85 người giàu nhất trên thế giới tích lũy được số tài sản bằng một nửa dân số thế giới - các nhà lãnh đạo chính trị và tài chính đã được cảnh báo trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới Davos được tổ chức thường niên ở Thụy Sĩ giữa tuần này.
Ông trùm viễn thông Mexico - Carlos Slim Helu, người giàu nhất thế giới với 73 tỉ USD.
|
Theo một phân tích mới nhất của tổ chức Oxfam, chỉ một bộ phận rất rất nhỏ các nhà đại tỉ phú, ước chừng ngồi đủ chiếc xe buýt 2 tầng, đã nắm giữ số tài sản tương đương với tài sản của 3,5 tỉ người nghèo nhất thế giới cộng lại. Oxfam cho rằng, tác động “ác tính” của khoảng cách ngày càng rộng hơn giữa những người siêu giàu và hàng trăm triệu người khác, có thể gây ra bất ổn xã hội.Theo đó, 85 người giàu nhất thế giới có tổng tài sản trị giá 1,7 nghìn tỉ USD. Đứng đầu danh sách này là ông trùm viễn thông người Mexico - Carlos Slim Helu, với tài sản ròng do tạp chí danh tiếng Forbes ước tính khoảng 73 tỉ USD. Ngay sát phía sau là nhà sáng lập Microsoft - Bill Gate, với tài sản ròng trị giá 67 tỉ USD. Bill Gate là một trong số 31 người Mỹ có mặt trong danh sách các ông trùm giàu nhất thế giới.
Bên cạnh đó, phải kể đến những cái tên nổi danh khác như nhà tài phiệt kinh doanh đầu tư Warren Buffett với 53,5 tỉ USD, Larry Page - đồng sáng lập Google - với 23 tỉ USD. Người phụ nữ giàu nhất thế giới, Liliane Bettencourt, nắm giữ 30 tỉ USD từ nhãn hàng mỹ phẩm L'Oreal danh tiếng của gia đình. Theo tạp chí Forbes, người giàu nhất nước Anh (đứng thứ 89 thế giới) là Công tước xứ Westminster, ông trùm bất động sản với 11,4 tỉ USD.
Theo tính toán của Oxfam, gần một nửa số tài sản của thế giới - 110 nghìn tỉ USD - được sở hữu bởi 1% dân số. 70% số người sống ở các quốc gia, nơi khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng trong vòng 30 năm qua. Oxfam cho rằng, sự tập trung nguồn lực kinh tế trong tay một số ít người, là một mối đe dọa đáng kể đối với các hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị.
Winnie Byanyima, giám đốc điều hành Oxfam, người tham gia Diễn đàn Kinh tế Davos, mô tả hố ngăn cách giữa các lĩnh vực xã hội bằng từ “đáng kinh ngạc”. “Chúng ta không thể hy vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo mà không giải quyết vấn đề bất bình đẳng. Bất bình đẳng gia tăng đang tạo ra một vòng luẩn quẩn, nơi mà sự giàu có và quyền lực ngày càng tập trung vào tay một nhóm nhỏ” - bà Byanyima nói.
Oxfam kêu gọi các nhà lãnh đạo tài chính dự Diễn đàn Kinh tế Davos ủng hộ hình thức thuế lũy tiến và không né tránh các khoản thuế phải nộp của chính họ, không được sử dụng tài sản để tìm kiếm sự ủng hộ chính trị, đồng thời yêu cầu các công ty mà họ điều hành hoặc sở hữu phải chi trả người lao động mức lương đủ sống.
Trong một báo cáo tuần trước, diễn đàn cảnh báo rằng sự chênh lệch thu nhập dẫn đến bất ổn xã hội, có thể gây tác động đáng kể đến nền kinh tế thế giới trong 12 tháng tới. Báo cáo cho hay, thế hệ những người trẻ tuổi có khả năng mất hoặc khó kiếm việc làm. Điều này có thể dễ dàng kích động các cuộc biểu tình chống tham nhũng và bất bình đẳng. Bà Jennifer Blanke, chuyên gia kinh tế trưởng của diễn đàn nói rằng, sự bất bình đẳng có thể dẫn đến sự tan rã của một xã hội, nhất là khi những người trẻ tuổi cảm thấy họ không có tương lai.
Tình trạng trì trệ, giảm phát và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, là những chủ đề thảo luận chính tại Diễn đàn Kinh tế Davos lần này. Giới tinh hoa chính trị, kinh tế và học giả cùng đưa ra những sáng kiến và bàn thảo trong bối cảnh kinh tế thế giới có vẻ sáng sủa hơn so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, Giám đốc IMF Christine Lagarde nhắc lại cảnh báo rằng, các nước phát triển đang đối mặt với vấn đề giảm phát. “Nếu lạm phát là “thần”, thì giảm phát là “quỷ”, và cần phải được giải quyết triệt để...” - bà Lagarde phát biểu từ Washington, với hàm ý nhắc tới chỉ số lạm phát hàng năm ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu chỉ ở mức 0,8%.