Các nhà khoa học từ Trung tâm Ứng phó bệnh tật Australia cho biết SARS-CoV-2 "cực khỏe", tồn tại đến 28 ngày trên các bề mặt nhẵn như kính màn hình điện thoại và tiền nhựa ở nhiệt độ phòng hoặc 20 độ C. Trong khi đó, virus cúm chỉ tồn tại 17 ngày.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Virology, khả năng sống sót của virus giảm xuống một ngày ở 40 độ C trên một số bề mặt. Phát hiện này dã bổ sung thêm bằng chứng là virus corona gây ra bệnh Covid-19 tồn tại lâu hơn trong thời tiết mát mẻ. Do đó, vào mùa đông dịch bệnh khó kiểm soát hơn mùa hè. Nghiên cứu cũng giúp dự đoán chính xác hơn và giảm thiểu sự lây lan của đại dịch.
"Các kết quả của chúng tôi cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm trên các bề mặt trong thời gian dài, củng cố nhu cầu thực hiện tốt các biện pháp làm sạch bề mặt và rửa tay thường xuyên", Debbie Eagles, phó giám đốc trung tâm cho biết.
Virus corona có xu hướng tồn tại lâu hơn trên những bề mặt nhẵn hoặc không xốp so với các bề mặt xù xì và bông xốp (chẳng hạn như bông). Trong nghiên cứu, các chuyên gia đã làm khô virus corona trong một chất nhầy nhân tạo trên các bề mặt khác nhau, ở nồng độ tương tự như các mẫu được lấy từ bệnh nhân. Sau đó, virus được cô lập trong vòng 1 tháng. Nghiên cứu cũng được thực hiện trong bóng tối để loại bỏ ảnh hưởng của tia cực tím. Bởi theo các chuyên gia, ánh nắng mặt trời trực tiếp có thể nhanh chóng làm bất hoạt virus.
"Mặc dù vai trò chính xác của sự lây nhiễm trên bề mặt, mức độ tiếp xúc bề mặt và số lượng virus cần thiết để lây nhiễm vẫn chưa được xác định, nhưng việc xác định thời gian virus này tồn tại trên các bề mặt là rất quan trọng để phát triển các chiến lược giảm thiểu rủi ro những khu vực tiếp xúc nhiều", ông Eagles nói.
Việc virus tồn tại lâu trên các bề mặt kính là một phát hiện quan trọng bởi những thiết bị màn hình cảm ứng như điện thoại, máy ATM, quầy thanh toán tự phục vụ ở siêu thị và ki-ốt làm thủ tục tại sân bay là những bề mặt cảm ứng không được làm sạch thường xuyên. Do đó, nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở những nơi này là rất cao.
Họ phát hiện thời gian tồn tại của SARS-CoV-2 lâu hơn so với cúm mùa trên tiền giấy. Điều này có ý nghĩa đặc biệt, giúp xem xét tần suất lưu hành tiền và khả năng lây nhiễm giữa các cá thể cũng như giữa các vị trí địa lý.
Trung Quốc bắt đầu khử khuẩn trên tiền giấy vào đầu năm nay. Khi đó, họ cho rằng có sự lây nhiễm thông qua tiền mặt. Mỹ và Hàn Quốc cũng từng kiểm dịch tiền mặt do đại dịch.
Các tác giả nghiên cứu cho biết sự tồn tại của virus corona trên thép không rỉ ở nhiệt độ thấp có thể giải thích sự bùng dịch Covid-19 liên quan đến các cơ sở chế biến thịt và bảo quản đông lạnh. Dữ liệu của họ ủng hộ những phát hiện cho thấy SARS-CoV-2 tồn tại trên thực phẩm tươi sống cũng như đông lạnh.
Từ việc hiểu biết về thời gian tồn tại của Covid-19, các nhà khoa học hy vọng đó sẽ cơ sở để giải quyết nguy cơ lây nhiễm tốt hơn.