Mỹ và Trung Quốc nhận thức về vấn đề Biển Đông trong những điều kiện khác hẳn nhau. Có 6 điều mà 2 nước "ăn miếng trả miếng nhau" dẫn tới quan hệ song phương trở nên căng thẳng.
6 điều Mỹ - Trung đang "ăn miếng trả miếng" tại Biển Đông (P1)
Các tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke: USS John S. McCain (DDG 56), USS Kidd (DDG 100) và USS Stethem (DDG 63) hoạt động tại Biển Đông ngày 7/7/2014. Ảnh :US Navy |
Ý định, mục tiêu, và động cơ
Có sự phân chia nhận thức sâu sắc trong ý định, mục tiêu và động cơ chiến lược của mỗi nước.
Trung Quốc coi các tuyên bố và hành động của Mỹ (đặc biệt là chiến dịch tự do hàng hải - FONOFS - của Mỹ bị Bắc Kinh xem như sự leo thang mạnh) chứng tỏ tham vọng của Mỹ nhằm bao vây, "kiềm chế" Trung Quốc, hạn chế Trung Quốc triển khai sức mạnh tới vùng biển ở ngoài khơi phía nam của họ, thúc đẩy Mỹ "bá chủ" hoặc chiếm ưu thế tại vùng biển ở Đông Nam Á và nghiêng về phía các đồng minh cũng như đối tác của Mỹ trong khu vực, như Philippines.
Tóm lại, Trung Quốc coi hành vi của Mỹ tại Biển Đông là sự gây hấn và được tạo ra để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc (về bản chất). Việc vận hành nguyên tắc "xoay trục" hay tái cân bằng châu Á của Mỹ cũng bị Trung Quốc xem như vậy.
Trong khi đó, Trung Quốc xem những hành động của họ tại Biển Đông là hoàn toàn ôn hòa. Ví dụ như, các quan chức Trung Quốc giải thích rằng những nỗ lực của họ tại Biển Đông được thúc đẩy bởi mong muốn tăng cường khả năng hỗ trợ nhân đạo của họ tại vùng biển này, để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và khí tượng.
Một lần nữa, Mỹ lại thấy tình hình hoàn toàn khác. Mỹ nhận thức hành động của Trung Quốc không hề ôn hòa mà quyết đoán, thậm chí hung hăng. Trong quan điểm của Mỹ, Trung Quốc thông qua những hành động quyết đoán ấy (ví dụ như nỗ lực cải tạo đất ngang ngược, trơ trẽn; quân sự hóa tại ít nhất một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa...) tại Biển Đông là cố để đạt được một số mục tiêu: triển khai sức mạnh quân sự tới vùng biển quan trọng đối với thương mại quốc tế; củng cố và tăng cường các yêu sách của mình, hạn chế tiếp cận các nguồn tài nguyên phong phú tại Biển Đông (thủy sản, năng lượng và khoáng sản); tạo ra "chiều sâu chiến lược" tại vùng biển ở ngoài khơi phía nam; đe dọa các nước láng giềng nhỏ hơn như Việt Nam, Philippines cũng như Malaysia, Brunei, Đài Loan; và để kiểm tra hoặc ít nhất là làm phức tạp những nỗ lực để hoạt động quân sự của Mỹ tại vùng biển này.
Đồng thời, Mỹ xem động cơ của mình là lành tính và tập trung hoàn toàn vào 2 mục tiêu Chính sách chính đáng: đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông để duy trì và đảm bảo tranh chấp được giải quyết trong hòa bình. Mỹ mạnh mẽ phủ nhận hành động của mình được thúc đẩy vì muốn kiềm chế Trung Quốc hoặc ngăn chặn những tham vọng của họ.
Ai là kẻ xúi bẩy tại Biển Đông?
Có khoảng cách lớn giữa Mỹ và Trung Quốc đối với câu hỏi: Ai kích ai? Ai đóng vai trò xúi giục? Ở đây, 2 nước nhìn vào (phần lớn) những sự kiện giống nhau nhưng lại nhìn theo những cách khác nhau hoàn toàn.
Trung Quốc tin rằng chính Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đang phá vỡ sự cân bằng bấp bênh bằng những tuyên bố và hành động mới gây mất ổn định, khiêu khích và vô trách nhiệm.
Ví dụ, Trung Quốc chỉ ra cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton năm 2010 đã tuyên bố "Mỹ, giống như các nước, có lợi ích trong tự do hàng hải, tự do tiếp cận với vùng biển chung tại châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông (nhấn mạnh)". Gần đây hơn, các chiến dịch tự do hàng hải đã đưa các tàu hải quân Mỹ tới vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ. Những người phát ngôn của Trung Quốc đã đổ trách nhiệm lên Mỹ (cũng như Philippines,Việt Nam) cho những căng thẳng liên quan tói Biển Đông. Ngược lại, Bắc Kinh xem hành động của mình là lành tính và phần lớn là phù hợp với thực tiễn từ trước tới nay.
Mỹ có quan điểm ngược lại. Các quan chức Mỹ nói rằng những tuyên bố, hành động của Mỹ là đáp trả trực tiếp và tương xứng với sự khiêu khích, chệch hướng trong chính sách của Trung Quốc. Và Mỹ chứ không phải Trung Quốc đang trong chế độ phản ứng. Họ chỉ ra những hành động không giới hạn như Trung Quốc đưa giàn khoan (kèm đội tàu lớn trong đó có tàu quân sự) tới vùng biển của Việt Nam năm 2014; việc cải tạo đất với quy mô lớn và thậm chí là quân sự hóa các thực thể tại quần đảo Trường Sa; họ cũng chỉ ra những động thái nguy hiểm ở trên không và trên biển của Trung Quốc tạo ra những cuộc đối đầu rất gần.
Trước mắt, mỗi bên đều tin rằng hía bên kia là kẻ chủ mưu cho những căng thẳng gần đây. Cả Mỹ và Trung Quốc đều tin rằng họ đang phản ứng lại những khiêu khích của phía kia.
Vai trò của Philippines và Việt Nam
Trung Quốc và Mỹ có quan điểm rõ ràng tương tự nhau về vai trò của Philippines và Việt Nam trong sự phát triển gần đây tại Biển Đông.
Trung Quốc xem cả 2 nước như kẻ xúi giục, "kẻ gây rối" tại Biển Đông. Trong khi Trung Quốc tự nhận mình đã kiềm chế khi đối mặt với những hành động khiêu khích của 2 nước.
Đối với quan hệ của 2 nước với Mỹ, Trung Quốc xem đó là quan hệ nước nhỏ đang cố bám nước lớn. Tương tự, Bắc Kinh coi Washington đang bị thao túng bởi Philippines và Việt Nam. Đôi khi, Trung Quốc coi Mỹ đang vô tình hoặc cố tình khích động Philippines và Việt Nam để 2 nước tự tin hơn chống lại những hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Về phần mình, Mỹ xem Philippines là đồng minh, Việt Nam là đối tác mới nổi. Hai nước có yêu sách tại Biển Đông và bị bắt nạt bởi người hàng xóm lớn hơn, mạnh hơn rất nhiều - Trung Quốc. Mỹ thấy rằng chính Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam hay Philippines, mới là kẻ gây mất ổn định chính tại Biển Đông trong những năm gần đây. Hơn nữa, Mỹ coi mình là một động lực để kiềm chế khu vực chứ không phải là người khởi tạo như Trung Quốc chỉ ra. Cuối cùng, Mỹ nhận thấy mình có thể tăng cường quan hệ với 2 nước này cùng lúc đối đầu với Trung Quốc một cách đáng kể và hiệu quả.
Phán quyết 12/7 của Tòa trọng tài Thường trực
Có một sự rạn nứt lớn trong nhận thức và quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA)
Như đã nói ở trước, phán quyết này bác bỏ triệt để tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông, ủng hộ Philippines. Vụ kiện này được Manila trình lên tòa vào năm 2013 sau khi hải quân Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough ở ngoài khơi Philippines. Quan điểm và nhận thức của Trung Quốc trong vụ kiện lên PCA là Philippines không có quyền đưa vụ kiện này ra tòa trước và PCA không có thẩm quyền đối với vấn đề này, phán quyết của PCA ngày 12/7 "vô giá trị và vô hiệu lực".
Mỹ lại coi Philippines có quyền đưa vụ kiện này ra tòa và PCA có thẩm quyền đối với các vấn đề này. Hơn nữa, Mỹ coi phán quyết của PCA là hợp lệ, hợp pháp. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố phán quyết ngày 12/7 "là quyết định của tòa án có ràng buộc pháp lý, trước đó chúng tôi đã kỳ vọng nó được đưa ra và sau khi được đưa ra thì tất cả các bên tranh chấp tuân thủ theo".
Kết luận
Nếu không tìm hiểu sâu hơn nhận thức chiến lược lẫn nhau thì cả Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể tiến tới giải quyết được tranh chấp tại Biển Đông, tình hình tại khu vực sẽ chỉ thêm căng thẳng.
Bảo Linh (The Diplomat)