(Tinmoi.vn) Mua sắm Tết thế nào để vừa tiết kiệm nhưng lại vẫn có một cái Tết đầy đủ có lẽ là điều băn khoăn của nhiều người, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại. Dưới đây là một vài mẹo hay có thể sẽ giúp bạn mua sắm Tết một cách tiết kiệm.
Lên danh sách đồ cần mua và quyết tâm không vượt ngân sách
Việc lên kế hoạch tài chính trong dịp Tết rất quan trọng, vì bạn luôn cảm thấy có quá nhiều thứ cần phải mua. Để tránh việc chi tiêu quá đà, chị em cần xác định được trước các khoản như: quà cáp, tiền mừng tuổi nội ngoại, họ hàng, bạn bè, tiền mua sắm đồ đạc, thực phẩm… Sau khi danh sách đã hoàn thành, bạn sẽ dự tính được mình sẽ cần chi bao nhiêu tiền cho mỗi khoản và (nếu có thể), gạt bỏ trong danh sách đó những mục chưa hợp lý.
Với riêng mục những mặt hàng cần mua trong Tết, ngoài việc chốt danh sách bằng những mặt hàng thiết yếu, không thể không có, bạn cũng nên kiểm tra lại trong list xem có món nào bạn đã mua những năm trước có thể tái sử dụng không (ví dụ: hộp đựng mứt, lọ hoa, ly cốc, thảm trải nhà…). Với mẹo liệt kê chi tiết và chỉ tập trung vào những thứ cần mua, cộng thêm sự quyết tâm không vượt hạn mức ngân sách, bạn có thể tránh được tình trạng sa đà, gặp món nào hay hay cũng sà vào mua khi đi sắm Tết.
Tranh thủ mua sắm Tết ngay từ bây giờ
Theo quy luật tất yếu của thị trường, vào những ngày giáp Tết, sức mua tăng lên thì cũng là lúc tất cả các mặt hàng hóa cũng bắt đầu tăng giá chóng mặt.
Tranh thủ mua sắm Tết ngay từ bây giờ để đỡ mệt (Ảnh minh hoạ) |
Bởi thế, nếu có thời gian, bạn nên bắt đầu mua sắm dần ngay từ những ngày trước Tết. Như vậy bạn sẽ tiết kiệm được 1 khoản tiền đáng kể vì thực phẩm lúc này vẫn chưa tăng giá. Chưa kể, bạn sẽ tránh được việc không phải chen lấn khổ sở và vất vả chờ đợi khi mua sắm Tết.
Theo đó, những sản phẩm bạn có thể mua dần trước Tết khoảng 1 tháng phòng trừ tăng giá như: bánh kẹo, chè thuốc, rượu mứt, hoa quả sấy khô, măng, miến…Ngoài ra, bạn có thể mua trước các loại gia vị và đồ gia đình: như đường, muối, nước mắm, nước rửa chén, bột giặt.
Tất nhiên khi mua sắm một số mặt hàng hóa trước Tết, khách hàng nên chú ý xem hạn sử dụng của sản phẩm để đảm bảo hàng hóa vẫn có chất lượng tốt nhất và trong thời hạn sử dụng.
Tranh thủ khuyến mại, săn hàng giá rẻ
Những mặt hàng thường “ngốn” nhiều tiền nhất trong mỗi dịp sắm Tết của các gia đình thường là đồ gia dụng thiết yếu như điều hoà hai chiều, quạt sưởi, lò vi sóng, lò nướng…
Có giá trị cao và thường khiến người mua cân nhắc nhiều nhất, nhưng những mặt hàng này, với nhiều gia đình, là không thể thiếu. Ngoài việc cân nhắc kỹ về thương hiệu, giá trị sử dụng có “đáng đồng tiền bát gạo” hay không, chị em cũng cần tranh thủ “săn” các chương trình khuyến mại của những siêu thị, cửa hàng điện máy.
Dịp gần Tết, các siêu thị, cửa hàng điện máy luôn có những chiêu hút khách bằng giảm giá “khủng” hoặc tặng quà đi kèm khi mua các sản phẩm gia dụng, ví dụ như mua nồi cơm điện tặng bộ ấm trà, mua bếp từ tặng chảo chống dính… nên không khó để bạn có thể mua nhiều đồ cần thiết với giá hợp lý. Tuy nhiên, bạn cũng cần tỉnh táo kiểm tra giá cả ở nhiều nơi trước khi quyết định mua hàng để không bị mua “hớ” hay rơi vào “bẫy” nâng giá lên mây rồi giảm xuống của một số siêu thị.
Nên đi xem hầu hết các mặt hàng rồi mới mua
Khi đi mua sắm hàng Tết, bạn đừng ngại ngần bỏ chút thời gian đi dạo một vòng quanh chợ, siêu thị, cửa hàng để có thể xem xét hết các mặt hàng thiết yếu cần mua, sau đó mới quyết định mua những mặt hàng nào.
Tuyệt đối tránh mua hàng lúc đang vội vã hoặc mua thời điểm mua đã quá cận Tết vì lúc đó bạn sẽ mua phải nhiều thứ không cần thiết với giá đắt đỏ.
Không mua quá nhiều
Nhiều bà nội trợ thường có tâm lý mua thật nhiều thực phẩm, các loại đồ ăn trong dịp tết để phòng trường hợp siêu thị hoặc các chợ chưa mở cửa trở lại. Tuy nhiên, việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong nhiều ngày, nhất là đối với các loại rau xanh, trái cây... sẽ rất dễ dẫn đến thực phẩm khô héo, thối, hỏng, biến dạng, biến chất... Từ đó, việc thu nạp những loại thực phẩm đó vào cơ thể sẽ như chuốc họa vào thân.
Hơn thế nữa, hiện nay các siêu thị đều mở cửa trở lại rất sớm khoảng mồng 2 tết, chứ không lâu như bạn vẫn tưởng. Lời khuyên dành cho bạn là không nên dự trữ quá nhiều đồ ăn, chỉ nên tính toán khẩu phần ăn dành cho gia đình trong 1-3 ngày là tối đa.
Tận dụng những thứ mình có thể tự làm
Một mẹo nữa để có thể tiết kiệm triệt để trong những ngày Tết là tích cực tự chế biến thực phẩm ăn Tết. Nhìn chung, hầu hết các loại thực phẩm ăn Tết như dưa hành, bánh quy, giò tai, bánh chưng, mứt Tết các loại… đều dễ làm, chỉ cần chị em tranh thủ thời gian và khéo tay một chút.
Ví dụ như món nem (chả giò), bạn có thể kêu gọi sự hỗ trợ của ông xã và những em bé của gia đình và bỏ ra một buổi tối để gói, sau đó đóng hộp để vào ngăn đá tủ lạnh; món mứt mất thời gian hơn, bạn có thể dành một tối để sơ chế, ngâm đường và tối hôm sau mới sên mứt… Tự làm thực phẩm Tết vừa có thể giúp chị em tiết kiệm một khoản tiền so với mua hàng sẵn, vừa có thể bảo vệ gia đình trước các mối nguy về an toàn thực phẩm.
Thoa Nguyễn (TH)