Mỹ và Trung Quốc nhận thức về vấn đề Biển Đông trong những điều kiện khác hẳn nhau. Có 6 điều mà 2 nước "ăn miếng trả miếng nhau" dẫn tới quan hệ song phương trở nên căng thẳng.
Ít nhất là trong năm vừa qua, chưa có một vấn đề nào lại thống trị chương trình nghị sự song phương Mỹ - Trung hơn Biển Đông. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc không có lập trường chính thức xung đột nhau về vấn đề này (khác với Trung Quốc, Mỹ không có bất cứ yêu sách nào đối với lãnh thổ hay vùng biển tại Biển Đông và cũng chẳng có lập trường đối với vấn đề chủ quyền tranh chấp) nhưng 2 nước lại có những căng thẳng song phương leo thang, có vẻ là do việc "ăn miếng trả miếng" không lay chuyển mà ra.
Các tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke: USS John S. McCain (DDG 56), USS Kidd (DDG 100) và USS Stethem (DDG 63) hoạt động tại Biển Đông ngày 7/7/2014. Ảnh :US Navy |
Ngày 12/7, Tòa trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague đưa ra phán quyết đối với vụ kiện Biển Đông do Philippines đệ trình. Theo đó, phán quyết đứng về phía Philippines, tuyên bố những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở lịch sử hay pháp lý. Việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết này (cùng với quá trình tranh tụng) càng làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông.
Trong khi Mỹ và Trung Quốc đều có những những bước đi để xuống thang trong những tuần gần đây thì hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng vấn đề Biển Đông vẫn sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự Mỹ - Trung (cũng như trong các chương trình nghị sự Chính sách ngoại giao Đông Á và Đông Nam Á) trong nhiều năm tới, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ tới. Và, quả thật là một số nước coi Biển Đông như một thử thách có thể dẫn tới xung đột quốc tế lớn, thậm chí là chiến tranh thế giới.
Khi cho rằng Mỹ và Trung Quốc vốn không có yêu sách xung đột tại Biển Đông, vậy thì một câu hỏi được đặt ra là: chính xác điều gì đang khiến 2 nước bất đồng?
Về phần mình, Mỹ chưa bao giờ không thừa nhận chính thức các yêu sách của Trung Quốc, cũng như đối với 5 nước có yêu sách còn lại. Từ vị trí của một nước trung lập, Mỹ chỉ thúc giục Trung Quốc (và 5 bên tranh chấp khác) giải quyết những tranh chấp đnag tồn tại một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế để duy trì trật tự, ổn định và tự do hàng hải tại vùng biển quan trọng này.
Trong khi đó, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không có ý định hay mong muốn cản trợ tự do hàng hải tại Biển Đông. Tương tự, họ cũng cam kết vì hòa bình và ổn định tại khu vực. Nói rộng hơn, Mỹ đã nói rõ là họ hoan nghênh một Trung Quốc mạnh mẽ, thịnh vượng. Còn Trung Quốc công khai bày tỏ đánh giá cao sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vai trò quan trọng, duy nhất của Mỹ trong việc duy trì ổn định tại đây.
Tuy nhiên, đây hiển nhiên là sự tập hợp của học thuyết và những lập trường công khai, che kín một thực tế không được hòa hợp. Đó là: Có một khoảng cách rộng lớn và thực sự tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhận thức chiến lược đối với hầu hết các khía cạnh của vấn đề Biển Đông. Những nhận thức khác nhau này, ngang ngửa hoặc hơn bất cứ hành động cụ thể nào mà Mỹ và Trung Quốc đã nói hoặc làm, dường như giải thích cho "sự bế tắc" hiển nhiên trong quan hệ song phương Mỹ - Trung.
Bất kỳ nỗ lực có ý nghĩa nào để giải quyết tranh chấp Biển Đông (hoặc chí ít là khiến tình trạng bớt căng thẳng hơn) thì cũng hiệu quả khi bắt đầu bằng việc vạch ra sự khác biệt trong nhận thức chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đối với các mặt của vấn đề Biển Đông.
Dưới đây là những điểm khác biệt trong nhận thức của Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông được tác giả David J. Firestein, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, hiện đang làm việc tại Viện Đông Tây đưa ra trên tờ The Diplomat.
1. "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc
Có lẽ, khoảng cách nhận thức cơ bản nhất giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh định nghĩa thực tế và mức độ rõ ràng của yêu sách mà Trung Quốc tuyên bố tại Biển Đông.
Về phía Trung Quốc, tuyên bố của họ tại Biển Đông - được mô tả bởi cái gọi là "đường 9 đoạn", chiếm tới 86% diện tích bề mặt toàn bộ Biển Đông - được Bắc Kinh khăng khăng là có căn cứ lịch sử vững chắc và chỉ rõ là hiển nhiên, không thể chối cãi.
Ngược lại, Mỹ (cùng nhiều nước khác, từ các bên tranh chấp đến không tranh chấp) nhận thức "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là không rõ ràng, mập mờ cả về lịch sử lẫn pháp lý. Ví dụ như các quan chức Mỹ không rõ Trung Quốc đang muốn khẳng định cái gì: toàn bộ lãnh thổ và vùng biển bên trong đường 9 đoạn; hay tất cả các thực thể nổi bên trong đường 9 đoạn cộng thêm các dải biển mà các thực thể ấy kéo theo như trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) (Ví dụ như trong một số trường hợp, 12 hải lý lãnh hải và 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế); hay chỉ có những thực thể nổi chứ không phải vùng biển lân cận; chỉ có những thực thể có thể đòi yêu sách theo UNCLOS chứ không phải những thực thể nổi hay vùng biển khác; hay một số cấu hình đất/biển khác. Miễn là những câu hỏi cơ bản như thế này chưa có đáp án (ít nhất là đáp ứng được 1 trong 2 phía chứ chưa nói đến các bên có tranh chấp khác) thì vẫn khó để tưởng tượng được việc thực hiện hiểu biết chung bền vững giữa Mỹ - Trung đối với vấn đề Biển Đông.
2. Lịch sử và luật pháp (UNCLOS)
Một rạn nứt nhận thức cơ bản khác giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến cơ sở hợp pháp của bất cứ tuyên bố chủ quyền nào hiện nay.
Trung Quốc có quan điểm rằng lịch sử là sự xác thực sau cùng và lịch sử là con át chủ bài đối với luật pháp quốc tế đương đại trong trường hợp cả 2 bên có xung đột. Trung Quốc chỉ rõ rằng khi họ ký tuyên bố năm 1996 (phê chuẩn UNCLOS) và một lần nữa vào năm 2006, các yêu sách lãnh thổ và hàng hải theo lịch sử của họ đã bị các bên khác xem là không phù hợp với điều khoản của UNCLOS và tương ứng là loại bỏ những quy định giải quyết tranh chấp theo UNCLOS.
Mỹ, mặc dù không phải là bên phê chuẩn UNCLOS, nhưng việc tuân thủ các điều khoản của nó lại là vấn đề khi thiết lập chính sách của Mỹ có từ thời tổng thống Reagan. Cơ bản hơn, Mỹ thường tôn trọng luật pháp quốc tế đã được phê chuẩn (ví dụ như luật mà một nước đã chọn thông qua, trong trường hợp này chính là UNCLOS) có sức nặng hơn lịch sử trong việc xác định tính hợp lệ của các loại tuyên bố chủ quyền.
Nói tóm lại, Trung Quốc coi những tuyên bố của họ tại Biển Đông được miễn khỏi quyền hạn của UNCLOS theo cơ sở lịch sử. Còn Mỹ cho rằng các yêu sách tại Biển Đông là đối tượng mà UNCLOS quản lý, không phân biệt lịch sử. Chính sự khác biệt trong nhận thức này gây ra xích mích đáng kể giữa 2 nước đối với vấn đề này.
(Còn nữa)
Bảo Linh (The Diplomat)