Nữ giám đốc trẻ đầy chân thành trong chương trình Shark Tank Việt Nam đã có những chia sẻ về hành trình từ một cô gái trắng tay trở thành giám đốc công ty tiền tỷ ở tuổi 25. Thế nhưng với Diệu tiền không phải là tất cả, những bài học mà ta nhận được trên con đường đi đến đích cuối mới là thành công.
Gây ấn tượng trong chương trình Shark Tank Việt Nam không chỉ bởi , Đỗ Thị Mỹ Diệu - cô gái trẻ sinh năm 1988 còn khiến không ít khán giả ngưỡng mộ về hành trình từ một sinh viên nghèo miền Trung trở thành nữ giám đốc thành đạt ở tuổi 25, cùng những tâm sự đầy chân thành về sự hy sinh của một người mẹ trẻ trong chương trình này.
Nữ giám đốc 8X và hành trình vươn lên từ cô sinh viên nghèo đến mua nhà 5 tỷ ở Sài Gòn.
Mỹ Diệu đến với Shark Tank số mới nhất để gọi vốn 5 tỷ đồng cho 25% cổ phần. Trong 5 năm hoạt động, công ty hiện đạt 50 tỷ đồng Doanh thu. Vốn điều lệ của công ty Mỹ Diệu hiện là 1 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 6 tỷ đồng. Xưởng may được thuê với giá 1,5 tỷ đồng.
Dù công ty của Mỹ Diệu mới chỉ dừng ở mức "đủ ăn đủ mặc" song Shark Việt và Shark Linh vẫn quyết định bắt tay nhau đầu tư cho Mỹ Diệu 5 tỷ đổi lấy 36% cổ phần công ty.
Vài ngày sau khi tập 6 của chương trình phát sóng, cuộc sống của Diệu bắt đầu bận rộn hơn trước, bởi đây là lúc Diệu bắt tay vào những kế hoạch dài hơi của mình. Chúng tôi gặp Diệu ở xưởng gia công của công ty vào một buổi trưa, lúc chị đang tất bật trao đổi với đối tác về nguyên liệu cho đợt hàng sắp tới, bận bịu công việc từ sáng, nữ giám đốc trẻ vẫn chưa kịp ăn uống gì.
Cô gái mạnh mẽ khiến cả trường quay Shark Tank ngưỡng mộ.
"Hôm nay làm những việc người khác không làm, ngày mai có những điều người khác không có"
Chào Diệu! Sau khi chương trình phát sóng có rất nhiều khán giả bày tỏ sự ngưỡng mộ với đối với hành trình của Diệu trong suốt thời gian qua, bạn cảm thấy thấy như thế nào về những lời động viên này?
Được mọi người yêu mến thì Diệu cảm thấy vui lắm chứ! Thật ra lượng công việc ở công ty rất nhiều nên từ sau chương trình Diệu hầu như không có thời gian để xem các bình luận, nhưng em gái của Diệu có chụp lại mấy comment rồi gửi qua Zalo, mỗi khi ngồi trên xe có thời gian nghỉ ngơi Diệu lấy ra xem và ngồi cười.
Có nhiều đồng hương đã viết rằng: "Ôi! Người Tam Sơn (Quảng Nam) mình đây sao? Tự hào quá!".
Có bạn còn vui tính viết thế này nè, đợi Diệu xíu Diệu tìm lại coi (mở điện thoại ra xem). À đây nè: "Mong chị đọc được comment của em và đi sửa lại bộ răng, vì bây giờ có tiền rồi".
(Cười) Giờ đọc được comment của bạn đó rồi, Diệu có tính đi sửa lại răng như lời góp ý không?
Khi đọc được câu này Diệu cười quá trời. Thật ra Diệu có đi làm răng rồi đó chứ, giờ xinh hơn ngày xưa rồi, ngày xưa vừa đen, vừa ốm, vừa xấu (cười). Sau chương trình Diệu có rất nhiều niềm vui, nhưng đi cùng với điều đó là áp lực. Áp lực để xây dựng công ty như mình đã cam kết trong chương trình. Có hôm chồng Diệu bảo: Em làm việc cũng phải nghỉ ngơi, ăn uống chứ không nên làm quá sức. Diệu mới nói rằng: Em không cảm thấy mệt! Giờ đây em không còn làm cho riêng em nữa mà là đại diện cho công ty nên em phải cố gắng thì sẽ phụ lòng mọi người.
Mấy hôm nay nhiều người thân, bạn bè đến chúc mừng nhưng chuyện chúc mừng giờ đây không quan trọng nữa, bởi Diệu phải dành thời gian để bắt tay vào làm việc, trở lại đường đua của chính mình.
Diệu là một cô gái rất lạc quan, nhưng khi nhắc lại hành trình từ một cô sinh viên nghèo vào Sài Gòn khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng Diệu đã rất xúc động, có lẽ những ngày đầu làm quen với phố thị không hề đơn giản?
Diệu còn nhớ như in ngày mình vào Sài Gòn để thi liên thông đại học là ngày 12/8/2010. Ngay sau khi thi xong Diệu đi phỏng vấn xin việc và được nhận vào làm chính thức. Thế nhưng người bạn thân duy nhất của mình ở Sài Gòn vì không tìm được việc làm nên cũng đã về quê. Còn một mình giữa thành phố rộng lớn, đã có lúc Diệu muốn bỏ để về nhà.
Nhưng rồi Diệu nhận được tin đậu đại học liên thông, đó chính là niềm hy vọng níu chân Diệu ở lại. Mỗi ngày Diệu vừa đi làm vừa đi học. Có thời điểm Diệu vừa đi làm ở công ty bán phần mềm kế toán, vừa đi học thêm buổi tối, rồi dùng tiền dành dụm được mở quán ốc và nhận làm báo cáo thuế ở nhà. Những ngày đó cả ngày có khi chỉ ngủ được 4 - 5 giờ đồng hồ. Phải công nhận ngày xưa mình có sức thật, lúc đó Diệu vừa ốm, vừa đen, vừa xấu (cười). Nhưng cũng nhờ những vất vả đó nên hiện tại công việc có nhiều cách mấy Diệu cũng cảm thấy không mệt.
Rồi may mắn Diệu được một người anh giới thiệu lĩnh vực bảo hộ lao động, nhận thấy thị trường này còn nhiều tiềm năng. Vì ở Hàn Quốc có các nhãn hiệu bảo hộ về nón, giày nhưng quần áo thì chưa, nên Diệu đã vận động người thân trong gia đình thành lập công ty riêng.
Động lực nào đã khiến Diệu vượt qua những khắc nghiệt của công việc, học tập khi cùng lúc phải làm quá nhiều thứ?
Hè năm lớp 9 Diệu vào Sài Gòn làm giúp việc cho gia đình một người bác bên họ. Nhìn thấy người thành phố năng động, mọi thứ đều phát triển và hiện đại Diệu tự nhủ phải học thật giỏi để có thể thoát khỏi cái nghèo.
Vùng Tam Sơn quê Diệu rất nghèo, đa số các chị đều chỉ học tới lớp 9 là nghỉ về làm ruộng, bởi vì mọi người không có cơ hội đi ra để biết xã hội đang phát triển như thế nào. Ngày đó mỗi lần đi học, tụi Diệu phải đi bộ 7km để đến trường. Buổi chiều, trời tối rất nhanh mấy đứa hô 1 2 3 rồi cắm đầu chạy về vì sợ ma, còn phải qua 1 con đò, mỗi lần nước lớn thì lại có học sinh bị chết. Chính từ những khó khăn đó Diệu càng có động lực để vươn lên.
Có một động lực cũng lớn không kém đó là tình yêu. Nghĩa là khi bạn yêu một người nào đó quá giỏi thì bạn phải phải cố gắng để giỏi như người ta.
Sinh ra trong cái nghèo đúng là khổ thật, nhưng cũng là một may mắn, vì nếu không sinh ra trong nghèo khó biết đâu đã không có Diệu của ngày hôm nay.
Xưởng gia công của công ty.
Làm việc chăm chỉ và hết mình là điều cần thiết nhưng khởi nghiệp vốn là chuyện không hề đơn giản, nhất là với một cô gái còn trẻ như Diệu, vậy bạn có bí quyết nào để đạt được những thành công hiện tại?
Mọi người hay hỏi bí quyết của Diệu là gì? Có một câu nói của Shark Linh mà Diệu rất thích, đó là: Hôm nay mình làm những việc mà người khác không làm, để ngày mai mình có được những gì mà người khác không có. Có nghĩa là hãy làm việc nhiệt tình, hết mình đừng chê bất cứ công việc gì.
Giống như xưởng hiện tại của công ty Diệu đáng lẽ đơn hàng tối thiểu phải 300- 500/chiếc trở lên thì mới nhận, nhưng với những đơn hàng 20 chiếc Diệu vẫn nhận. Người ta đã tìm đến mình, mà bỏ người ta thấy tội. Làm việc không chỉ vì lợi nhuận, mà trước hết là để đối tác có thể hoàn thành công việc của họ. Mình nhiệt tình thì người ta sẽ không bao giờ bỏ mình.
Diệu còn có thói quen tự lập kế hoạch tuần, thứ 2 làm gì, thứ 3 làm gì... cuối ngày đạt được cái gì. Làm việc theo kế hoạch, sẽ giúp chúng ta có khuôn khổ để biết mình đang đi đến đâu. Nói là một chuyện, làm mới khó, thế nên cứ làm đi rồi tính.
"50 tuổi, anh và em sẽ nghỉ làm việc và đi khắp thế gian. Còn bây giờ phải tập trung sự nghiệp"
Sự nghiệp đang trên đà phát triển, nhà cửa cũng ổn định vì sao Diệu lại quyết định lấy chồng ở tuổi 25?
Thật ra vào thời điểm đó Diệu vẫn chưa có ý định kết hôn, vì sự nghiệp chỉ mới bắt đầu. Thế nhưng bố mẹ ở nhà sợ Diệu ế, chắc thấy con gái xấu xí quá nên hối thúc lập gia đình. Với lại lúc đó Diệu có nhiều bạn bè nhưng người đem đến cho Diệu cảm giác tin tưởng thì có một mà thôi, là chồng của Diệu. Thế nên mình quyết định kết hôn tại thời điểm đó.
Phụ nữ Á Đông thường quan niệm sau khi kết hôn thì sẽ hạn chế công việc xã hội để dành thời gian chăm sóc cho gia đình, Diệu lại có hai con nhỏ vì sao quyết định trở lại đường đua thương trường?
Chồng làm ra tiền nhưng người phụ nữ phải biết tính toán sao để gia đình ổn định. 5 năm qua Diệu đã dành thời gian để sinh con, và tính toán cho gia đình. Giờ các con đã đi học, gia đình cũng ổn thoả, Diệu muốn tiếp tục sự nghiệp của mình. Nếu thành công thì vui, nếu không thành công thì coi như quay về điểm xuất phát ban đầu, lúc đó chồng Diệu sẽ là người tiếp tục lo cho sự nghiệp của gia đình.
Đồng thời Diệu muốn tập cho con sự tự lập, tự ăn, tự mặc... không phụ thuộc vào mẹ. Đôi khi quá chú tâm vào công việc, Diệu cảm thấy có lỗi vì không dành nhiều thời gian cho con. Nhưng hai bé vẫn thương mẹ, về tới nhà nằm lăn ra giường hai đứa liền chạy lại hỏi mẹ mệt hả, rồi lấy dầu xức, cảm giác rất hạnh phúc.
Chồng Diệu có bao giờ "ghen" vì vợ dành nhiều thời gian cho công việc hơn là cho chồng không?
(cười) Không đâu, Diệu rất yêu chồng. Trước khi lên Shark Tank, Diệu có tâm sự với chồng rằng: "Bây giờ anh ủng hộ em thì anh phải nhớ cam kết này: 50 tuổi chúng ta sẽ nghỉ làm và nắm tay nhau đi khắp thế gian. Còn bây giờ thì mình phải tập trung vào sự nghiệp". Chính vì vậy thời gian này là để cả hai vợ chồng cùng cố gắng cho kế hoạch tuổi 50 của mình.
Không hẳn là cực đoan, nhưng trong kinh doanh chuyện thắng thua đôi khi chỉ xê xích nhau trong gang tấc, vậy có bao giờ Diệu nghĩ nếu mình thất bại sẽ ra sao?
Mới hôm qua một người chị của Diệu vừa nhắn tin bảo rằng: "Chị sợ em sẽ bị điên nếu như thất bại". Thất bại, nhà mất, công ty phá sản, có thể lắm chứ bởi cuộc đời đâu thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Nhưng Diệu sẽ không vì vậy mà phát điên đâu.
Vì ước mơ của Diệu đã đạt được, còn thành hay bại là do duyên số ở trời cho. Vấn đề là trong quá trình làm mình đã cảm nhận được rất nhiều cảm xúc, thành công thì rất là mừng vì đem lại lợi ích cho nhiều người, nhưng nếu như không thành công thì mình đã được trải nghiệm, trong quá trình đó mình nhận được rất nhiều thứ, đâu phải chỉ là tiền không đâu, đó còn là những trải nghiệm của cuộc đời con người.
Nhưng Diệu có cơ sở để tin mình thành công. Vì Diệu đang làm việc bằng tất cả khả năng, đam mê của mình, và không để cho mọi người phải thất vọng.
Diệu nói, dù tương lai có tồi tệ đến thế nào, thậm chí là phá sản, Diệu cũng không vì thế mà phát điên.
Cảm ơn Diệu về những chia sẻ rất chân thành ngày hôm nay, mong rằng với những cố gắng của bản thân may mắn sẽ mỉm cười với Diệu!
Toàn Nguyên - Ảnh : Nguyến Đạt