Tin mới

72.000 cử nhân thất nghiệp “quây” Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Thứ tư, 11/06/2014, 12:20 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Vấn đề 72.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH,CĐ ra trường không xin được việc làm đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ta để chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

(Tinmoi.vn) Vấn đề 72.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH,CĐ ra trường không xin được việc làm đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ta để chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Ra trường là có việc chỉ có ở thời bao cấp

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sáng nay, rất nhiều đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề chất lượng giáo dục đại học và lấy con số khảo sát 72.000 cử nhân thất nghiệp để "truy" nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của Bộ trưởng.

ĐB Thân Đức Nam đặt câu hỏi: “72.000 sinh viên ra trường không có việc làm. Vậy theo Bộ trưởng, nguyên nhân là do cơ cấu chương trình đào tạo bất hợp lý hay đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động? Bộ trưởng có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng trên?”

Trả lời câu hỏi của ĐB Nam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng hiện nay còn yếu kém và nhận trách nhiệm chính về hạn chế này.

72.000 cử nhân thất nghiệp “quây” Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong phiên chất vấn sáng nay (11/6)

Theo Bộ trưởng Luận, hệ quả này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nội dung chương trình, thi cử chủ yếu xuất phát từ khả năng tự có của các trường; quy trình mở trường còn thiếu chặt chẽ, đưa chú trọng nhu cầu thực tế của địa phương; chương trình chưa hội nhập quốc tế, nội dung nặng về kiến thức nhẹ thực hành.

“Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có những biện pháp cải thiện. Cụ thể, Bộ hạn chế thành lập, cải thiện quy trình cấp phép hoạt động, thành lập các trường ĐH,CĐ; khắc phục tình trạng chưa có trường, có thầy đã tuyển sinh. Ngoài ra, Bộ đã có cảnh báo với những ngành có quy mô đào tạo lớn thì không cho các trường mở thêm đồng thời thông báo ưu tiên ngành nghề các địa phương có nhu cầu. Các điêu kiện mở được ngành đào tạo được nâng cao và kiểm tra thường xuyên. Bộ cũng đã và sẽ chủ động rà soát, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo đại học; tạm dừng cấp chứng chỉ sư phạm cho các cử nhân muốn đi dạy và chỉ đạo các cơ sở đào tạo công bố công khai chất lượng đào tạo trên các kênh thông tin đại chúng”, Bộ trưởng Luận nêu các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn của một đại biểu khác, "tư lệnh" ngành giáo dục tiếp tục thừa nhận thực trạng trên. Ông cho biết mỗi năm chúng ta có khoảng 400.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ, trong 5 năm chúng ta có 2.000.000 người tốt nghiệp. Trong số thống kê có hơn 72.000 có bằng tốt nghiệp CĐ-ĐH không có việc làm, tỷ lệ chỉ là 3,6%.

"Vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là vấn đề của thị trường lao động. Chúng ta chỉ khớp được giữa đào tạo và việc làm trong thời kỳ bao cấp, khi anh học ngành nghề gì là do Nhà nước phân công, sau tốt nghiệp anh làm việc ở đâu là do Nhà nước chỉ định. Khi sang cơ chế thị trường, việc đào tạo là cho nhiều thành phần kinh tế. Và khi hình thành thị trường lao động và ngày càng phát triển thì độ chênh và sự không khớp giữa cung và cầu là một thực tế khách quan", ông Luận lý giải thêm.

Cũng liên quan đến chất lượng giáo dục đại học, nhiều đại biểu đã gửi tới Bộ trưởng Luận việc bỏ điểm sàn trong kỳ thi ĐH,CĐ. Phải chắc quyết định này là nhằm cứu các trường không tuyển đủ thí sinh?

Giải đáp thắc mắc, Bộ trưởng Luận khẳng định: “Bộ GD-ĐT không bỏ điểm sàn mà có sự đổi mới. Từ mùa thi năm nay, Bộ không áp một mức điểm sàn mà có nhiều mức, 2-3 mức. Mức sàn thấp hơn không hạ thấp tiêu chuẩn so với năm trước. Thay đổi này nhằm đáp ứng phân tầng đại học với những mức chất lượng khác nhau để qua đó thông báo cho xã hội, học sinh cân nhắc chọn các trường về chất lượng”.

Cũng theo Bộ trưởng Luận, điểm sàn chỉ là giới hạn chất lượng. Hiện, Bộ GD-ĐT đã bỏ cơ chế xin cho, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường căn cứ vào hai tiêu chí số lượng giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất nhà trường.

Bộ trưởng Luận cũng thông tin thêm về việc xác định mức điểm sàn. Theo đó, như những năm trước, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập hội đồng điểm sàn tư vấn cho Bộ trường những mức điểm sàn, tối thiểu, cao hơn căn cứ trên kết quả thi của thí sinh.

Cải cách thi cử chỉ là phần ngọn?

Việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng được nhiều đại biểu QH quan tâm và yêu cầu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải việc rút thi 6 môn xuống 4 môn, bỏ ngoại ngữ là môn thi bắt buộc….

ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm, Yên Bái đặt vấn đề: Phải chăng cải cách thi cử chỉ là phần ngọn. Tại sao chưa cải cách chương trình đã cải cách thi cử?. Vì sao Bộ GD-ĐT lại quyết định ngoại ngữ là môn thi tự chọn?.

Trả lời chất vấn của ĐB Nhiệm, Bộ trưởng Bộ GD cho rằng, vấn đề thi cử và việc day, học có tác động đến nhau. Chỉ có điều, thay đổi sao cho phù hợp, không làm đột ngột để người học không bị sốc.

“Thay đổi thi cử đang theo hướng chuyển từ kiếm tra kiến thức học thuộc lòng sang kiểm tra kiến thức vận dụng. Từ kiếm tra kiến thức từng bài đến kiểm tra kiến thức tổng hợp, cả kiến thức xã hội, chính trị. Sau kỳ thi, nhiều thầy cô giáo đã nhận ra rằng phải thay đổi cách dạy cách học như thế nào cho phù hợp”, Bộ trưởng Luận nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong quá trình điều hành, điều chỉnh chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục xác định, đổi mới thi cử là biện pháp đột phá. Bên cạnh việc thiết kế cách dạy, học và thi mới phù hợp với bộ chương trình mới vẫn phải điều chỉnh việc dạy, học, thi cử phù hợp với chương trình hiện hành. Thay đổi cách thi sẽ lan toả đến thay đổi cách dạy, cách học của giáo viên, học sinh hiện nay.

Giải đáp quyết định bỏ thi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “Chủ trương nhất quán của Bộ là phải đẩy mạnh việc dạy, học ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đề án đổi mới giáo dục toàn diện, thấy rằng cách dạy học ngoại ngữ hiện nay không giống ai trên thế giới. Dạy học chủ yếu là ngữ pháp nên học hết phổ thông cũng không nói được, người ta nói nghe cũng không hiểu được”.

Cũng theo Bộ trưởng Luận, hệ quả trên một phần là do đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ ở phổ thông không chuẩn. Nhiều học sinh đi học ở các trung tâm bên ngoài về nói chuẩn thi cô lại chê.

“Từ phân tích trên chúng tôi xác định phải thay đổi cách dạy, cách học rồi mới tăng tốc. Hơn nữa, trước đây khi nói là thi ngoại ngữ là môn bắt buộc cũng không phải là bắt buộc hoàn toàn vì những nơi chưa có điều kiện được thi môn thay thế. Thời gian tới các trường sẽ phải thay đổi cách dạy, cách học sau đó mới đưa vào bắt buộc”, Bộ trưởng Luận nêu quan điểm. 

Hoàng Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news