Tin mới

5 cán bộ Công an đánh chết người ở Phú Yên bị buộc tội dùng nhục hình

Thứ bảy, 25/10/2014, 09:13 (GMT+7)

Theo kết luận điều tra số 17 ngày 23/10/2014 của cơ quan điều tra VKSND Tối cao, cả 5 bị can có thể bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm vì phạm vào tội “dùng nhục hình” do đã dùng gậy cao su đánh Ngô Thanh Kiều khiến Kiều bị tử vong.

 

 

 

Theo kết luận điều tra số 17 ngày 23/10/2014 của cơ quan điều tra VKSND Tối cao, cả 5 bị can có thể bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm vì phạm vào tội “dùng nhục hình” do đã dùng gậy cao su đánh Ngô Thanh Kiều khiến Kiều bị tử vong.

Theo Thông tấn xã Việt Nam và một số báo đưa tin, ngày 23/10 cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tống đạt kết luận điều tra 6 bị can trong vụ án “dùng nhục hình” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công an TP. Tuy Hoà tỉnh Phú Yên.

Trong bản kết luận mới này, cơ quan điều tra VKSND tối cao cho rằng: Việc bắt Ngô Thanh Kiều tại nhà riêng để dẫn giải về trụ sở công an xã, sau đó đưa về trụ sở công an thành phố Tuy Hòa để giữ và làm việc về nội dung liên quan đến một số vụ trộm cắp tài sản mà không có lệnh, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của một số cán bộ công an là có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật.

Nhưng xét thấy tại thời điểm bắt và áp giải Ngô Thanh Kiều đã có cơ sở xác định đối tượng này là người tham gia trộm cắp cùng Trần Minh Cường và Ngô Thanh Sơn vào đêm 11 rạng sáng 12/5/2012. Sau khi bị phát hiện, truy đuổi đã bỏ trốn. Các đối tượng trong vụ trộm cắp tài sản này đã khai nhận tội cùng Kiều trộm cắp nhiều lần, bản thân Ngô Thanh Kiều là người đã từng có nhiều tiền án tiền sự.

Kết quả điều tra sau đó đã có đủ căn cứ để xác định Ngô Thanh Kiều là đồng phạm với Trần Minh Cường, Ngô Thanh Sơn trong nhiều vụ trộm cắp tài sản với giá trị đặc biệt lớn. Vậy nên việc các cán bộ chiến sĩ và nhân viên công an bắt giải Kiều về trụ sở cơ quan công an làm việc là cần thiết và có căn cứ.

Lẽ ra công an thành phố Tuy Hòa cần ra quyết định bắt khẩn cấp và ra Quyết định tạm giữ đối với Ngô Thanh Kiều để điều tra, nhưng lại để cán bộ chiến sĩ bắt chứ không có lệnh và Quyết định.

Việc bắt giữ nêu trên thiếu các thủ tục về tố tụng nên chỉ vi phạm về mặt hình thức, do vậy không cần đề cập về mặt xử lý hình sự.

5 bị cáo bị truy tố về tội dùng nhục hình dẫn đến cái chết của Ngô Thanh Kiều

Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng xác định, quá trình bắt giữ, dẫn giải Ngô Thanh Kiều từ nhà đến công an xã Hòa Đồng – huyện Tây Hòa cho đến khi đến công an thành phố Tuy Hòa, sức khỏe của Kiều vẫn bình thường, không bị ai đánh đập trước khi làm việc với cán bộ công an thành phố Tuy Hòa tại trụ sở của công an thành phố.

Theo kết luận điều tra số 17 ngày 23/10/2014 của cơ quan điều tra VKSND Tối cao, cả 5 bị can là Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Minh Quyền, Đỗ Như Huy, Nguyễn Tuấn Quang và Nguyễn Thân Thảo Thành – dùng gậy cao su đánh Ngô Thanh Kiều khiến Kiều bị tử vong – đều phạm vào tội “dùng nhục hình”, theo quy định tại khoản 3 điều 298 Bộ luật Hình sự (Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm).

 

Riêng đối với ông Lê Đức Hoàn – Phó Trưởng Công an, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT – công an thành phố Tuy Hòa, Trưởng Ban chuyên án 312T – đã không thực hiện, hoặc thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định tại các điều 4, điều 34 BLTTHS, để xảy ra việc cấp dưới bắt giữ Ngô Thanh Kiều không có lệnh, quyết định, dùng nhục hình trong lấy lời khai, canh giữ, dẫn đến việc Ngô Thanh Kiều tử vong.

 

Đối với các bị can Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Đỗ Như Huy, Lê Đức Hoàn, đã khai nhận hành vi phạm tội của mình và khai về hành vi phạm tội của các bị can khác. Sau khi để xảy ra sự việc đã tự nguyện bồi thường, khắc phục một phần thiệt hại về tài sản cho gia đình người bị hại. Ngoài ra, cơ quan điều tra VKSND tối cao còn cho rằng: Trong quá trình công tác, các bị can đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, nhân thân cả năm bị can đều sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng nên xem đây là tình tiết giảm nhẹ.

Đối với ông Nguyễn Văn Lai, Võ Công Phi, cùng một số công an có hành vi khóa tay Ngô Thanh Kiều để dẫn giải trong khi không có lệnh bắt giữ; cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng xác định việc bắt giữ là cần thiết để tránh trường hợp bỏ trốn, nên đối với ông Lai, ông Phi và một số công an khác được VKS tối cao đề nghị không đề cập xử lý hình sự mà kiến nghị công an tỉnh Phú Yên đã xử lý kỷ luật, giáo dục tại địa phương.

Từ kết luận trên, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cùng bản kết luận điều tra đến Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (Vụ 1A) Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố các bị can: Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Minh Quyền, Đỗ Như Huy, Nguyễn Tấn Quang và Nguyễn Tân Thảo Thành đã có hành vi về tội “dùng nhục hình” theo quy định khoản 3 điều 298 BLHS; đối với Lê Đức Hoàn về tội “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng’’ theo quy định tại khoản 2, điều 285 BLHS.

Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm diễn ra từ ngày 26/3 đến ngày 3/4/2014, dù đây là tội phạm nghiêm trọng nhưng Tòa án nhân dân (TAND) TP. Tuy Hòa chỉ áp dụng khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự tuyên phạt một bị cáo; còn lại 4 bị cáo khác đều áp dụng khoản 1.

Vì vậy, ngày 29/4, VKSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị bản án của TAND TP.Tuy Hòa vì cho rằng toà sơ thẩm chỉ áp dụng khoản 1 Điều 298 Bộ luật Hình sự xử phạt các bị cáo Quyền, Mẫn, Quang và Huy là "không đúng quy định của pháp luật". Ngày 10/7, sau 2 ngày xét xử, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án “dùng nhục hình” dẫn đến cái chết của Ngô Thanh Kiều (32 tuổi, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) để điều tra lại.

Theo Vũ Đậu tổng hợp (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news