Mấy năm qua với 30 ngàn đồng mỗi ngày, bà Liên đã lo bữa ăn cho gia đình gồm 5 thành viên, cuộc sống khốn khó lại càng thêm gánh năng khi hai người con của bà không may phát bệnh về thần kinh. Thế nhưng trong ngôi nhà liêu xiêu ấy chưa bao giờ mất đi niềm hy vọng.
Vừa nhác thấy có người hỏi bà Liên, người đàn ông chạy xe ôm ở đầu hẻm trên đường Tạ Quang Bửu (quận 8) đã vội nói lớn: "Nhà 'bà Tư củi dầu' phải không? Chạy đến cuối hẻm quẹo trái là tới". Lâu lâu vẫn có người ở đâu đến xách vài chai nước tương hay chục trứng gà cho bà, và lần nào cũng được hàng xóm chỉ tận tình như thế.
Ở cái xóm lao động này, có ai là không biết gia đình bà Liên, ở đây ai cũng nghèo nhưng khổ thì chắc không ai qua bà Liên "củi dầu".
Bà Liên "củi dầu" và ngôi nhà có hai người mắc bệnh lạ
Con hẻm nhỏ xíu đầy đá lởm chởm dẫn đến căn nhà xập xệ với gác xép bằng gỗ đã mục, chỉ đủ một người trèo lên, đây chính là nơi che nắng che mưa 13 năm nay của 4 mẹ con bà Phạm Thị Liên (78 tuổi) cùng đứa cháu cố vừa lên 7. Bà Liên có tận 9 người con, nhưng đến 4 người đã mất vì bệnh. Đứa con gái út lấy chồng xa, cũng cảnh nghèo túng nên chẳng thể lo cho mẹ già và các anh.
Ở cái xóm này, chẳng mấy ai nhớ tên thật của bà, chỉ gọi là bà Tư "củi dầu", bởi mấy chục năm trời đằng đẵng, ngày nào bà cũng gánh bộ hơn 50kg củi dầu đi từ quận 8, ngược lên khu chợ Lớn, chợ Thiếc, ra đến Nguyễn Tri Phương… bán hết mới về.
"Sức phụ nữ không gánh được 50kg củi dầu đâu, nhưng mà bà gánh nổi nha. Bà đi bộ không đó, vừa đi vừa bán, mà không biết mệt. Thiệt! Bán hết mới đi xe lam về. Ngày xưa xe lam có 2.000 đồng/vé à" - bà Liên kể.
Rồi 2 đứa con lớn, bà cũng dẫn đi bán củi dầu. Ông Khánh (51 tuổi) và ông Bình (43 tuổi) mỗi người gánh 20kg bán cùng mẹ. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình cũng yên ấm.
Biến cố ập đến vào một ngày cách đây 5 năm, khi cả 2 người con trai cùng bị sốt, rồi để lại di chứng thần kinh. Từ 2 người đàn ông khỏe mạnh, sau trận sốt liệt giường, bỗng trở thành "2 đứa trẻ" chỉ suốt ngày quẩn quanh bên chân mẹ.
"Nhiều khi suy nghĩ không biết sao lại có cái bệnh kì cục. Tự nhiên sốt, xong bụng to lên, người lờ đờ lờ đờ rồi khờ luôn vậy đó", bà Liên nhìn 2 người con, một ngồi tần ngần ở góc nhà, một đang đứng dựa tường, mắt nhìn vô định, giọng bà trầm xuống, nghẹn lại nửa trách cuộc đời nửa nghe tuyệt vọng.
Chồng mất ngót nghét cũng chục năm nay, gánh nặng gia đình đổ lên đôi vai bà Liên. Nhưng từ dạo phát bệnh đau khớp, bà chuyển sang đi nhặt ve chai. Được một thời gian, "sức cùng lực kiệt" rồi bà mới nghỉ ở nhà bởi "Chân đi không nổi nữa thì còn bán cho ai". Từ dạo ấy, cả 5 miệng ăn cùng tiền thuê nhà 1,2 triệu đồng/tháng chỉ còn trông chờ vào tiền thu mua bao bột mì của người con trai cả - ông Nguyễn Văn Hùng (61 tuổi).
Người ta gọi ông Hùng là "ông Hai xích lô" bởi cái nghề chạy xích lô cũng theo ông vài chục năm rồi chứ chẳng ít. Sau này xe cộ phát triển, chẳng mấy ai đi xích lô nữa, hôm nào cố lắm đến khuya cũng chỉ được chừng vài chục ngàn.
Có người quen giới thiệu, ông đi thu mua bao bột mì ở lò bánh mì hay mấy tiệm bánh lớn rồi chở lên chợ Cây Gõ bán lại. 100 bao mới được 20.000 mà nào có phải cứ đi là mua được bao, nơi thì được 2, 3 cái, nơi lại chẳng cái nào. Có khi gom góp cả tuần mới được vài chục bao, ông lại vội đem bán kiếm ít đồng để bữa cơm không chỉ có cơm trắng và nước tương.
"Đau quá mà nghỉ thì tui sợ không có khả năng đóng tiền nhà, thành thử ra quên cái đau để còn đóng tiền nhà đó". Dứt lời, ông Hùng cho cả vốc thuốc trên tay vào miệng.
Bữa cơm 30.000/ ngày nuôi 5 miệng ăn giữa Sài Gòn
Căn nhà chừng 15m2 la liệt đồ ve chai ở gian sau, chỉ cần một cơn mưa xuống, nước đã đến đầu gối. Chuột bọ, rác rến cũng từ con kênh sau nhà cứ thế tràn vào. Mỗi lần vậy, cả gia đình bà Liên cũng coi như khỏi ngủ. Chỉ biết ngồi chờ mưa tạnh, nước rút rồi lau nhà.
Nhìn cái nền xi măng lỗ chỗ, gạch lát nơi có nơi không, viên tròn viên méo, ông Hùng lại tặc lưỡi: "Hồi đó ở gian sau là cái nhà sàn chứ cũng không được nền đất vầy đâu. Tui đổ cũng gần chục năm rồi. Gạch đá người ta đập nhà người ta bỏ, tui xin về tui đổ, đổ tới đâu thì tháo cây gỗ mục vứt tới đó. Gạch dư tui cũng đi xin về chắp nối lại cho sạch sẽ". 13 năm nay, căn nhà đi thuê này chỉ được chắp vá tạm bợ như thế.
Từ ngày bà Liên nghỉ hẳn vì đau khớp, cuộc sống gia đình lại thêm lao đao. Nghĩ đến 2 người con từ khi đổ bệnh, cả ngày lơ ngơ quẩn quanh trong nhà, sợ đến lúc nào đấy bệnh lại thêm nặng. Bà Liên lại dặn lòng để con ra ngoài bán vé số, "Mang tiếng bán lấy lời chứ thật ra cho nó đi bán để ra ngoài đây đó đầu óc lanh lợi, ở nhà lại sợ yếu thêm, vừa bán cũng vừa tập thể dục".
Với những đứa em mà theo ông Hùng nói "tay cầm cái ly nhựa cũng không nổi" như ông Khánh, ông Bình,