Tin mới

Bạn đã biết về những văn hóa cụng ly này chưa?

Thứ sáu, 11/11/2016, 16:40 (GMT+7)

Cụng ly trên bàn tiệc không chỉ đơn giản là thói quen mà ở nhiều quốc gia, cụng ly như thế nào cũng phản ánh được văn hoá của quốc gia đó.

Cụng ly trên bàn tiệc không chỉ đơn giản là thói quen mà ở nhiều quốc gia, cụng ly như thế nào cũng phản ánh được văn hoá của quốc gia đó. Ở Việt Nam, bạn chỉ cần “Dzô” với người nhậu cùng là cả hai bên đã rất vui vẻ, nhưng ở các quốc gia khác chưa chắc đã như vậy.

1. Thói quen cụng ly xuất phát từ đâu?

Thông thường, trong các bữa tiệc, mọi người đều cụng ly với nhau để không khí thêm phần vui vẻ, phấn khởi và có bao giờ bạn tự hỏi thói quen này bắt nguồn từ đâu không?

Có hai nguồn thông tin lý giải cho thói quen này:

Trong thời La Mã cổ đại, thường tổ chức các cuộc đấu võ sĩ. Trước khi vào trận, các võ sĩ sẽ uống rượu, bày tỏ tinh thần thượng võ. Tuy vậy thì đã có rất nhiều trường hợp võ sĩ bị đầu độc bằng chính những ly rượu trước giờ lâm trận này. Do vậy để tỏ rõ niềm tin vào đối phương, những võ sĩ thường san sang ly của nhau một chút rượu. Và khi san rượu như vậy, ly rượu phải chạm vào nhau tạo ra tiếng kêu. Lâu dần, thói quen cụng ly khi uống rượu đã trở thành điều không thể thiếu khi có tiệc tùng.

Cách lý giải thứ hai xuất phát từ những người Hy Lạp cổ đại. Họ cho rằng uống rượu là một hành động rất thú vị vì khi đó mọi bộ phận, giác quan trên cơ thể cùng được thưởng thức mùi vị của rượu: miệng nếm, mắt nhìn, mũi ngửi, tay cầm, tuy nhiên hai tay của chúng ta lại chẳng được “thử” vị rượu. Và để công bằng với các bộ phận trên cơ thể, người Hy Lạp cụng ly khi uống rượu để hai tay cũng có thể “thưởng thức” đồ uống này.

2. Cụng ly thế nào là đúng?

Để có thể đi tới bước cụng ly, bạn phải trải qua rất nhiều bước như: tuyên bố lí do buổi tiệc, giới thiệu các quan khách, sau đó mới tới màn cụng ly.  Khi cụng ly bạn cũng cần phải xác định những đối tượng cần mời. Ai là chủ tiệc, ai là khách, ai cần mời trước, ai mời sau.

Khi cụng ly, hãy cầm ly rượu của mình thấp hơn ly của người khác từ 1-2 cm, tay còn lại đặt ở cổ tay cầm ly. Với những người lớn tuổi khi cụng ly nên để ly thấp hơn, còn đối với bạn bè để ngang ly cũng không sao.

3. Người dân trên thế giới cụng ly như thế nào?

Văn hóa cụng ly ở Đức: Khi cụng ly bạn hãy đồng thời nhìn vào những người khác nữa, để thể hiện sự tôn trọng họ (và để không rơi vào tình huống bảy năm chuyện “mây mưa” không tốt lành). Tạo ra âm thanh leng keng khi cốc chạm, hãy nói Prost khi uống bia và Zum wohl cho các đồ uống khác.

Prost

Văn hóa cụng ly ở Pháp: Người Pháp thường nói Santé khi cụng ly và họ cũng không thường xuyên rót đồ uống đầy cốc, họ thích nhâm nhi từng ngụm nhỏ hơn.

Khi đến Pháp, hãy nhớ hô Santé khi cụng ly

Văn hóa cụng ly ở Nga: Người Nga thường bày tỏ những lời chúc mừng dài trước khi uống gì đó, và nếu chưa uống hết đồ trong cốc của mình thì đừng hòng đặt ly xuống nhé.

Hãy uống hết đồ trong ly khi bạn ở Nga nhé!

Nhật Bản: Hãy rót đồ uống cho những người đang nhậu cùng mình khi bạn đang ở Nhật. Nhưng đừng tự rót cho mình nhé vì người Nhật sẽ nghĩ là bạn muốn làm chủ bữa tiệc này đấy.

Hàn Quốc: Người Hàn Quốc cũng coi trọng việc nhận đồ uống từ người khác giống như người Nhật. Họ nhận đồ uống từ người khác bằng hai tay và họ cảm thấy đồ uông sẽ ngon hơn nếu được người khác rót cho.

Người Nhật và Hàn Quốc rất coi trọng thói quen rót đồ cho người cùng uống

Việt Nam: Ở Việt Nam, mọi người thường cụng ly với nhau trên tinh thần rất vui vẻ. Những tiếng cốc chạm leng keng, tiếng Dzô náo nhiệt cùng những lời chúc nhau trên bàn tiệc đã trở thành một nét văn hoá cụng ly của người Việt Nam.

Hãy Dzô khi bạn ở Việt Nam

Hoàng Anh Tú

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news