Tin mới

Bắc Giang: Không có chuyện vải thiều sớm bị ép giá xuống 2.000 đồng/kg

Thứ sáu, 28/05/2021, 08:56 (GMT+7)

Trước thông tin vải thiều sớm bị thương lái ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg lan truyền trên MXH, lãnh đạo huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khẳng định đây là thông tin không đúng sự thật.

Trưa ngày 27/5, trên MXH Facebook lan truyền thông tin về việc một người dân đi bán vải ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn ( Bắc Giang ) bị "ép giá" từ 8.000 đồng/kg xuống còn 2.000 đồng/kg, thu hút sự chú ý của dư luận.

"Hôm nay mình có đi bán 1 chuyến vải ở địa chỉ này, đối diện bờ sông Kim. Lợi dụng lúc trưa ế hàng nó ép giá vẫy mình lại trả 8.000 đồng và bắt mình cùng rất nhiều người đứng đợi để cân. Đợi được khoảng 1 tiếng thì nó ra trả giá lại xuống còn 6.000 đồng, mình vẫn đồng ý bán vì giờ đó không còn ai mua nữa cả.Tiếp tục đợi thêm 1 tiếng nữa và cuối cùng xếp hàng được vào cân nó ra chê lên chê xuống và chốt 1 câu là 2.000 đồng, bán thì bán không bán thì thôi...", chủ nhân bài viết chia sẻ.

Bắc Giang: Không có chuyện vải thiều bị ép giá xuống 2.000 đồng/kg. Ảnh: FB
Bắc Giang: Không có chuyện vải thiều bị ép giá xuống 2.000 đồng/kg. Ảnh: FB

Liên quan đến thông tin trên, ngày 28/5, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, qua nắm bắt thông tin, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện, các ngành chức năng, chính quyền xã Phượng Sơn tổ chức kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Bắc Giang khẳng định thông tin vải bị ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg không đúng với thực tế. Ảnh: FB
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Bắc Giang khẳng định thông tin vải bị ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg không đúng với thực tế. Ảnh: FB

Qua quá trình làm việc trực tiếp với chủ hộ thu mua vải, chủ hộ đã ký biên bản làm việc khẳng định thông tin tài khoản FB đăng tải về việc ép giá mua vải trong buổi sáng 27/5 xuống còn 2.000 đồng/kg là không đúng sự thật.

Đồng thời cung cấp sổ sách ghi chép, theo dõi chi tiết việc mua thu vải trong ngày để xác thực. Qua làm việc chính quyền địa phương cũng khẳng định thông tin về việc vải bị ép giá còn 2.000 đồng/kg hoàn toàn không đúng sự thật.

Theo thống kê, năm 2021, diện tích vải của tỉnh Bắc Giang đạt 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Ảnh: Sở Công thương BG
Theo thống kê, năm 2021, diện tích vải của tỉnh Bắc Giang đạt 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Ảnh: Sở Công thương BG

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cũng cho biết, hiện nay huyện này đã vào vụ thu hoạch vài chín sớm, nhìn chung việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi. Đối với vải chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, được cấp mã số vùng trồng thì có giá bán ổn định từ 25.000-30.000 đồng/kg.

Trước đó, sáng 26/5, tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra Lễ Xuất hành lô vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản.

Theo đó, có khoảng 20 tấn vải thiều được các Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu… được xuất sang Nhật Bản trong dịp này. Đây là năm thứ 2 trái vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Theo ông Thọ, năm nay khó khăn do dịch Covid-19 nên chuyên gia Nhật Bản không thể sang Việt Nam để giám sát hoạt động thu hái, xông hơi và khử trùng theo tiêu chuẩn quy định.

Tuy nhiên, phía nước bạn đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện việc này nên mọi thủ tục xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản vẫn được đảm bảo thuận lợi.

"Tất cả những lô vải xuất đi Nhật Bản đều được trồng tại vườn được phía Nhật Bản cấp mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn để xuất sang Nhật Bản.

Về mặt giá cả, giá thu mua vải xuất khẩu sang Nhật Bản tại vườn nằm trong khoảng 22.000 - 30.000 đồng/kg, tương đương năm ngoái, cao hơn giá thu mua ngoài chợ khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg", đại diện Sở Công Thương Bắc Giang cho biết thêm.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch về sản xuất vải thiều an toàn dịch bệnh với với nhiều biện pháp đồng bộ để giúp người dân.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news