Từ xưa đến nay, việc ngăn chặn hành vi phạm tội luôn là vấn đề khó khăn đối với những người cầm quyền. Ngoài việc áp dụng hình phạt, nếu tội phạm chạy trốn thì thường sẽ phát hành "lệnh truy nã". Tuy nhiên, trong thời cổ đại, khi không có máy ảnh và các hình vẽ không giống như thật, làm thế nào để bắt được tội phạm thông qua lệnh truy nã?
Khái niệm truy nã thực sự đã xuất hiện cách đây khá lâu, nhưng trong thời kỳ cổ đại không chỉ thiếu kỹ thuật chụp ảnh mà còn thiếu phương pháp kỹ thuật điều tra, cộng thêm việc không có tài liệu chứng minh nhận dạng nhân thân một cách có hệ thống. Dưới nhiều yếu tố không thuận lợi, việc phát hành lệnh truy nã từ chính quyền để bắt tội phạm có vẻ khó khăn.
Khi xem các bộ phim truyền hình, mọi người sẽ thấy chính quyền thường dán lệnh truy nã khắp toàn thành, có hình vẽ tội phạm cùng vài dòng mô tả. Tuy nhiên, thông thường thì hình vẽ và người thật không giống nhau, thậm chí hoàn toàn không liên quan. Người bị bắt cũng có thể trốn thoát dưới sự giúp đỡ của nhiều người, khiến cho tờ truy nã giống như một trò đùa. Tuy nhiên, trên thực tế, vào thời cổ đại, tỷ lệ giải quyết các vụ án thông qua việc dán truy nã như vậy lại rất cao.
Lý do mà truy nã trong thời cổ đại vẫn có thể bắt được tội phạm mặc dù ảnh vẽ rất trừu tượng là do người xưa phát hiện ra cách tận dụng những “camera chạy bằng cơm” để bắt người. Một số nhà nghiên cứu lịch sử tiết lộ lý do họ có thể bắt được tội phạm không phụ thuộc vào phương pháp khoa học, mà liên quan đến dòng chữ viết trên lệnh truy nã - "thưởng bạc lượng".
Trên tờ truy nã, người ta viết giới thiệu tổng quan về tội phạm, ví dụ họ tên gì, bao nhiêu tuổi, từ đâu đến, cùng một bức tranh vẽ hình người. Dù không giống người thật, điều quan trọng là câu cuối: "Người biết thông tin mà trình báo hoặc bắt giữ nghi phạm sẽ được thưởng 10.000 lượng bạc hoặc nghìn lượng vàng".
Số tiền thưởng với người thường không hề nhỏ, điều này tạo ra sự hấp dẫn lớn đối với họ, tăng cơ hội bắt được tội phạm. Vì vậy, dùng bạc làm mồi nhử thực sự có tác dụng.
Phương pháp truy nã hiệu quả vì một yếu tố quan trọng khác, đó là thời cổ đại các phương tiện giao thông thiếu hụt, tội phạm không thể di chuyển xa trong thời gian ngắn. Do đó, chỉ cần thông qua những "camera chạy bằng cơm" là quan phủ đã có thể bắt được tội phạm.
Trong thời cổ đại, một nguyên tắc rất phổ biến là "trời ở cao, hoàng đế ở xa". Điều này có nghĩa hoàng đế không quản lý hết tất cả mọi người ở tầng dưới. Để ngăn chặn người ở bên ngoài ra vào khu vực dân cư một cách tùy tiện, gây ra vấn đề trật tự công cộng, xã hội cổ đại đã thiết lập quy định quản lý nghiêm ngặt về chuyện di chuyển.
Ở vùng nông thôn hoặc vùng xa xôi, các hộ gia đình sẽ chia thành từng nhóm để tự quản lý. Ngay khi phát hiện người mới đến, không thể chứng minh danh tính, họ sẽ lập tức báo cáo chính quyền.
Ở Trung Quốc cổ đại, việc bắt được tội phạm thông qua hệ thống truy nã dễ dàng nên đã phát sinh một nghề nghiệp riêng biệt. Có những người hành tẩu trên giang hồ chọn nghề tìm kiếm tội phạm truy nã và hợp pháp với chính quyền để nhận khoản thu nhập khá lớn.