Phân tích dữ liệu, ông Lê Đình Quyết - Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng, dải hội tụ nhiệt đới nhiều khả năng sẽ mạnh thành áp thấp nhiệt đới và không loại trừ khả năng mạnh thành bão.
Dải hội tụ nhiệt đới có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, thậm chí thành bão, uy hiếp trực tiếp đến TP.HCM và Nam Bộ. Ảnh minh họa |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, ngày 27/10, dải hội tụ nhiệt đới (vùng hội tụ gió) đang nằm trên khu vực nam Trung Bộ và Nam Bộ. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông có khả năng gió giật mạnh cấp 6-7, sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m, biển động.
Đến ngày 28/10, trên dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hình thành một vùng áp thấp ngay trên vùng biển quần đảo Trường Sa, sau đó vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng xấu đến thời tiết các vùng biển phía nam và khu vực đất liền Nam Bộ.
Các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ từ nay đến cuối tuần, thời tiết chủ yếu khô hanh, không có mưa, ban ngày trời hửng nắng. Khu vực vùng núi, trời se lạnh về đêm và sáng sớm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ bắt đầu có mưa trở lại, có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to. Trong cơn dông đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh trên, đặc biệt ở các huyện: Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Sông Cầu (Phú Yên); Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Ranh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa (Khánh Hòa); Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước, Bác Ái, Thuận Bắc (Ninh Thuận).
Phân tích dữ liệu, một chuyên gia dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng, dải hội tụ nhiệt đới nhiều khả năng sẽ mạnh thành áp thấp nhiệt đới và không loại trừ khả năng mạnh thành bão.
“2, 3 ngày tới dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục mạnh lên, do vậy những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 TP HCM và cả Nam Bộ sẽ mưa nhiều. Áp thấp nhiệt đới có thể sẽ vào các ngày 30, 31 cuối tháng 10. Vùng ảnh hưởng trực tiếp sẽ là toàn bộ khu vực vùng biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau, từ Cà Mau, Kiên Giang, Phú Quốc, toàn bộ trên đất liền các tỉnh Nam Bộ. Nếu có hình thành bão, áp thấp nhiệt đới thì cường độ không mạnh lắm nhưng mức độ nguy hiểm cũng sẽ rất nghiêm trọng”, lãnh đạo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết.
"Dù khả năng hình thành bão, áp thất nhiệt đới vẫn còn đang phải tiếp tục theo dõi, song không được phép chủ quan. 20 năm trước, cơn bão Linda lúc đầu cũng không mạnh nhưng chỉ trong 36 giờ gió từ cấp 6 tăng lên cấp 11. Hậu quả là làm chết và mất tích gần 3.000 người; hư hại rất nhiều tài sản. Nếu giờ chúng ta chủ quan sẽ không kịp trở tay", vị này cảnh báo.
Đức Hòa (tổng hợp)