy ra. Ảnh: Tiền phong

Theo thông tin trên báo Tiền phong, Đất Việt, tại họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN sáng qua 6/10, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết: "Sắp tới, sẽ có đoàn Việt Nam sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận về an toàn bức xạ với Trung Quốc. Còn các chuyên gia thì cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường".

Việc 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc nằm ngay sát biên giới nước ta vừa đi vào hoạt động, có thể ảnh hưởng phóng xạ đến Việt Nam, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, Việt Nam có thể vận dụng một số công ước quốc tế để nhận biết sớm sự cố hạt nhân nếu xảy ra.

Cụ thể, Việt Nam đã tham gia Công ước về thông báo sớm sự cố hạt nhân từ năm 1987. Bất kỳ một sự cố hạt nhân nào, mạng lưới thông báo sớm quốc tế sẽ cung cấp thông tin cho Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia Công ước an toàn hạt nhân. Hàng năm các quốc gia thành viên của công ước này phải nộp báo cáo về các biện pháp mình đã thực hiện để đảm bảo việc các nghĩa vụ quy định của công ước. Tại cuộc họp, Việt Nam có thể chất vấn các vấn đề hạt nhân của Trung Quốc.

Cũng theo ông Tấn, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa có trao đổi song phương với Trung Quốc về vấn đề điện hạt nhân của nước này. Sắp tới, sẽ có đoàn của Việt Nam trực tiếp sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân với Cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc để có cách thức trao đổi thông tin về vấn đề này.

Theo TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đã nhìn nhận: một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường ở tầm quốc gia đang thiết lập với một lượng kinh phí đầu tư lớn vào cơ sở vật chất và con người. Việt Nam đã có 2 trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hào Quang, trước thực tế một số nhà máy điện hạt nhân sát sườn Việt Nam đặt tại Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia đang và sẽ đi vào hoạt động, cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường.  

TS Quang cho rằng, trước mắt nên tập trung đầu tư thiết bị quan trắc tại những địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp xảy ra sự cố điện hạt nhân từ Trung Quốc như Quảng Ninh (Móng Cái và Bãi Cháy), Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Hà Nội.

Trong một diễn biến có liên quan, khi tao đổi với trên Thanh Niên ngày 22/7, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng), cho rằng về nguyên tắc, việc Trung Quốc có dự án sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở TP. Phòng Thành sẽ không ảnh hưởng gì đến Việt Nam. Chuyện phát triển điện hạt nhân là tất yếu và nếu không xảy ra sự cố thì người dân dù có ở bên cạnh nhà máy 1 km cũng không sao. 

Giải đáp lo lắng cho giả thiết nếu nhà máy điện hạt nhân ở TP. Phòng Thành xảy ra sự cố vào mùa đông thì sẽ rất dễ đe dọa đến Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền nêu ý kiến: “Vấn đề này khó nói về mặt định lượng”, bởi còn tùy thuộc vào loại thiết kế của lò như thế nào (2 hay 3 vòng bao bọc) và mức độ tai nạn đến đâu, nặng hay nhẹ. Bình thường, nếu xảy ra sự cố nhẹ thì chỉ nằm trong lò phản ứng thôi, trường hợp nặng thì phóng xạ mới theo ống khói thoát ra ngoài.

Tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào việc lượng phóng xạ thoát ra ngoài là bao nhiêu, đồng thời còn phải theo hướng gió, mưa thì mới biết được ảnh hưởng ra sao. “Với Công nghệ mới như hiện nay thì sẽ không gây nổ, tỷ lệ mất an toàn năng lượng hạt nhân là rất thấp, hàng triệu sự kiện mới có một sự cố”.

Hiện nay, 3 nhà máy điện hạt nhân phía nam của Trung Quốc, gần biên giới Việt Nam đã đi vào hoạt động gồm Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở tỉnh Quảng Đông và Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang nằm trên đảo Hải Nam.

Trong đó, Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành đã vận hành tổ máy số 1, số 2, công suất 1.000MW, Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang đã vận hành tổ máy số 1, 2 và Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang đã vận hành 3 tổ máy.

Các tổ máy này đều nằm gần biên giới phía bắc, nơi gần nhất chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50km.

Theo ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, khoảng cách 50 km không nghĩa lý gì nếu sự cố phóng xạ xảy ra. 

Theo Thứ trưởng Tạc, các sự cố phóng xạ thường có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, xuyên biên giới. Trước đây, khi nhà máy Fukushima của Nhật Bản gặp sự cố, tại Việt Nam có đo được phóng xạ tại trạm quan trắc thuộc Viện khoa học kỹ thuật hạt nhân và Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news