Bất cứ loại bệnh nặng nhẹ nào, toa thuốc của thầy Sinh đều có giá như nhau, 20 nghìn đồng. Điều kỳ diệu là chị đã khỏi thoát vị đĩa đệm sau 2 tháng dùng thuốc.
Chị Nguyễn Thị Hằng ở Xuân Lộc (Đồng Nai) bị thoát vị đĩa đệm đã nhiều năm. Khi bệnh đến giai đoạn nặng, chị được mọi người tư vấn đến một thầy thuốc người dân tộc trong huyện để chữa trị. Chỉ sau một ngày được xoa bóp và uống thuốc chị thấy đỡ hẳn. Chị không biết cảm ơn thầy bằng cách nào nên đã âm thầm mua cho thầy một con thuyền để hằng ngày thầy qua sông đi lấy thuốc...
"Cảm giác kiến bò và đau đớn đến phát sốt"
Bức ảnh kỉ niệm thầy Sinh trao thuốc cho chị Hằng. |
Gặp chị Nguyễn Thị Hằng tại chợ Gia Ray, ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường (Xuân Lộc), chị niềm nở chia sẻ về cuộc sống mới mà mình có được từ vị lang y trẻ tuổi người dân tộc: “Hơn 10 năm, cơn đau thoát vị đĩa đệm cứ hành hạ tôi như một cực hình.
Lúc tôi cảm thấy bế tắc nhất, tưởng chừng như cuộc sống không còn nữa thì may mắn gặp được thầy Sinh, một vị lang y người dân tộc Chơ Ro hiếm có. Tôi dùng hết đúng 150 thang thuốc trong 5 tháng của thầy thì bệnh tình đã dứt hẳn. Thật kì diệu…”.
Chị Hằng vốn là người gốc Huế. Vì cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên gia đình chị di cư vào Nam để mong có cuộc sống khấm khá hơn. Từ nhỏ, mọi việc nặng nhẹ chị đều xông pha. Khi lập gia đình, chị may mắn lấy được người chồng tốt bụng là một cán bộ nhà nước. Chị hạnh phúc với cuộc sống gia đình mới, sinh được hai người con trai, cả hai đều học rất giỏi, đã trưởng thành và có địa vị trong xã hội.
Nhưng hạnh phúc “chẳng tày gang” căn bệnh thoát vị đĩa đệm của chị đi vào giai đoạn cuối. Vào giai đoạn khó khăn nhất, chị nghĩ “mình không thể cầm cự được nữa, cuộc đời mình có được một gia đình như ngày hôm nay là quá hạnh phúc rồi, có ra đi cũng mãn nguyện…”.
“Tôi không được học hành đầy đủ. Có chút vốn liếng tôi đi buôn bán quần áo. Chính vì nhiều lúc bưng bê nặng nên tôi bị thoát vị đĩa đệm, đau dai dẳng nhiều năm, có cảm giác như kiến bò và tê, đau toàn thân, từ trên xuống dưới rất khó chịu. Khi ở giai đoạn phát bệnh nặng, tôi ngồi cũng không yên, nằm cũng không xong, cơn đau hoành hành khổ lắm”, chị Hằng chia sẻ.
Sau khi không thể cầm cự được cơn đau, chị Hằng đi điều trị ở nhiều bệnh viện lớn nhỏ. Ban đầu chị lên Bệnh viện Sài Gòn điều trị, thấy không hiệu quả chị lại chuyển sang Bệnh viện Triệu An, rồi chị chuyển sang Bệnh viện Chỉnh hình TP.HCM.
Chị cho biết: “Nghĩ lại lúc đầu đi điều trị thật khổ sở… Khi ở Bệnh viện Chỉnh hình, bác sĩ nói bệnh của tôi bây giờ có uống thuốc cũng chỉ uống thôi, không có tác dụng, cần phải phẫu thuật, mổ ngay. Nhưng cứ nghĩ đến mổ là tôi lại sợ, nên tôi quyết định chỉ lấy thuốc về nhà uống. Hai năm trời ròng rã đi lấy thuốc, cứ hai tuần đi một lần, nhưng bệnh chẳng thấy có dấu hiệu thuyên giảm. Tốn biết bao nhiêu là tiền của…”.
Chị bảo, chính vì uống quá nhiều thuốc tây nên cơ thể chị phát ra nhiều bệnh hơn, nhất là gan, nóng thấy rõ… Khi cảm thấy dùng thuốc tây nhiều quá không ổn nên chị dừng không uống nữa và căn bệnh thoát vị đĩa đệm cứ âm ỉ hành hạ người phụ nữ nhỏ bé. Chính thời gian khó khăn nhất thì chị được một người bạn trong chợ giới thiệu đến thầy Kim Văn Sinh chữa cho chị.
“Bệnh của tôi đã đến giai đoạn cuối rồi nên trước khi đi gặp thầy Sinh tôi nghĩ “đi để mà đi thôi chứ chẳng hi vọng gì”. Tôi nhớ nhất ngày đầu đó, chồng tôi chở tôi sang, thầy biết bệnh tình của tôi liền bảo tôi nằm xuống để thầy xoa bóp, xoa bóp xong thầy bốc cho toa thuốc về uống. Thật khủng khiếp, tối hôm đó tôi thấy đau hơn, đau như muốn chết đi ấy, cả đêm vật lộn không ngủ được. Tôi nghĩ, cuộc đời của mình đã đến ngày kết thúc. Đêm đó tôi còn nói với chồng tôi rằng “nếu em có mệnh hệ gì thì anh chăm lo cho hai đứa giúp em, và anh nhớ giữ gìn sức khỏe”, chị Hằng chia sẻ.
Âm thầm cảm ơn
Nhưng điều kì diệu đã xảy ra khiến chị Hằng cũng không ngờ tới. Sau một đêm dài đau đớn, đến sáng ngày hôm sau chị thấy dễ chịu hơn hẳn. “Thật không ngờ đến sáng hôm sau tôi không thấy đau nữa mà lại cảm thấy dễ chịu hơn khi uống thuốc xong chừng một tiếng. Lúc đó, tôi mới thấy được hiệu quả của việc xoa bóp và uống thuốc của thầy Sinh. Ngay trưa hôm đó tôi liền bảo chồng đưa sang thầy xoa bóp và lấy thuốc về uống. Khi sang đến nơi tôi kể chuyện cho thầy nghe, thầy bảo “sau này chị chỉ sang đây lấy thuốc về uống”.
Sau 2 tháng dùng thuốc của thầy tôi thấy bệnh tình của mình gần như khỏi hẳn. Khi nằm xuống rất dễ chịu, không còn đau và có cảm giác như kiến bò, tê nữa. Lúc đó, thầy Sinh bảo chắc không cần dùng thuốc nữa, nhưng tôi vẫn lấy về uống cho khỏi hẳn, và vì mỗi toa thuốc của thầy cũng chỉ bằng một bát bún bò Huế ăn sáng mỗi ngày, có là gì đâu so với những đợt tôi lấy thuốc tây về uống mà bệnh cũng chẳng giảm…”, chị Hằng vui mừng chia sẻ.
Vị thuốc đơn giản từ rễ và lá cây. |
Điều đặc biệt là, bất cứ loại bệnh nặng nhẹ nào, toa thuốc của thầy Sinh đều có giá như nhau, 20 nghìn đồng. Khi hỏi về điều này, thầy Kim Văn Sinh cho biết: “Mình may mắn được thầy truyền lại, và cũng vì sư phụ của mình dặn dò trước lúc ra đi là: “Tổ tiên người Chơ Ro ta có được những bài thuốc hay là để tận tâm chữa trị cho người nghèo miễn phí, còn người có điều kiện thì mình lấy một chút ít gọi là chi phí sinh hoạt cho mình, thế là cân bằng được cuộc sống.
Ta may mắn có được nó, nhưng giờ sức khỏe của ta không còn nên ta truyền lại cho con nên con phải ghi nhớ điều đó. Mình may mắn có được những thang thuốc quý, ngoài việc trân trọng người để lại thì mình cũng phải tích đức cho đời sau”. Những lời dặn dò của thầy suốt cuộc đời tôi không thể nào quên, chính vì thế mà tôi đề ra mỗi toa thuốc có giá như vậy”.
Cũng theo thầy Sinh cho biết, những toa thuốc đã chữa khỏi bệnh cho những người mang trọng bệnh… đều được thầy Sinh mang đi kiểm nghiệm và chứng thực. Thầy Nguyễn Cuộc (Chủ tịch hội đông y huyện Xuân Lộc) cho biết: “Đúng vậy, thầy Sinh là một lang y hiếm có trong huyện này, vừa có tài lại vừa có đức. Những bài thuốc chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho người bệnh được thầy mang ra cho tôi xem, và chính tay tôi mang đi kiểm nghiệm. Đó đều là những bài thuốc quý và có giá rất rẻ, chỉ 20 nghìn đồng”.
Chia sẻ về căn bệnh của chị Hằng, thầy Sinh cho biết: “Khi chị Hằng cùng chồng sang khám tôi biết chị lo lắng nhiều. Chị cũng như bao người bệnh hiểm nghèo khác, đều mang tâm trạng chung là lo lắng buồn phiền. Khi đó tôi chỉ biết động viên chị cố gắng chịu đau thời gian đầu điều trị. Khi có được kết quả tốt, chị vui mừng, tôi cũng vui mừng. Đến nay, tuy chị không điều trị nữa nhưng vẫn thi thoảng sang hỏi thăm tôi”.
Được biết, căn nhà hiện nay thầy Sinh ở là do một gia đình có người bệnh “cảm ơn”. Ban đầu thầy nhất quyết không chịu nhận xây nhà, nhưng do nhiều người tác động và phân tích là nên có một phòng khám tốt hơn để chữa trị, rồi động viên mãi thầy mới chịu. Riêng cá nhân chị Hằng, để đáp lại công ơn chữa bệnh, chị đã âm thầm kêu gọi thêm một hai người nữa đóng góp thêm chút ít để mua một chiếc thuyền mới tặng thầy Sinh vì chiếc thuyền mà thầy dùng để qua các con sông đi lấy thuốc đã cũ kĩ và nguy hiểm.
Hưng Thịnh