Hệ số lương của một số chức danh nghề nghiệp viên chức
Có nhiều chức danh nghề nghiệp viên chức sẽ được áp dụng từ hệ số lương từ 6,2 đến 8,0 theo Chính sách mới về tiền lương, viên chức sắp có hiệu lực.
Hệ số lương như trên được áp dụng cho: Chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng I (Theo Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL, có hiệu lực từ ngày 10/12/2022); Đạo diễn nghệ thuật hạng I, Diễn viên hạng I (Theo Thông tư 10/2022/TT-BVHTTDL, có hiệu lực từ ngày 15/12/2022); Họa sĩ hạng I (Theo Thông tư 09/2022/TT-BVHTTDL, có hiệu lực từ ngày 15/12/2022).
Theo đó, tính theo mức lương cơ sở hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng, các chức danh nghề nghiệp viên chức nói trên có mức lương cao nhất là 11,92 triệu đồng/tháng.
Từ 1/7/2023, khi mức lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, các chức danh nói trên sẽ có thu nhập cao nhất là 14,4 triệu đồng/tháng.
Xếp lương viên chức là diễn viên
Theo như Thông tư 10/2022 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12/2022.
Thông tư này quy định, các diễn viên hạng I, II khi thăng hạng phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp diễn viên các hạng II, III hoặc tương đương đủ từ 6-9 năm trở lên (hiện hành là 5 năm).
Đối với những trường hợp có thời gian tương đương thì cần ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng II thì tính đến ngày thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét tăng hạng (diễn viên hạng I hiện hành là 2 năm, hạng II là 1 năm).
Diễn viên hạng III cần có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp, diễn viên hạng IV hoặc tương đương từ đủ 2 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Đối với trình độ cao đẳng hoặc từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ trung cấp (so với hiện hành, quy định mới đã bổ sung "không kể thời gian tập sự, thử việc").
Đối với trường hợp có thời gian tương đương thì cần ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng đang giữ chức danh diễn viên hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng (nội dung mới bổ sung).
Về xếp lương, diễn viên hạng I được áp dụng hệ số lương 6,2 đến 8,0 (từ 9,238 đến 11,92 triệu đồng); diễn viên hạng II được áp hệ số lương 4,0 đến 6,38 (từ 5,96 đến 9,5062 triệu đồng); diễn viên hạng III được áp dụng hệ số lương 2,34 đến 4,98 (từ 3,427 đến 7,4202 triệu đồng); diễn viên hạng IV được áp dụng hệ số lương 1,86 đến 4,06 (từ 2,7714 đến 6,0494 triệu đồng).
Thay đổi yêu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp họa sĩ
Vào ngày 28/10/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành mỹ thuật.
Theo như thông tư mới có hiệu lực từ ngày 15/12/2022 này, thay đổi yêu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp họa sĩ như sau: Viên chức chuyên ngành mỹ thuật bao gồm họa sĩ hạng I, II, III, IV. Trong đó, đối với họa sĩ hạng I, II, III trường hợp không tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành mỹ thuật thì yêu cầu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác và phải được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" hoặc được tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.
Theo đó, cả bốn hạng chức danh đều cần có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật thay vì yêu cầu họa sĩ hạng I, II, II phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh họa sĩ hạng I, II, II tương ứng.
Các viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành mỹ thuật trước ngày 30/6/2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật để xét chuyển chức danh nghề nghiệp, tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật theo quy định tại Thông tư 09/2022/TT-BVHTTDL.
Bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức chuyên ngành tài nguyên môi trường
Theo như thông tư 12/2022/TT-BTNMT sửa đổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 9/12/2022 ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường.
Viên chức chuyên ngành tài nguyên môi trường ở các chức danh địa chính viên, điều tra viên tài nguyên môi trường, dự báo viên khí tượng thủy văn, kiểm soát viên khí tượng thủy văn, quan trắc viên tài nguyên môi trường, đo đạc bản đồ viên các hạng II, III, IV được bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Viên chức chuyên ngành tài nguyên môi trường phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc sử dụng phần mềm chuyên ngành địa chính, phải biết sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.