Trong khi tên lửa hành tình Kalibr của Nga tiếp tục gây chú ý tại Syria thì ở phía bên kia địa cầu, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đang phát triển những vũ khí tấn công chính xác tầm xa.
Các nhà thiết kế Trung Quốc đang hy vọng phát triển loạt tên lửa hành trình mô đun, có thể ngang sức với tên lửa Block IV Tomahawk của Hải quân Mỹ, bao gồm cả khả năng nhắm mục tiêu trên máy bay.
Trung Quốc đang thiết kế loại tên lửa hành trình tương đương hoặc vượt trội với tên lửa Tomahawk của Mỹ. Ảnh minh họa: National Interest |
Trả lời phỏng vấn tờ China Daily, ông Wang Changqing, giám đốc Bộ phận Thiết kế Tập đoàn công nghiệp và khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết: "Những tên lửa hành trình tương lai của chúng tôi sẽ có trí tuệ nhân tạo và tự động hóa mức độ cao. Chúng sẽ cho phép chỉ huy kiểm soát theo thời gian thực hoặc sử dụng chế độ phóng và quên, hay thậm chí là bổ sung thêm nhiệm vụ cho các tên lửa trên máy bay".
Nhưng Trung Quốc không vừa lòng với việc phát triển một phiên bản tên lửa hành trình thế hệ tiếp theo duy nhất. Tên lửa mới sẽ được phát triển như một vũ khí mô đun, có thể được thiết kế cho những ứng dụng cụ thể - tương tự như khái niệm với tên lửa Kalibr của Nga (được tạo ra với nhiều biến thể cho từng loại sứ mệnh khác nhau). "Chúng tôi dự định áp dụng một cách tiếp cận "cắm và chạy" trong việc phát triển những tên lửa hành trình mới. Điều này sẽ cho phép các chỉ huy quân đội của chúng tôi điều chỉnh các tên lửa phù hợp với điều kiện chiến đấu và yêu cầu cụ thể của họ", ông Wang nói với phóng viên bên lề Diễn đàn Hiwing 2016 tại Bắc Kinh.
Tờ China Daily dẫn lời một nhà nghiên cứu cấp cao Trung Quốc cho biết nước này đang hy vọng phương pháp tiếp cận mới sẽ giúp giảm chi phí nghiên cứu và phát triển vũ khí cũng như giảm chi phí bảo dưỡng. Phương pháp này cũng phải đủ để PLA linh hoạt hơn trong việc triển khai vũ khí. "Đây là cách tiếp cận đầy hứa hẹn đối với việc thiết kế các tên lửa thế hệ tiếp theo. Nhưng chúng tôi cũng nên xem lại mức độ phức tạp về mặt công nghệ và giá thành sản xuất", nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết.
Thực tế thì Bắc Kinh đang theo đuổi khả năng tấn công tầm xa dẫn đường chính xác tiên tiến, ít nhất cũng phải ngang hàng với các sản phẩm của Mỹ và điều này không có gì đáng ngạc nhiên. PLA đã có một loạt các tên lửa đạn đạo và hành trình tiên tiến đã được đưa vào sử dụng hoặc đang phát triển - nổi bật nhất là DF-21D, DF-26 và DH-10. Thật vậy, trong khi các tên lửa đạn đạo như DF-26 thường thu hút được sự chú ý thì các tên lửa hành trình đủ để Bắc Kinh có được đợt tấn công tầm xa hiệu quả và mạnh mẽ.
Trong một bài viết trên tờ Popular Mechanics’ Eastern Arsenal, 2 nhà phân tích Peter Singer và Jeffrey Lin cho rằng: "Những tên lửa hành trình của họ là một số loại vũ khí nguy hiểm, tàng hình và linh hoạt nhất mà PLA mang đi bán".
"Các tên lửa hành trình có nhiều lợi thế hơn các tên lửa đạn đạo. Chúng có thể được cập nhật về những thay đổi trên chiến trường trong chuyến bay, bay thấp khiến chúng tàng hình trước radar phòng không và động cơ phản lực tiết kiệm nhiên liệu cho phép tên lửa hành trình nhẹ hơn, rẻ hơn so với các tên lửa đạn đạo tương ứng".
Trong khi DH-10 được cho là có khả năng tương tự như những phiên bản trước đó của Tomahawk hoặc AGM-86C/D CALCM của Không quân Mỹ thì tên lửa thế hệ tiếp theo của Trung Quốc dường như tương xứng hoặc vượt trội hơn so với những tên lửa Tomahawk Block IV mới nhất. Do đó, Lầu Năm Góc sẽ phải đầu tư nhiều vào khả năng phòng thủ để chống lại những vũ khí như thế này và tiếp tục phát triển phiên bản kế tiếp của Tomahawk và CALCM.
Quan trọng hơn, những tiến bộ của Trung Quốc chứng minh tại sao Lầu Năm Góc phải tiếp tục đẩy mạnh chiến lược bù đắp lần thứ ba (Third Offset strategy) để duy trì thế dẫn đầu của Mỹ trước những đối thù tiềm năng. Rõ ràng là những đối thủ tiềm năng lớn của Mỹ đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách công nghệ, điều mà quân đội Mỹ đã gần như thống trị trên chiến trường hiện đại kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Bảo Linh (National Interest)