Thông tin 'sốc' về vụ 6 người ở Quảng Ninh bị bỏng nặng nhập viện đầy bí ẩn: 'ông trùm' than phỉ 'điều' giang hồ đất Mỏ lên Hà Nội chăm sóc bệnh nhân?
Như tin tức đã đưa, điều bí ẩn xuất hiện trong vụ 6 người đàn ông nghi bị bỏng than liên tục xảy ra. Từ chuyện không tiết lộ nguyên nhân, địa điểm bị bỏng, người đưa nạn nhân đến bệnh viện bỏ đi ngay; đến việc người nhà đang rất cởi mở chia sẻ với báo chí, nhận được điện thoại, họ “bỏ rơi” báo chí. Bí ẩn chưa dừng lại ở đó, thông tin sốc và mới khác là “ông trùm” than phỉ, “điều” giang hồ đất Mỏ lên chăm sóc nạn nhân...?
Nạn nhân được “chăm sóc đặc biệt”?
Nguồn tin riêng của báo, “ông trùm” than phỉ, “sở hữu” lò than gây ra vụ nổ, khiến 6 nạn nhân bị bỏng nặng đã lộ diện. Chính “ông trùm” này đã “điều hành” việc bưng bít thông tin từ người nhà nạn nhân cho cơ quan báo chí. Một cuộc điện thoại, người nhà nạn nhân “bỏ rơi” báo chí chưa làm “ông trùm” này yên tâm. Thông tin mới nhất, gây sốc, sau khi các báo đồng loạt đưa tin, có sự dàn xếp để người thân nạn nhân im lặng, “ông trùm” này đã cử rất nhiều “đàn em” về Hà Nội để chăm sóc nạn nhân cùng người nhà của họ.
Muốn chăm sóc con, chồng, anh... thì phải thực hiện cam kết với “ông trùm” và dưới sự giám sát chặt chẽ của “đàn em” “ông trùm”. Cam kết đó được tiết lộ là có rất nhiều chữ không, đổi lại, nạn nhân được “ông trùm” bao toàn bộ chi phí điều trị; ăn, ở, đi lại của người thân. Ra viện, nạn nhân sẽ có thêm khoản bồi dưỡng. Cụ thể là bao nhiêu, tùy sự “hợp tác và thể hiện” của người thân nạn nhân đối với vụ việc.
Cam kết nhiều chữ không này được giải mã như sau: Không tiếp xúc với báo chí; không “tâm sự” với bác sỹ điều trị; nói không nhớ khi cơ quan điều tra hỏi... Cũng theo nguồn tin riêng này, hiện nay luôn có từ 5 đến 9 “đàn em” của “ông trùm” thay nhau “giám sát, điều hành” việc chăm sóc, điều trị 6 nạn nhân bỏng.
Để “check” độ chính xác của nguồn tin, PV đã lang thang ở viện Bỏng Quốc gia tại quận Hà Đông, Hà Nội. Quả thật, xung quanh 6 nạn nhân này cũng có nhiều chuyện lạ và khá bất thường. Người thân của 6 nạn nhân cũng không nói chuyện hay hỏi thăm nhau. Họ chăm sóc người thân của mình một cách lặng lẽ. Họ rất kiệm lời và có ánh nhìn dò xét, sự sợ sệt khi ai đó hỏi mình. Nói chuyện với bác sỹ để hỏi thăm về bệnh tình của người thân, họ cũng dè dặt, kiệm lời tới mức khó hiểu.
Bằng nhiều cách tiếp cận, chúng tôi cũng có được thông tin cần thiết, qua một người bà con của nạn nhân ở Thái Bình. Người này khẳng định, “ông chủ” của nạn nhân về gia đình nói chuyện và yêu cầu ký vào đơn từ gì đó. Họ cũng hứa, chi tiền điều trị và các chi phí khác với điều kiện “hợp tác” thì “muốn gì được nấy”.
Bệnh nhân được điều trị tại viện Bỏng Quốc gia. |
Tại viện Bỏng Quốc gia, chúng tôi được bác sỹ cung cấp thông tin mang tính ngoài lề rằng, hôm nay (ngày 21/4), 6 bệnh nhân đã qua khỏi cơn sốc, nhưng họ vẫn đang được theo dõi nghiêm ngặt tại tầng hai khoa Hồi sức cấp cứu. Vị bác sỹ này nhấn mạnh với chúng tôi rằng, 6 bệnh nhân chuyển từ Quảng Ninh lên điều trị, lúc nào cũng có người không phải là người thân hỏi về tình hình điều trị; tiên lượng sự tiến triển tích cực của bệnh...
Chính vị bác sỹ này cũng thấy làm lạ rằng, với bệnh nhân bỏng nặng, điều trị ở Viện, người thân luôn giữ mối liên lạc với bác sỹ nhưng đây không phải là người thân mà họ nói là đại diện... Còn đại diện gì, như thế nào, bác sỹ không biết. “Công việc của chúng tôi là điều trị, chúng tôi không quan tâm đến việc khác”, vị bác sỹ nói.
Điều chúng tôi thấy lạ nữa là PV tiếp cận khoa Điều trị "cách ly" của Viện này vô cùng khó khăn. Ngoài giờ thăm, dành cho một người là người nhà bệnh nhân vào và năm phút tiến hành giao ca "mở cửa" thì cánh cửa dẫn đến giường bệnh của các bệnh nhân tầng hai luôn được khoá chặt. Thêm vào đó, những lúc người nhà bệnh nhân vào thăm, luôn có sự giám sát của bác sỹ và hai điều dưỡng, những ai lạ mặt hay không có sự đồng ý của những vị điều dưỡng, đều phải đứng ở ngoài. Điều này hoàn toàn trái ngược với những tầng khác của khoa cấp cứu khi mà mọi người có thể tự do đi lại, trò chuyện ở hành lang và giường bệnh.
Một số người nhà bệnh nhân đang điều trị tại tầng hai này cho biết thêm: "Từ lúc chúng tôi vào đây, khoảng hơn năm ngày trước, cũng có nghe về chuyện những người quê Thái Bình, Quảng Ninh bị bỏng nặng chuyển đến. Người nhà bệnh nhân thường trò chuyện với nhau, nhưng tôi chưa trò chuyện với bất cứ ai trong 6 nạn nhân ở Quảng Ninh chuyển lên. Họ kiệm lời lắm, lúc nào cũng ủ rũ, sợ sệt cái gì đó thì phải".
Lộ diện “ông trùm”?
Vẫn biết tầng hai là tầng bệnh nhân nặng nhất cần sự cách ly, kiểm tra nghiêm ngặt nhưng liệu có phải một phần do có sự xuất hiện của 6 bệnh nhân "đặc biệt" từ Quảng Ninh mà dãy phòng bệnh này được đặt trong diện "cảnh mật"? Khi PV đề cập đến nguyên nhân xảy ra vụ việc, chị Nguyễn Th. Ng. (người nhà của một trong số các nạn nhân) tỏ ra e dè và không nói gì. Từ cái nhìn thì thấy ánh mắt chị lộ rõ sự ái ngại, nói đúng hơn là sự lo sợ. Đối chiếu với sự giám sát "cảnh mật" từ bệnh viện và một số đối tượng lạ mặt, có thể thấy, bên trong sự việc này có những uẩn khúc cần phải làm rõ.
Từ trước đến nay, than phỉ vẫn luôn bị các cơ quan chức năng tiến hành “dẹp”. Tuy nhiên, chẳng cần ai cho phép, chỉ cần biết được địa điểm có than ngầm, một nhóm người được thuê lén lút rồi "hạ trại". Than được đào đến đâu bán đến đó nên nó vẫn luôn âm ỉ diễn ra. Vì sự nghèo khó, những người được thuê đã chấp nhận mọi sự hiểm nguy, sẵn sàng đào sâu và bỏ mạng trong các đường lò tạm bợ mà không một điều kiện nào bảo đảm về sự an toàn tính mạng của họ.
Trong khi đó, dư luận lại đặt ra một vấn đề, không thể xảy ra tình trạng, người ở nơi hoàn toàn xa lạ lại có thể tham gia hoạt động than “thổ phỉ”. Bởi lẽ “đất có thổ công, sông có hà bá”, họ chỉ “làm việc” khi có một “ông trùm” nào đó đứng ra “bảo kê” khai thác than trái phép thuê và họ sẵn sàng... xả thân. Điều này đúng với 6 nạn nhân bị bỏng vừa qua? Thực tế là “ông trùm” giấu mặt đã không từ chối trách nhiệm mà đứng ra “lo toan” mọi chi phí cho bệnh nhân điều trị bệnh. Vì thế, chuyện “kín miệng” của cả đôi bên, do “ông trùm” dàn xếp là có cơ sở?
Thông thường, khi một người bị tai nạn trong quá trình lao động, người nhà nạn nhân sẽ làm “bung bét” sự việc để được chủ lao động đáp ứng những khoản viện phí, bồi thường. Song, trong vụ việc này, người nhà nạn nhân lại e dè khi nói lên sự thật, phải chăng bàn tay “vô hình” đã tác động, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu, khiến cho người thân của các nạn nhân khó mở lời. Và, thế là “ông trùm” không muốn cũng phải lộ diện từ đây...
Sở dĩ những lò than phỉ được khai thác từ năm này sang năm khác, chắc hẳn “ông chủ” đã “làm luật” “đều như vắt chanh”, và thành lập hẳn một “hợp tác xã” để đứng ra lo việc này. “Hợp tác xã than phỉ” được giới than phỉ mới đưa ra, nhằm cải thiện hình ảnh xã hội đen. | |
Đ.Tiến - M.Hà