"Tháng tư đong đậu nấu chè - Ăn Tết Đoan Ngọ nhớ về tháng năm". Từ lâu, cứ đến ngày tháng 5/5 (Âm lịch), người Việt lại chuẩn bị những món ăn dân dã như rượu nếp, bánh tro, hoa quả,… để “giết sâu bọ” và mong cho một mùa màng bội thu.
Tết Đoan Ngọ là một trong những phong tục lễ tết có ở nhiều nước khu vực Châu Á. Không chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên... đều có ngày tết này. Đây thực chết là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
Tại Việt Nam, Tết Đoan ngọ đã được Việt hóa thành Tết diệt sâu bọ và thờ cúng, nhớ ơn tổ tiên.
Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết Đoan dương.
"Đoan" có nghĩa mở đầu, "ngọ" hay "dương" được hiểu là giữa trưa, là khí dương.
Đoan Ngọ hay Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Theo tục lệ từ xưa, người dân thường thắp hương vào sáng sớm nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 Âm lịch.
Tết Đoan Ngọ được diễn ra khi các cánh đồng lúa đang được thu hoạch. Là giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dễ sinh sâu bệnh nên vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh, đặc biệt là bằng các món ăn.
1. Cơm rượu nếp cẩm
Rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ đặc biệt này. Ảnh: Internet |
Rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ đặc biệt này vì theo quan niệm của người dân, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu cơm nếp sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Ngay buổi sáng mồng 5 sau khi thức dậy, nhiều gia đình còn có thói quen ăn một bát cơm rượu để diệt sâu bọ.
Gạo được chọn đẻ nấu cơm nếp là loại nếp cẩm hoặc nếp cái hoa vàng.
Nhiều gia đình có thể nấu cơm nếp, ủ rượu ở nhà hoặc mua ngoài hàng bán sẵn.
Rượu nếp được làm từ xôi nguyên hạt lên men.
Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và nếp cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu.
Tùy ở mỗi nơi mà cách chế biến cơm rượu nếp lại khác nhau. Cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối, còn cơm rượu miền Nam được viên tròn lại khác hoàn toàn với thứ cơm rượu rời của người Bắc.
Ngoài ra, trong ngày Tết Đoan Ngọ, người ta còn biến tấu một số món ngon khác từ nếp cẩm như xôi nếp xẩm, chè nếp cẩm, sữa chua nếp cẩm, chè chuối nếp cẩm.
2. Hoa quả đầu mùa
Việc ăn trái cây đầu mùa thể hiện mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở. Ảnh: Internet |
Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, chúng ta tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn.
Tháng 5 là thời điểm mà các loại hoa trái mùa hè bắt đầu vào mùa. Mâm quả dâng lên bàn thờ tổ tiên để lẫy lễ là điều không thể thiếu trong mỗi gia đình.
Việc ăn trái cây đầu mùa, đặc biệt là cái loại trái cây như: mận, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu… không chỉ với mong muốn tiêu trừ mầm bệnh mà phần nào còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.
3. Bánh tro
Nếu Tết Nguyên đán không thể thiếu bánh chưng thì vào ngày tết Đoan ngọ, những chiếc bánh tro trong veo vàng óng lại là thứ bánh mà nhà nào cũng có. Bánh tro còn được gọi là bánh ú tro, bánh gio, bánh âm, bánh nẳng... Bánh có màu vàng đậm do gạo nếp được ngâm từ nước tro đốt bằng củi các loại cây khô, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc, nhân bánh có thể mặn, ngọt hoặc không nhân.
Bánh tro thường ăn với đường hoặc mật. Mỗi vùng có một kiểu gói bánh khác nhau, có nơi gói hình thuôn dài, có nơi gói hình chóp tam giác. Bánh mềm mại vị nhạt tính mát, có màu từ nhạt đến nâu sẫm phụ thuộc loại nước tro sử dụng.
Bánh tro được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ. Nếp làm bánh phải lựa loại đều hạt, thơm và nhất định không được lẫn với gạo tẻ. Nước tro nấu bánh được gạn từ nước tro đốt từ những cây rơm nếp vàng óng. Vì vậy bánh tro theo quan niệm xưa là có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ có tác dụng tiêu tan hết bệnh tật trong người, đồng thời giải nhiệt trong tiết trời oi bức tháng 5.
4. Chè trôi nước
Chè trôi nước được biết đến là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Nam.
Những viên chè tròn được làm từ bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh ăn cùng với nước cốt dừa. Chè có vị béo của đậu xanh, vị ngọt của đường, nước cốt dừa, vị man mát của bột ở ngay đầu lưỡi và mùi thơm hấp dẫn của gừng, nước cốt dừa.
Để nấu món chè trôi nước ngọt ngào không đòi hỏi nhiều công đoạn vất vả, nhọc nhằn, nhưng lại cần sự khéo léo và tinh tế của người làm bếp. Bột được nhồi cho đến khi dẻo và mềm. Khi nặn bánh, người làm chỉ lấy một lượng nếp vừa đủ đặt trong lòng bàn tay rồi dàn mỏng ra, bỏ nhân đậu vào giữa, gói tròn lại và vo trong lòng bàn tay sao cho thật tròn trịa.
5. Thịt vịt
Thịt vịt theo đông y còn có tác dụng bồi bổ cơ thế sau ốm, chữa co giật, hạ nhiệt, giảm mụn nhọt.
Món thịt vịt trước đây được xem là món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Trung, tuy nhiên càng ngày thịt vịt càng phổ biến ở nhiều vùng miền trên cả nước.
Trong khi một số người giải thích rằng, vịt có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng trong những ngày oi bức đầu tháng 5 (âm lịch) thì một số người khác lại cho rằng từ 5/5 (âm lịch) trở đi thịt vịt sẽ béo ngậy, thơm ngon hơn và không còn mùi hôi nữa. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
Minh Di (tổng hợp)