Năm Cam có được tất cả mọi thứ từ quyền lực, tiền tài danh vọng trong thế giới ngầm đều nhờ đóng góp của bà Trúc “mẫu hậu”. Người đàn bà có tiếng “thét ra lửa” này một thời trở thành nỗi khiếp đảm của các con nợ, đám giang hồ Sài Gòn khi Năm Cam còn “hô mưa gọi gió”. Thế nhưng, số phận của người đàn bà này cũng không tránh khỏi kết cục bi thảm.
Một thuở cơ hàn
Năm Cam có thể là một ông trùm “cỡ bự” trong thế giới ngầm tội phạm của Sài Gòn trước những năm 2000, nhưng để có được địa vị đó đều sự hậu thuẫn của Phan Thị Trúc (còn biệt danh Trúc “mẫu hậu”). Danh xưng Trúc “mẫu hậu” mà giới tội phạm đặt cho cũng đủ thấy vai trò quyền lực của người đàn bà này như thế nào lúc Năm Cam còn xưng vương. Tuy nhiên đến thời điểm này, câu chuyện bà Trúc và Năm Cam đến với nhau từ thuở hàn vi, cùng nhau vượt qua mọi giông tố, biến cố của cuộc sống, trước khi có được địa vị tôn sùng trong giới tội phạm thì ít người biết. Bởi lẽ, các tài liệu liên quan đến câu chuyện tình của người đàn bà nổi tiếng mưu mô, xảo quyệt này chỉ được hé lộ một phần từ giai đoạn Năm Cam bị bắt giữ.
Phan Thị Trúc (SN 1946, ngụ quận 4, TP.HCM) sinh ra trong một gia đình bậc trung của Sài Gòn trước những năm 1975. Tuổi thơ, Trúc được cha mẹ tạo điều kiện cho ăn học đầy đủ. Đến năm 18 tuổi, sau khi Năm Cam thụ án xong về tội Giết người và ra trại, gã tình cờ gặp Trúc và cả hai nên duyên vợ chồng. Đến với nhau từ hai bàn tay trắng nên toàn bộ tất cả sự nghiệp sau này dù có thành công, dù có trở thành ông trùm xã hội đen thì Năm Cam cũng không bao giờ dám phụ bà Trúc ra khỏi bên lề danh vọng.
Theo những tài liệu mà PV Báo GĐ&XH Cuối tuần thu thập được trong quá trình thực hiện loạt bài này thì lúc cưới nhau xong, vì không có nghề nghiệp cố định nên Năm Cam chỉ ở nhà phụ giúp bà Trúc buôn bán lặt vặt kiếm sống. Thu thập bấp bênh, cuộc sống khốn khó nên gã chuyển đổi đủ thứ nghề như làm chân chạy việc cho vợ chồng anh rể Bảy Xi ở khu Chợ Lớn, hay làm chân ghi số đề, hoặc trông coi cửa hàng sửa chữa đồng hồ cho bà Trúc. Thỉnh thoảng, người dân ở khu vực quận 4 (TP.HCM), nơi Năm Cam từng sinh sống còn kể lại, đôi lần họ bắt gặp gã tham gia đánh sát phạt nhỏ lẻ ở một vài sòng bạc trên nội thành.
Đường Tôn Đản – nơi vợ chồng Năm Cam và Trúc “mẫu hậu” một thời sớm tối đi về. Ảnh TG
Vào những năm đầu thập kỷ 80, Năm Cam vẫn đang làm nghề ghi đề thuê cho người khác, thu nhập bèo bọt, bấp bênh. Trong gia đình, mọi gánh nặng lo toan, chi phí đều do một tay Trúc “mẫu hậu” gánh vác. Anh Trương Văn Hùng, con trai riêng của Năm Cam và người vợ đầu không hôn thú Mai Thị Nguyệt, từng có thời gian sống chung với cha kể lại: “Cha tôi từng nhiều lần vào tù ra khám vì tội đánh bạc. Mỗi lần ổng ở tù, bà Trúc đều tận tình mua quà cáp đến thăm nuôi, chăm sóc nên đến sau này ổng luôn miệng nói suốt đời mang ơn, sẽ không bao giờ phụ bạc. Thời đó, sau mỗi giờ làm việc là ổng trở về nhà phụ giúp bà Trúc những việc lặt vặt. Chính vì vậy mà có giai đoạn khi tôi bị bà mẹ kế chửi mắng thậm tệ, xỉa xói đủ thứ chuyện, cha vẫn không dám nặng lời với bả. Lúc nào, cha cũng một bà Trúc, hai bà Trúc và đôi khi nhún nhường vợ thái quá”.
Hầu như giai đoạn sau khi lấy vợ, cuộc sống của Năm Cam hoàn toàn “núp váy vợ”. Đặc biệt, sau khi những đứa con chung của hai vợ chồng lần lượt chào đời khiến cuộc sống của vợ chồng gã càng thêm bức bí. Giai đoạn này, bà Trúc và Năm Cam đã có với nhau 5 mặt con, vì cuộc sống quá khó khăn nên tất cả mấy người con này đều được vợ chồng chị gái – anh rể của Năm Cam là chị Tư Xẩm- Bảy Xi nhận nuôi, bao bọc.
Dằn mặt con riêng của chồng
Cuộc sống cơ hàn khiến vợ chồng Năm Cam tối ngày bàn mưu tính kế làm ăn lớn. Đất nước những năm sau giải phóng, người dân tích cực tham gia làm kinh tế nên vợ chồng gã cũng tích cóp tiền, hùn vốn mua mấy sào ruộng ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) trồng cây ăn quả. Thế nhưng, dường như bao cố gắng của họ đều tay trắng khi mùa lụt những năm đầu thập kỷ 1980 đã cuốn hết cây cối, hoa màu.
Về lại Sài Gòn, Năm Cam tỏ ra buồn chán, thất vọng và liên tục đổ lỗi cho số phận hẩm hiu. Anh Trương Văn Hùng tâm sự: “Tôi còn nhớ lúc về lại thành phố, mặt cha bơ phờ, thân hình gầy đét, nước da đen nhẻm, miệng liên tục thở dài ngán ngẩm. Hai cha con chưa biết tính sao thì ổng đề nghị: “Hay mày chịu khó về sống chung với cha và bà Trúc?”. Nghe vậy, tôi do dự rất lâu rồi đáp lại: “Giờ con cũng chưa biết tính sao, mọi sự đều do cha sắp xếp”. Nói xong, cả hai cha con Trương Văn Cam xách túi bước nặng nhọc về căn nhà nằm trong hẻm Sáu Căn (Q. 4, TP.HCM), nơi bà Trúc đã đợi sẵn. Lúc gặp bà Trúc, nghe Năm Cam trình bày về tình cảnh hiện tại của Hùng không nơi nương tựa, bà mẹ kế này miệng ngọt xớt: “Thôi con nào cũng vậy, giờ mình khó khăn, phải biết đùm bọc nhau mà sống, mai mốt tai qua nạn khỏi thì tính tiếp”. Bà Trúc và chồng sống tại căn nhà ở Phát Diện (cũ). Cả gia đình ba người phải sống dựa vào gánh hàng rong buôn bán hoa quả lặt vặt và tiệm nhỏ sửa chữa đồng hồ. Từ khi Hùng về ở cùng, cuộc sống của gia đình bà Trúc thêm gánh nặng.
Trúc “mẫu hậu” những ngày thụ án tại trại giam
Hàng ngày, Hùng được bà Trúc giao việc phụ giúp buôn bán đồng hồ ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, còn Trương Văn Cam thì hành nghề ghi số đề thuê cho người khác. Sống ở nhà “dì ghẻ” chỉ được hơn một năm, mối quan hệ “mẹ ghẻ - con chồng” khiến anh Hùng không thể chịu đựng được thêm ngày nào nữa. Anh bảo, bà Trúc sau ngày đầu còn có thái độ niềm nở thì được thời gian ngắn đã tỏ thái độ biểu hiện ghét cay, ghét đắng “đứa con rơi” của chồng ra mặt. Trong mắt bà Trúc, Trương Văn Hùng như “cái gai” cần phải nhổ bỏ. Nhiều lần không có mặt Năm Cam, bà Trúc sẵn sàng dựng lên các câu chuyện vô cớ rồi chửi mắng Hùng thậm tệ.
“Bà ấy ác cảm từ khi thấy cha thỉnh thoảng đi làm về có kêu tôi vào nói chuyện. Bà ấy sợ, cha sẽ dành tình cảm cho tôi nhiều hơn mà bỏ rơi 5 đứa con của bả. Ngày nào, bà Trúc cũng tìm cớ để hiếp đáp tôi ra mặt. Sau này, cha tôi có biết chuyện mối quan hệ “cơm không lành canh không ngọt”, biết bà Trúc đối xử bất công với đứa con riêng nhưng cũng bất lực. Tất cả cũng vì cuộc sống của cha thời điểm đó nghèo quá, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập của bà Trúc nên không có tiếng nói quyết định trong gia đình. Tôi hiểu tình cảnh của cha nên cũng không trách hờn gì nhiều nhưng cảm thấy tủi thân, vì mình giống như “quả bóng bà Trúc đá đi đá lại”.
Khi nắm trong tay toàn bộ quyền quyết định về kinh tế gia đình, bà Trúc luôn ra nhiều mệnh lệnh khiến Năm Cam phải nghe lời, tuân theo thực hiện. Tuy nhiên, có một điều mà người đàn bà quyền lực đứng sau lưng ông trùm sòng bạc này không thể đo lường, cai quản được đó chính là bản tính hám gái của Năm Cam.
“Không đội trời chung” với người vợ đầu Trong những người phụ nữ từng đi qua đời Năm Cam, Trúc “mẫu hậu” và bà Mai Thị Nguyệt được coi là hai kẻ kình địch nhau nhiều nhất. Trong quá trình tiếp xúc PV báo GĐ&XH Cuối tuần, bà Nguyệt từng kể: “Bà Trúc chẳng ưa gì tui mà tui cũng không ưa bả. Lúc về với ông Cam, khi nào bả cũng sợ mẹ con tui quay qua nịnh nọt, chia sẻ tài sản của ông Cam. Nói thiệt với các chú, mẹ con tui dù chết đói cũng không bao giờ quỵ lụy. Đã vậy, bà Trúc còn nhiều lần đặt điều, nói xấu mẹ con tui nữa. Vì sau này nghĩ cũng già cả rồi, tui cũng thôi không muốn gây lộn làm gì. Nhưng bảo hòa hợp với bà Trúc thì không bao giờ. Tui với bả quyết “không đội trời chung”. |