Tin mới

Ba lý do khiến các hoàng tử nhà Thanh đều đoản mệnh

Thứ hai, 11/09/2023, 20:37 (GMT+7)

Các hoàng tử nhà Thanh khi sinh ra không phải ai cũng có cơ hội sống sót tới khi trưởng thành. Rất nhiều công chúa hoàng tử rơi vào cảnh đoản mệnh.

Trong các bộ phim cung đấu thời nhà Thanh, người xem dễ dàng nhận thấy chi tiết các phi tần gài bẫy lẫn nhau nhằm mục đích tranh sủng để con cái họ có thể lên ngôi hoàng đế. Những tình tiết này rất quen thuộc trong các bộ phim cung đấu trên màn ảnh. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc cho rằng, đó chỉ là những chi tiết được dàn dựng để tăng thêm sự kịch tính cho phim và vốn dĩ người ta cũng chẳng tìm được bằng chứng trong lịch sử cho thấy các phi tần lập mưu, gài bẫy lẫn nhau.

Ảnh minh họa. Ảnh Internet.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet.

Trên thực tế, số lượng các a ca thời nhà Thanh được sinh ra rất đông đảo nhưng không phải ai cũng sống sót và trưởng thành. Theo Sohu, có ba nguyên nhân chính khiến các a ca nhà Thanh đều chết trẻ: Điều kiện y tế chăm sóc kém phát triển, kết hôn và sinh con quá sớm, hôn nhân cận huyết.

Theo thống kê trên tờ Sohu, các hoàng đế nhà Thanh sinh ra tổng cộng 195 người con, 82 người trong số đó không sống quá 20 tuổi và có tới 68 người chết trước 10 tuổi.

Chẳng hạn như, Phú Sát hoàng hậu thời Càn Long, bà sinh cho vua hai người con trai và hai con gái nhưng ba người trong số đó chết trẻ, con gái lớn của hoàng đế chết khi lên 2 tuổi, con trai thứ hai của hoàng đế Càn Long là Vĩnh Liễn cũng qua đời. Hoàng tử Vĩnh Tông cũng bị đậu mùa mà mất, chỉ vừa 2 tuổi. Càn Long Đế vô cùng tiếc thương, vừa đau lòng vừa chỉ dụ rất cặn kẽ về cái chết của Hoàng tử. Chỉ còn Cố Luân Hòa Kính công chúa sống sót đến tuổi trưởng thành và được gả sang Mông Cổ.

Ảnh minh họa. Ảnh Internet.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet.

Trong các hoàng đế nhà Thanh, Càn Long dường như là vị vua có nhiều người thừa kế nhất. Ông có tổng cộng 17 hoàng tử và 10 công chúa, nhưng hầu hết đều chết khi còn trẻ. Gia Khánh - con trai của vua Càn Long và Lệnh Ý Hoàng quý phi là người kế vị ngai vàng, là con trai thứ mười lăm của hoàng đế Càn Long. Tuy nhiên, Gia Khánh ban đầu không được hoàng đế sủng ái, gần như trong danh sách người thừa kế không hề có tên Gia Khánh đế. Gia Khánh đế lên ngôi ở tuổi 36 trong khi 11 người anh trước đó của ông đều đã qua đời.

Không riêng gì hậu duệ của Càn Long, hầu hết các hoàng tử nhà Thanh đều qua đời từ sớm. Theo Sohu, con trưởng và con gái lớn của Thuận Trị đều chết từ khi còn nhỏ, 6 người con đầu của Khang Hi đều chết trước 4 tuổi. Con gái lớn của Ung Chính và 3 con trai đầu đều chết từ khi còn nhỏ. Con trai cả, con gái thứ hai của Gia Khánh cũng chết trước khi lên 4. Không ai trong 6 người con đầu của Đạo Quang sống sót đến tuổi trưởng thành. Vua Hàm Phong cũng chỉ có ba người con, con trai lớn cũng chết khi còn nhỏ. Thậm chí, vua Quang Tự còn không có người thừa kế.

Ảnh minh họa. Ảnh Internet.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet.

Sohu cho biết, có ba nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này, thứ nhất là điều kiện y tế và sức khỏe thời đó nhìn chung còn thấp dẫn đến tỷ lệ tử vong ở trẻ em rất cao, Dù hoàng tộc có nhiều thái y giỏi, tay nghề cao nhưng do công nghệ chưa tiên tiến, lại nhiều loại bệnh tật nên việc nuôi con rất khó khăn.

Nguyên nhân thứ hai do các hoàng đế đều kết hôn sớm, có con còn sớm. Ví dụ như Thuận Trị và Ung Chính đế đều kết hôn khi mới 14 tuổi, Khang Hi còn kết hôn khi mới 12 tuổi. Các hoàng hậu, phi tần cũng sinh con ở độ tuổi còn nhỏ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ nên con cái họ sinh ra dễ bị dị tật bẩm sinh, sức khỏe kém và tỷ lệ tử vong tự nhiên cao hơn.

Nguyên nhân thứ ba là vì “hôn nhân cận huyết" giữa các hoàng đế và phi tần. Thời phong kiến, hoàng cung rất coi trọng việc kết hôn cận huyết vì cho rằng đây là cách để hoàng gia duy trì dòng máu quý tộc. Để duy trì sự cao quý của huyết thống hoàng gia, hoàng đế và hoàng hậu, quý phi thường được sắp đặt để kết hôn với nhau. Đây cũng là lý do khiến các hoàng tử có sức khỏe kém, đoản mệnh.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: nhà Thanh