Tập 3 Shark Tank Việt Nam mới đây đã nhận được sự chú ý với màn gọi vốn đầu tư 500.000 USD đổi lấy 8% cổ phần là 3 nhà sáng lập của Nerman gồm Đặng Thanh Thịnh, Nguyễn Văn Nhật, Hồ Xuân Hải. 3 chàng lính ngự lâm với Đặng Thanh Thịnh giữ vai trò Tổng Giám đốc, Nguyễn Văn Nhật là Giám đốc Điều hành chung, còn Hồ Xuân Hải là Giám đốc Vận hành.
Theo như giới thiệu của 3 nhà sáng lập, Nerman chính là thương hiệu chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe cho nam giới. Tại đây cung cấp đủ các loại sản phẩm từ tắm rửa, skincare (chăm sóc da) đến makeup cho nam giới. Có thể nói đây là một mảng ít được chú ý nhưng lại rất thiết thực khi ngày nay không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng cần chăm sóc sắc đẹp.
Được biết các sản phẩm của Nerman theo hướng "all in one", nghĩa là một sản phẩm có thể có nhiều function (công năng) như có thể vừa tắm, vừa rửa mặt, vừa gội đầu. Hiện thương hiệu này đang bán hàng theo 2 hình thức chính là B2C (business to customer - bán lẻ trực tuyến) và O2O (online to offline - từ trực tuyến đến trực tiếp). Ngoài ra startup này hiện đang tập trung vào 3 thị trường lớn là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Nerman chính thức mở bán từ đầu năm 2021, tính đến quý I/2022, Nerman đã có 150.000 khách hàng và bán ra hơn 330.000 sản phẩm. Đây là một con số rất lớn so với một startup mới ra đời mới chỉ 15 tháng như Nerman.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường miền Nam chiếm tới 40% khiến doanh thu bị đóng cửa hoàn toàn trong 4 tháng nhưng doanh thu tổng kết của năm 2021 vẫn đạt 848.000 USD với lợi nhuận trước thuế là 10%. Năm 2022, Doanh thu trước thuế toàn quý I đạt 1,3 triệu USD với LNST thuần là 23%.
Dự kiến năm 2022 sẽ đạt doanh thu 10,2 triệu USD và tăng trưởng từ 50 - 100% trong các năm tiếp theo. Nguyễn Văn Nhật cho biết startup rất tinh gọn chỉ với vỏn vẹn 18 nhân sự.
Điều hành chung Nguyễn Văn Nhật cho biết vào cuối năm 2022, Nerman sẽ "đánh" mạnh sang thị trường Thái Lan. Hiện Nerman đã thử nghiệm ở thị trường này trong một tháng và ghi nhận doanh thu khoảng 30.000 USD, fulfillment (hoàn tất đơn hàng) qua dịch vụ.
Thương hiệu có cách tiếp thị khá hiện đại như đang sử dụng influencer (người có sức ảnh hưởng). Mỗi tháng Nerman có khoảng 300 video review (giới thiệu) và unbox (mở hộp), đạt trung bình hơn 10 triệu lượt xem/tháng. Tỷ lệ chuyển đổi đạt khoảng 7% trên tất cả các kênh.
Trên các sàn thương mại điện tử thì tỷ lệ chuyển đổi cao hơn, rơi vào khoảng 11%. Nerman có khoảng 10 SKU (stock keeping unit - mã hàng hóa) và phối ra rất nhiều combo (nhóm sản phẩm). Một bộ nước hoa được startup bán với giá 599.000 đồng, bộ sữa tắm, dầu gội có giá 399.000 đồng.
Thanh Định cho biết nếu so với Xmen cùng dung tích thì giá của nhóm đang cao gấp 4 lần. Còn nói về tài chính của nhóm, hiện vốn thực góp của Nerman là 2 tỷ và đang có một nhà đầu tư góp 1 tỷ với 5% vào tháng 6/2021 với định giá 1 triệu USD. Như vậy hiện nhóm có 8 tỷ tài sản gồm 4 tỷ tiền mặt, 4 tỷ nguyên phụ liệu, hàng tồn kho và startup hiện không có nợ.
Chi phí cho sản xuất của startup đang là khoảng 25% và có thể tối ưu xuống 20% khi sản xuất số lượng lớn hơn. Chi phí nhân công, văn phòng khoảng 11%. Chi phí vận hành, marketing khoảng 15 - 16%. Chi phí bán hàng khoảng 4-5%.
Khi được Shark Phú hỏi về lý do gọi vốn khi tình hình tài chính tốt, Thanh Định cho biết dự tính của Nerman gọi vốn vòng này là 1 triệu USD và đã có một nhà đầu tư vòng trước cam kết sẽ đi tiếp vòng này với 500.000 USD. Tổng Giám đốc Nerman khẳng định sự tham gia của các Shark sẽ giúp startup trở thành "top of mind" - đạt được mức độ nhận biết cao nhất như các thương hiệu đã từng làm ở Việt Nam.
Hiện các sản phẩm hiện tại của Nerman hiện đang được gia công tại Việt Nam từ nguyên liệu nhập khẩu châu Âu, theo công thức mà startup cung cấp. Đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) của Nerman hiện có 2 người. Thanh Định chia sẻ, công thức của mình có bản quyền và sản phẩm đã được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy công bố đủ điều kiện để phát hành ra thị trường. Ngoài ra, startup cũng có kiểm nghiệm của VNTEST.
Tổng Giám đốc Nerman thông tin thêm về mô hình kinh doanh của nhóm là subscription (thu phí hội viên). Bản thân đã có kinh nghiệm gần 10 năm startup và "sập", Thanh Định tiết lộ rằng ở dự án trước do bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn nên khi không có vốn nhanh chóng "chết chắc".
Thời điểm xảy ra dịch bệnh, Nerman đã phải chuyển sang một hình thức kinh doanh mới để đảm bảo có thể được "sống", đến khi có vốn sẽ phát triển thành một thương hiệu top 1. Dự kiến cuối năm, khi đã ổn định về vận hành, doanh thu tăng trưởng, Nerman sẽ quay trở lại mô hình subscription.
Shark Phú đã đánh giá kết quả kinh doanh của Nerman rất ấn tượng. Startup hiện bán chủ yếu là online và tập trung vào R&D sản phẩm. Với những lợi thế hiện có, Shark Phú đề nghị đầu tư 500.000 USD đổi lấy 20% cổ phần của Nerman.
Trong khi đó Shark Bình, cho rằng startup còn mới và việc bán online (trực tuyến) là yếu tố chưa chắc chắn vì khả năng cạnh tranh, sao chép, làm theo cao khi có nhiều nhóm bên ngoài có năng lực marketing. Với lợi thế sẵn có của NextTech là hệ sinh thái về e-commerce (thương mại điện tử), logistics (kho vận), Shark Bình cho biết việc "thổi" startup ra Đông Nam Á là điều đơn giản.
Có "duyên" với mảng B2C khi đã từng đầu tư cho Coolmate tại Shark Tank mùa 4, giúp startup tăng định giá doanh nghiệp lên 4 lần, Shark Bình cho biết mình có thể giúp Nerman gọi vốn các vòng sau từ các quỹ đầu tư nước ngoài với định giá tăng lên nhiều lần. Từ những lợi thế như vậy, ông đề nghị đầu tư 1 triệu USD đổi lấy 30% cổ phần.
Sau khi hội ý, Thanh Định đã đề xuất Shark Bình và Shark Phú cùng đầu tư cho mình. Hai Shark đồng ý nhưng Shark Bình đưa ra điều kiện sẽ tham gia ít nhất 20% cổ phần. Tuy nhiên anh đưa ra yêu cầu nhằm đảm bảo công bằng với nhà đầu tư. Vụ thể, Định đề xuất mức 1 triệu USD đổi lấy 20% cổ phần. Anh cũng cho biết mình có thể bỏ ra thêm 5% từ cổ phần của cá nhân mình để nâng tổng số cổ phần cho các Shark là 25%, như vậy sẽ không bị pha loãng và hợp lý với cả nhà đầu tư trước.
Sau đó những phân tích của Shark Bình khiến Thanh Định phải đưa ra đề xuất cuối cùng là 1 triệu USD đổi lấy 27% cổ phần, trong đó 7% sẽ lấy từ cổ phần cá nhân của 3 nhà sáng lập và nhận được sự đồng ý của Shark Phú và Shark Bình.