Một trang web đen tại Nhật Bản đã sử dụng hình ảnh đương kim hoa hậu Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ Duyên cho mục đích xấu.
Trang web này chọn những tấm ảnh gợi cảm của người đẹp kèm dòng chữ: “Kỳ Duyên là diễn viên nổi tiếng, một ngày có thể ngủ với 50 người đàn ông”. Tấm poster lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người bất ngờ và bức xúc.
Kỳ Duyên cho biết, cô đã sốc khi xem những bức ảnh của mình bị cắt ghép để làm poster quảng cáo cho bìa đĩa sex và phòng khám dành cho nam giới lớn tuổi tại Nhật Bản.
Hình ảnh của Kỳ Duyên bị lợi dụng nhằm mục đích xấu. Ảnh Internet |
Để hiểu rõ hơn về những vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa được sự đồng ý của người đó là hành vi bị cấm. Bộ luật dân sự 2005 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ và được cụ thể hóa bằng các quy định tại Điều 31, Bộ luật Dân sự năm 2005 “cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”.
Đây là sự khẳng định của nhà nước về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của bản thân mình. Theo quy định này, cá nhân có quyền được phép sử dụng hình ảnh của mình, quyền cho người khác sử dụng hình ảnh của mình, quyền được bảo vệ đối với hình ảnh của cá nhân trước những hành vi sử dụng hình ảnh trái phép.
“Điều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Trường hợp các cá nhân ở Việt Nam có hành vi sử dụng hình ảnh xuyên tạc của Hoa hậu Kỳ Duyên cho các web “đen”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của Kỳ Duyên thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện như sau:
“Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Theo đó, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, xúc phạm, vu khống là nghiêm trọng, và có đủ căn cứ, thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng tại Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009:
“Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
“Điều 122. Tội vu khống
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
d) Đối với ông bà, cha mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Ngoài ra, Hoa hậu Kỳ Duyên còn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo quy định của BLDS như sau:
“Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.
Hoa hậu Kỳ Duyên. Ảnh Internet |
Riêng đối với việc hình ảnh của cô hoa hậu bỗng dưng xuất hiện trên bìa một số băng đĩa sex và trên poster quảng bá cho một phòng khám nam giới ở Nhật Bản thì ngoài các quy định của pháp luật Việt Nam, việc xử lý còn phải căn cứ vào các điều ước quốc tế, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Nhật Bản về việc xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Thường thì những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật có yếu tố nước ngoài xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì trước tiên cần phải xử lý bằng con đường ngoại giao, sau đó mới vận dụng các quy định pháp luật của nước hữu quan, các điều ước quốc tế để giải quyết.
Ngoài việc trình báo sự việc cho cơ quan công an xem xét giải quyết, Hoa hậu Kỳ Duyên có thể thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để trình bày vấn đề và đề xuất yêu cầu xử lý vụ việc.
Trong vụ việc hình ảnh của hoa hậu Kỳ Duyên bỗng dưng xuất hiện trên bìa một số băng đĩa sex và trên poster quảng bá cho một phòng khám nam giới ở Nhật Bản và một số thông tin nhạy cảm cũng bị xuyên tạc, rồi lan truyền trên một web sex của Việt Nam, thì trước tiên hành vi này vi phạm pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, đây là hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Trong trường hợp này thì hoa hậu Kỳ Duyên có quyền làm đơn tố cáo hành vi có dấu hiệu phạm tội “Tội làm nhục người khác” theo Điều 121 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành đến Cơ quan an cảnh sát điều tra hoặc an ninh điều tra, Bộ công an để được xem xét giải quyết.
Trong trường hợp thực hiện hành vi đưa truyền thông tin giữ liêu mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa tới mức nguy hiểm cho xã hội thì đối tượng có hành vi vi phạm cũng sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 03/ 11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện:
“Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
b, Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồ trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức xã hội, thần phong mỹ tục của dân tộc.”.
Còn đối với trường hợp như với Kỳ Duyên thì vụ việc này có dấu hiệu tội phạm, Kỳ Duyên hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan công an xem xét xử lý đối tượng vi phạm theo các quy định của bộ luật hình sự nêu trên.
Thu Trang